Xả lũ kiểu “A Vương”, dân có thể kiện!

10/10/2009 23:46 GMT+7

Nhà máy thủy điện A Vương xả lũ vào đúng thời điểm nước đang dâng cao do mưa lũ khiến người dân bị “cộng hưởng” thiệt hại một cách nặng nề đang gây bức xúc dư luận. Câu hỏi đặt ra, liệu người dân bị thiệt hại có thể kiện đòi bồi thường? Nghe đọc bài

“Cứ chờ trữ nước đầy rồi xả thì chết hết dân!”

Trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại chiều 10.10, ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy điện A Vương, cho biết: “Lúc 7 giờ ngày 28.9, mực nước trong hồ là 361,6m (mực nước chết là 340m) và là mức nước thấp tối thiểu của các cửa xả. Khi đó nước về bao nhiêu là chạy qua tổ máy bấy nhiêu, chúng tôi có muốn xả thêm để cho hồ cạn nước thêm cũng không được. Hồ chứa của thủy điện A Vương là hồ nhỏ, dung tích  343 triệu m3, lượng nước dùng để phát điện thực tế chỉ có 240 triệu m3. Khi lượng mưa quá lớn, chúng tôi đã cắt được lũ đợt đầu, từ 7 giờ ngày 28.9 đến 15 giờ ngày 29.9. Trong vòng 32 tiếng chúng tôi đã tích được 145 triệu m3 nước trong hồ, cắt được gần 50% lượng nước lũ về.

12 giờ ngày 29.9, khi nước lên mấp mé mức 380m (mức nước buộc phải xả để đảm bảo an toàn thân đập) chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh. Đến 15 giờ, lãnh đạo tỉnh cho phép, chúng tôi mới xả lũ. Khi đó nước qua hồ chứa như một con sông tự nhiên, mực nước về bao nhiêu chúng tôi phải xả ra bấy nhiêu (khoảng 1.000 - 2.000 m3/giây).

Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua 10.10, ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Sáng thứ hai 12.10, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ gửi văn bản yêu cầu Ban chỉ huy PCLB tỉnh chủ trì, làm việc với Sở Công thương, Nhà máy thủy điện A Vương để trao đổi kỹ lưỡng nhằm trả lời việc xả lũ vừa qua cho dư luận. Một câu hỏi khác, đó là khối lượng hơn 146 triệu m3 nước đã xả xuống khiến mực nước vùng hạ lưu tăng lên bao nhiêu, cũng phải được trả lời”. (H.X.H)

Chúng tôi đã làm hết sức, đúng quy trình. Trước khi lũ về chúng tôi đã cho hạ mực nước ở hồ chứa đến mức tối đa. Khi mưa lớn, lũ về, chúng tôi đã cho tích nước trong hồ để cắt lũ đợt đầu. Lượng nước về quá nhiều, đến ngưỡng an toàn chúng tôi mới buộc phải xả vì nếu tích thêm nước sẽ có nguy cơ vỡ đập, mà khi thảm họa xảy ra thì hậu quả khôn lường”.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói: “Tôi có nghe thông tin Nhà máy thủy điện A Vương đã gửi văn bản báo cáo về việc xin xả lũ đến Ban chỉ huy PCLB tỉnh, nhưng bản thân tôi chưa hề thấy văn bản này”. Chiều 10.10, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ huy PCLB tỉnh, cho biết rõ hơn về sự “trao đổi qua lại” giữa nhà máy và chính quyền địa phương: “Khoảng 12 - 13 giờ ngày 29.9, phía nhà máy có điện báo về Ban chỉ huy PCLB tỉnh đề nghị được xả lũ. Khi nhận máy chuyển từ cán bộ văn phòng, tôi đã hét lên vì biết chắc chắn vùng hạ lưu sẽ bị ngập nặng. Lúc đó cũng có mặt Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải và Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban chỉ huy PCLB tỉnh Nguyễn Ngọc Quang. Các anh lãnh đạo họp bàn gấp rút để trả lời. Sau đó phía nhà máy thủy điện còn đưa ra lời yêu cầu là nếu địa phương không cho xả, vỡ đập thì sẽ gây chết người còn khủng khiếp hơn!”.

Vấn đề ông Nguyễn Thanh Quang đặt ra là quy trình xả lũ như vừa qua là rất thiếu khoa học, không có tính toán cụ thể, không nắm kỹ dự báo thời tiết, lượng mưa sắp tới... để có thể chủ động xả lũ trước khi để quá đầy. “Cứ chờ trữ nước đầy rồi xả thì chết hết dân chi?”, ông Quang bức xúc.

Dân có thể khởi kiện

Người dân ở lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn (nơi hứng chịu lượng nước trực tiếp từ đợt xả lũ thủy điện A Vương), thậm chí ở khu vực sông Vàng, sông Côn (phía trên ngã ba Hà Tân, nơi giao nhau với nhánh sông A Vương)... hiện đang rất bức xúc về quy trình xả lũ nói trên và  họ nghĩ đến việc khởi kiện nhà máy.

