.

World Cup lạ lùng nhất lịch sử

13/11/2022 08:59 GMT+7

Vì nhiều lý do, giới hâm mộ bóng đá trên khắp thế giới sẽ được chứng kiến một kỳ World Cup kỳ lạ nhất xưa nay, từ trong ra ngoài phạm vi chuyên môn. World Cup 2022 sẽ khai diễn tại Qatar ngày 20.11 và trận chung kết diễn ra ngày 18.12.

Những nét kỳ lạ

Khác biệt đáng chú ý nhất so với truyền thống: đây là kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức trong mùa đông ở Bắc bán cầu. Nguyên nhân là vì nhiệt độ mùa hè ở Qatar thường dao động giữa 35 và 45 độ C, thậm chí có thể lên trên 50 độ C, nên không thể chơi bóng. Chỉ đến năm 2015, tức hơn 4 năm sau khi trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho Qatar, với những cuộc thăm dò, nghiên cứu, tư vấn, FIFA mới đành tuyên bố dời vòng chung kết (VCK) World Cup năm nay từ mùa hè sang mùa đông. Còn trong hồ sơ đăng cai ban đầu, Qatar tuyên bố họ có thể điều chỉnh nhiệt độ ngoài trời tại sân bóng bằng các hệ thống điều hòa không khí “siêu to, khổng lồ”.

Hàng loạt hệ quả quan trọng về mặt chuyên môn sẽ xuất hiện, từ thay đổi mang tính lịch sử vừa nêu. Theo thông lệ tồn tại gần 100 năm qua, VCK World Cup luôn diễn ra trong mùa hè và đó chính là thời điểm hợp lý để các nước chọn ra lực lượng tốt nhất nền bóng đá của mình. Mùa bóng ở khu vực châu Âu vừa kết thúc, quá công bằng cho việc so sánh, tuyển chọn, đánh giá các tuyển thủ. Đó là việc của giới cầm quân. Người hâm mộ thì đã có cái nhìn sơ bộ về các cầu thủ mà họ đang chờ xem ở VCK World Cup. Trong mùa hè, các đội tha hồ thi đấu giao hữu trước giải để thử nghiệm chiến thuật.

Vài cái “đầu tiên” đáng chú ý

Mỗi đội được đăng ký 26 cầu thủ (trước đây là 23).

Mỗi đội được thay người 5 lần/trận (trước đây là 3, thêm 1 cầu thủ trong hiệp phụ).

Salima Mukansanga (Rwanda), Stephanie Frappart (Pháp), Yoshimi Yamashita (Nhật) sẽ là 3 trọng tài nữ đầu tiên cầm còi ở VCK World Cup. Ngoài ra còn có 3 phụ nữ khác trong danh sách trợ lý trọng tài của giải.

Châu Á có số đại diện ở VCK (6 đội) nhiều gấp rưỡi số đại diện Nam Mỹ (4 đội).

Giờ thì khác hẳn: World Cup diễn ra ngay giữa mùa bóng ở châu Âu. Nhiều nơi vẫn đang thi đấu ở thời điểm chỉ 1 tuần trước khi World Cup 2022 khai mạc. Tính may rủi tăng lên rất cao, bởi không ai biết trước cầu thủ nào sẽ chấn thương ngay trước World Cup. Mặt khác, phong độ cầu thủ ở thời điểm chỉ 2 - 3 tháng kể từ khi mùa bóng khai mạc cũng đang trồi sụt thất thường, nói chung là chưa thật sự ổn định để giới cầm quân tuyển chọn. Nhiều đội cũng không thể thi đấu giao hữu trước giải.

Khác biệt tích cực so với World Cup mùa hè là kỳ này, đa số cầu thủ sẽ bước vào World Cup trong tình trạng sung mãn về thể lực. Trước đây, tình trạng cầu thủ mệt nhoài sau một mùa bóng căng thẳng ở châu Âu và gây thất vọng khi bước vào World Cup là chuyện bình thường, đặc biệt đối với các ngôi sao phải thi đấu nhiều.

