“Xã hội hóa điện ảnh” đi về đâu ?

21/03/2008 23:27 GMT+7

“Xã hội hóa điện ảnh” là cụm từ đã và đang được các cơ quan quản lý và báo chí nhắc đến. Nhưng, chúng ta được gì sau nhiều năm tích cực "xã hội hóa"?

Vài hãng phim vào cuộc

Dù có đến 40 hãng phim tư nhân trên toàn quốc (riêng TP.HCM có 33 hãng) nhưng chỉ vài nhà sản xuất đủ khả năng làm phim truyện nhựa đúng nghĩa và "coi được" như Thiên Ngân, Phước Sang, Chánh Tín Film... Những sản phẩm gần đây nhất mà các hãng phim tư nhân góp mặt vào thị trường tập trung vào dịp đầu năm mới với nhiều "chiêu" quảng cáo, tiếp thị dồn dập như Nụ hôn thần chết, Phát tài, Võ lâm truyền kỳ, Đẻ mướn, Khi đàn ông có bầu, Nữ tướng cướp, Trai nhảy... Khác với thời bao cấp, điện ảnh Việt thời xã hội hóa mang nặng tính thị trường: làm phim là phải có khán giả, phải chạm được những sở thích mà khán giả muốn hướng đến, phải có doanh thu... Với tiêu chí này, phim do các hãng tư nhân sản xuất nặng tính giải trí. Mặc cho các nhà phê bình, báo chí chỉ trích, dòng phim chỉ lấy "trai đẹp, gái xinh" và cả giới đồng tính ra làm đề tài hay câu khách bằng những tình huống gây cười bình dân... vẫn có chỗ đứng. Đề tài ma, kinh dị cũng lên ngôi như Mười, Ngôi nhà bí ẩn, Suối oan hồn, Ngủ với hồn ma... Chi phí làm phim rất tốn kém, trung bình từ hai, ba trăm ngàn USD đến cả triệu USD nên các hãng sản xuất phải tính đến chuyện lời lỗ. Do đó, việc họ chọn những đề tài ăn khách, dù bị gọi là "sến", "bình dân", "rẻ tiền" nhưng có khả năng thu hồi vốn hoặc sinh lợi cao để đảm bảo "tái sản xuất" là chuyện phải làm!


Phim Suối oan hồn - Ảnh: HPCT

Bao giờ có những phim giá trị?

Việc Giám đốc Hãng phim Phước Sang từng tuyên bố sẽ tiếp tục ra đời dòng phim "thị trường" để đủ tiền làm phim nghệ thuật là một quyết định táo bạo. Những hãng phim nổi tiếng thế giới đã theo công thức này từ lâu. Áo lụa Hà Đông đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước là một minh chứng. Nhưng với số phim quá ít (trung bình mỗi hãng có từ 1-2 phim/năm), chỉ tập trung vào dịp Tết, khả năng điện ảnh Việt phát triển trong tương lai vẫn xa vời. Việc xuất hiện những phim có giá trị nghệ thuật cao, đủ tầm đại diện cho nền điện ảnh nước nhà tranh đua với thế giới lại càng xa hơn! Công thức: làm phim ăn khách - thu hồi vốn nhanh -không kích thích sáng tạo - không có những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, ắt hẳn sẽ còn ngự trị dài lâu trong ngôi nhà chung của điện ảnh Việt thời xã hội hóa.

Mục tiêu của việc xã hội hóa là làm sao "cứu" lấy nền điện ảnh đang èo uột. Nếu lật qua những tiêu chí, mục tiêu cụ thể mà các cấp quản lý nói và bàn đến, ắt hẳn sẽ thấy toàn "màu hồng". Nhưng qua những gì các hãng phim tư nhân đã và đang làm, chúng ta cần nhìn lại chặng đường mà cái gọi là "xã hội hóa điện ảnh" đã mang lại.


Cảnh quay trong phim Áo lụa Hà Đông ở Hội An  Ảnh: HPPS

Có nhiều nguyên nhân, nhưng không thể đổ cho việc thiếu tiền, thiếu vốn. Nếu một nhà sản xuất phim thành công, biết tạo ra sản phẩm điện ảnh vừa có giá trị nghệ thuật, vừa thu hút khán giả thì việc huy động vốn để làm phim tiếp theo là không khó. Cái thiếu ở đây chính là kịch bản hay, đạo diễn giỏi, diễn viên tài. Quan trọng nhất là sự nhìn nhận của các đơn vị chủ quản, quản lý điện ảnh về những thành quả mà các hãng phim tư nhân mang lại, để qua đó kích thích sự sáng tạo của họ trong nghệ thuật. Chúng ta đang hô hào xã hội hóa nhưng lại không xây cái nền cho nó. Vì vậy, việc điện ảnh phát triển theo xu hướng "thị trường hóa" như vài năm qua là tất yếu. Việc thiếu đào tạo những người làm nghề đúng nghĩa từ biên kịch, đạo diễn đến diễn viên, họa sĩ thiết kế, đạo cụ... dễ khiến người xem có cảm giác điện ảnh Việt đang tự mặc lên mình cái áo quá rộng.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.