Xã hội hóa bảo tàng thông minh

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
18/05/2020 06:12 GMT+7

Nhiều bảo tàng tại TP.HCM đang gấp rút thực hiện thay đổi hình thức từ mô hình “kinh viện” truyền thống, chuyển sang số hóa tương tác thông minh nhằm thu hút khách tham quan. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư khá lớn nên việc kêu gọi xã hội hóa là cấp thiết.

Xu hướng mới để phát triển

Từ tháng 1.2020, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM được sự tài trợ của Công ty Wedidit Solutions, bắt đầu đưa vào hoạt động thử nghiệm dự án Giải pháp tương tác bảo tàng thông minh Komorebi ở phòng trưng bày Tượng Phật giáo một số nước châu Á. Mỗi du khách khi chuẩn bị bước qua cửa tham quan được quét mã QR trên điện thoại, có thể dùng phiên bản tiếng Việt hoặc Anh, rồi tương tác trực tiếp với toàn bộ hiện vật về: nguồn gốc xuất xứ, chất liệu, niên đại, hình ảnh, video… rất sống động trên các thiết bị thông minh.
Trước đó, theo bà Nguyễn Khắc Xuân Thi, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM: “Chúng tôi cũng đã phối hợp Sở Du lịch TP.HCM thực hiện dự án quét mã QR thử nghiệm tại phòng trưng bày Văn hóa các dân tộc phía nam Việt Nam và được khách tham quan đánh giá rất cao. Sắp tới, bảo tàng nỗ lực kêu gọi xã hội hóa quét mã toàn bộ hiện vật trên hệ thống những phòng trưng bày chuyên đề còn lại, đồng thời trang bị thêm các màn hình chạm bổ trợ tại những bảo vật quốc gia, hiện vật quý hiếm…”.
Cách đây 2 năm, Hội trường Thống Nhất cũng mở cửa trưng bày chuyên đề Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 - 1966. Lần đầu tiên, đơn vị cho thử nghiệm kết hợp giữa đồ họa và công nghệ mới. Các thiết bị do chuyên gia Mỹ tư vấn thiết kế và sử dụng một cách chuyên nghiệp đã giúp chuyển tải những thông điệp và nội dung của trưng bày một cách sinh động, cuốn hút. Người xem bất ngờ với những trải nghiệm không chỉ qua thị giác mà còn qua hệ thống âm thanh vòm, nghe trực tiếp âm thanh sống động của Sài Gòn xưa thời Pháp thuộc. Nhờ kết hợp giữa màn hình trình chiếu và video, du khách như tận mắt chứng kiến thời điểm máy bay ném bom Dinh Độc Lập và khung cảnh đường phố Sài Gòn căng thẳng khi ấy. Chỉ cần chạm tay vào bức ảnh khác, một màn hình cảm ứng sẽ hiện ra, từng lớp thông tin mới lại tiếp tục xuất hiện, rồi tùy vào nhu cầu của từng người mà chọn điều muốn xem, kể cả nội dung mang tính chất giải trí qua các trò chơi phù hợp.
Xã hội hóa bảo tàng thông minh1

Tham quan bảo tàng thời công nghệ không cần hướng dẫn viên

Nhờ sử dụng tương tác thông minh bằng công nghệ, phòng trưng bày thu được kết quả bất ngờ. Theo lãnh đạo Hội trường Thống Nhất: “Trung bình ngày thu hút được 500 - 600 khách vào tham quan, riêng dịp lễ, tết có tới cả ngàn du khách. Chỉ sau 2 năm mở cửa, phòng trưng bày Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 - 1966 đón tiếp gần 500.000 lượt khách người lớn và khoảng 50.000 trẻ em đến tìm hiểu lịch sử và hiện vẫn đang rất hot”.
Tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, sau khi đưa vào hoạt động phòng trưng bày Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng miền Nam và TP.HCM bằng ứng dụng Smart Museum thành công, Giám đốc Nguyễn Thị Thắm cho biết tháng 6.2020 sẽ tiếp tục đưa vào khánh thành công trình thành phố đầu tư thí điểm bảo tàng thông minh tương tác trên công nghệ 3D với nhiều trang thiết bị hiện đại.

Nên vận động xã hội hóa

Trên thế giới, bảo tàng thông minh không quá xa lạ nhưng tại Việt Nam, số lượng các bảo tàng ứng dụng công nghệ cao vẫn còn khiêm tốn. Ưu điểm của loại hình này là không cần diện tích trưng bày lớn, tiết kiệm được chi phí, thời gian khách tham quan linh hoạt. Các ứng dụng thông minh biến những hiện vật khô khan trở thành tư liệu lịch sử sống động. Ngoài ra, việc tra cứu thông tin qua tương tác còn cho phép người xem tìm hiểu các hiện vật, tư liệu thông qua mô hình bảo tàng ảo 3 chiều, đáp ứng đúng nhu cầu của khách.
Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, nhìn nhận: “Công nghệ số mang tới nhiều cơ hội mới đi kèm với thách thức mà bảo tàng truyền thống phải đối mặt, đó là sự xuất hiện của những loại hình giải trí: rạp chiếu phim 3D, 4D, khu vui chơi phức hợp, nhà hát số cùng với việc ra đời liên tiếp nhiều loại hình bảo tàng khác nhau, dẫn đến sự cạnh tranh giữa các bảo tàng về tính hấp dẫn và khác biệt. Các hoạt động lâu nay: tờ rơi, sách, chú thích, bảng trích, video, audioguides… giờ không còn hấp dẫn. Những không gian trải nghiệm, tương tác trong các mô hình cũ làm giảm sút đáng kể số lượng du khách, cho thấy sự lạc hậu của mô hình bảo tàng truyền thống”.
Đồng tình với xu hướng phải phát triển bảo tàng thông minh, bà Trần Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Hội trường Thống Nhất, cho rằng: “Việc đầu tư cần sự quyết tâm của lãnh đạo bảo tàng và sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp trên trong chủ trương, cũng như kinh phí. Hiện chuyên gia giỏi về thiết kế bảo tàng hiện đại đều là người nước ngoài, mà tiền bỏ ra thuê rất cao so với mức quy định của luật đầu tư công Việt Nam. Do vậy, để có một bảo tàng thông minh thực sự hiện đại và chuyên nghiệp đúng chuẩn quốc tế rất khó thực hiện. Nên sớm có một cơ chế tài chính đặc thù cho ngành, khi sử dụng chuyên gia nước ngoài”.
Để đỡ nặng gánh cho ngân sách nhà nước vì đầu tư bảo tàng thông minh khá tốn kém, ông Hoàng Anh Tuấn đề xuất: “Nhà nước không cần bao cấp toàn bộ mà các bảo tàng nên “tự thân vận động” theo hình thức xã hội hóa, vừa giúp đối tác quảng bá thương hiệu đến với du khách từ việc tiếp cận nền tảng công nghệ của bảo tàng, tạo ra nguồn thu ổn định cho loại hình tương tác thông minh. Hiện có 2 khuynh hướng: đối với bảo tàng có lượng du khách lớn và tiềm năng thì việc kêu gọi xã hội hóa thuận lợi hơn. Còn đối với bảo tàng ít khách và độ hấp dẫn chưa đáp ứng được nhu cầu du khách thì nhà nước nên đầu tư vào thời gian đầu, khi ổn định thì tham gia theo quy trình xã hội hóa. Đó là xu hướng tất yếu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.