Qatar chuẩn bị cho ngày hội lớn World Cup 2022

AFP

Một World Cup tốn kém nhất

Sự trớ trêu tình cờ: World Cup 2018 vừa được tổ chức ở đất nước rộng nhất thế giới, giờ thì Qatar lại là nước chủ nhà World Cup nhỏ nhất lịch sử (diện tích bằng 1/1.500 lần so với nước Nga). Nước này nhỏ về diện tích bao nhiêu thì lại giàu có bấy nhiêu. Chưa bao giờ chi phí tổ chức World Cup của nước chủ nhà lại cao như năm nay. Con số thấp nhất mà báo chí từng nêu ra là 65 tỉ USD, còn cao nhất thì lên đến 200 tỉ USD. Sở dĩ có khác biệt lớn như vậy là do những cách nhìn nhận, định nghĩa khác nhau về “chi phí tổ chức World Cup” - chẳng hạn có tính cả tiền nâng cấp cơ sở hạ tầng vào đó hay không.

Theo các báo cáo từ tờ Diario AS (Tây Ban Nha) và The Sun (Anh), nước chủ nhà Qatar đã chi hơn 200 tỉ USD để đầu tư vào kỳ World Cup 2022, cao gấp gần 20 lần so với Nga tổ chức năm 2018 (11,6 tỉ USD), và bỏ xa các kỳ World Cup 2014 ở Brazil tốn 15 tỉ USD, Nam Phi 2010 tốn 3,6 tỉ USD, Đức 2006 tốn 4,3 tỉ USD và Hàn Quốc, Nhật Bản cùng đăng cai chi tổng cộng 7 tỉ USD hồi năm 2002. Tuy nhiên, trong tổng số 200 tỉ USD đầu tư, Qatar trên thực tế chỉ chi khoảng 6,5 tỉ USD để xây mới 7 sân vận động và cải tạo sân Khalifa International cùng một số cơ sở vật chất nơi đóng quân để phục vụ các đội tuyển và nơi ở tạm cho người hâm mộ trong thời gian đến xem World Cup. Phần lớn kinh phí còn lại, Qatar xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng vừa phục vụ World Cup, vừa để thúc đẩy sự phát triển đô thị và kinh tế đất nước trong tương lai...

Giang Lao

Kinh phí bỏ ra nhiều của Qatar chủ yếu đầu tư và kết hợp các công nghệ làm mát tiên tiến nhất lắp đặt ở 8 sân vận động được xây mới và cải tạo sang trọng bậc nhất, với hệ thống điều hòa không khí làm mát tập trung, giúp giải quyết các vấn đề về nhiệt độ và độ ẩm. Điều này giúp các đội tuyển khi đến Qatar thi đấu ở World Cup 2022 sẽ không còn than phiền vấn đề nhiệt độ khắc nghiệt ảnh hưởng sức khỏe cầu thủ, tương tự là giới CĐV, được dự đoán sẽ có số lượng lên đến hàng trăm ngàn người từ khắp nơi trên thế giới đổ về đất nước ở khu vực Trung Đông này khi thời điểm giải đấu diễn ra.

Còn 7 ngày nữa World Cup 2022 sẽ khai mạc tại Qatar

REUTERS

Với hệ thống giao thông hiện đại bậc nhất thế giới, và vì diện tích Qatar nhỏ, người ta có thể dễ dàng di chuyển giữa mọi sân bóng tại World Cup này. Trong 8 sân vận động sẽ tổ chức World Cup 2022 thì sân xa nhất chỉ cách thủ đô Doha 46 km, sân gần nhất cách Doha 7 km. Trên nguyên tắc, du khách và giới hâm mộ đến Qatar dịp này có thể xem trực tiếp tại sân nhiều trận đấu chỉ trong một ngày. Đây cũng là lần đầu tiên khán giả truyền hình được xem đến 4 trận đấu tại VCK World Cup trong cùng một ngày (mà không trùng giờ). Đó là vì bản thân FIFA cũng muốn rút ngắn thời gian tổ chức VCK World Cup kỳ lạ này. Đây sẽ là lần đầu tiên FIFA áp dụng hệ thống kỹ thuật “VAR bán tự động” để bắt việt vị trong các tình huống ghi bàn. Trận đấu sẽ không bị gián đoạn bởi phương pháp này rất nhanh và chính xác. Đội vô địch World Cup 2022 sẽ được thưởng 38 triệu euro.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.