Ông Trần Đắc Tuấn (thôn Trúc Hà, Đại Hưng, Đại Lộc) bảo từ năm 1975 đến nay, tưởng chỉ có trận lụt năm 1999 là cao kỷ lục, nhưng trận lụt bão vừa rồi nước ngập nhà ông đến 2,2 mét, cao hơn đúng 1 mét so với đỉnh lũ 1999. Ông Tuấn phân tích thêm: “Tình trạng này hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi xả lũ A Vương, vì lúc đó trời không mưa nhiều. Chúng tôi ở cách ngã ba Hà Tân 2 cây số vẫn ngập nặng đến mức không tưởng tượng được là do nước trên này không có chỗ thoát”. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Quang bức xúc không kém: “Thực ra những người giữ đập, giữ nhà máy thủy điện chỉ lo bảo vệ họ là chính, chứ có bảo vệ dân đâu” (!).

 
Nhiều vùng ở Quảng Nam bị ngập nặng hơn có phần do thủy điện A Vương xả lũ - Ảnh: Hồ Trọng

Theo luật sư Nguyễn Nguyên Thy, Văn phòng luật sư Trương Thị Hòa (TP.HCM), trách nhiệm của chính quyền địa phương và nhà máy thủy điện trong việc này đã quá rõ. “Tuy là nhà máy có xin phép UBND tỉnh nhưng lúc đó là trong tình huống cấp bách và UBND tỉnh phải quyết định gượng ép cho xả lũ. Đã gây thiệt hại thì phải bồi thường. Người dân có thể khởi kiện tại tòa. Tuy nhiên, để có thể đòi được bồi thường thì người dân phải thu thập chứng cứ chứng minh được con số thiệt hại cụ thể do việc xả lũ gây ra. Trong tình huống bất ngờ như thế thì việc chứng minh sẽ rất khó khăn. Nếu người dân không khởi kiện được do không chứng minh được thiệt hại thì chính quyền địa phương và nhà máy thủy điện này cần phải hỗ trợ bồi thường một mức nào đó vì thiệt hại là hiển nhiên và rõ ràng”.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, cũng cho rằng nếu việc xả lũ của thủy điện A Vương gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thì người dân có quyền yêu cầu đơn vị này phải bồi thường thiệt hại về hoa màu, tài sản. “Luật pháp đã có những quy định cụ thể, cơ quan tổ chức của Nhà nước mà gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thì phải bồi thường. Nếu nơi xảy ra thiệt hại là HTX thì HTX thống kê thiệt hại, đứng ra khởi kiện, nếu không thì người dân trực tiếp khởi kiện”, luật sư Tuấn nói về cách khởi kiện.

Hoàn toàn có thể tính toán việc AVương xả lũ ảnh hưởng ra sao!

Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (Trung tâm), bà Nguyễn Lan Châu (ảnh), khẳng định như vậy khi trả lời PV Báo Thanh Niên chiều 10.10. Bà Châu nói:

“Việc xả lũ của hồ thủy điện A Vương chắc chắn làm gia tăng tình trạng ngập lụt. Vừa rồi do bận tập trung vào dự báo cơn bão số 10 nên chúng tôi chưa kịp tính toán cụ thể lượng nước xả bao nhiêu, ảnh hưởng như thế nào. Việc tính toán để đưa ra những con số chính xác là nằm trong tầm tay, chẳng có khó khăn gì cả. Chúng tôi sẽ sớm hoàn thành việc này.

 
 Ảnh: Q.Duẩn


Chúng tôi đã ký hợp đồng dự báo cho các hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang và Thác Bà. Theo đó, hằng ngày, đơn vị quản lý và điều hành các hồ trên phải cung cấp số liệu về mức nước hồ cho trung tâm. Chúng tôi sẽ tính toán và tư vấn cho họ mực nước trong hồ lên mức nào thì xả lũ, mức độ ảnh hưởng đến hạ lưu và xả lũ vào thời điểm nào là thích hợp... nhằm giảm thiệt hại có thể cho vùng bị ảnh hưởng. Trong đó, hồ thủy điện Hòa Bình luôn báo trước kế hoạch xả lũ cho trung tâm 12 tiếng đồng hồ.

Vừa qua, bên phía điện lực có đề nghị trung tâm xây dựng đề cương dự báo lũ phục vụ cho 14 thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên như cách mà chúng tôi đã làm với các thủy điện nêu trên. Tháng 7.2009, chúng tôi đã hoàn thành đề cương này. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, đến thời điểm này, đề cương đó vẫn chưa được triển khai trên thực tế”.

Quang Duẩn (thực hiện)

Hứa Xuyên Huỳnh -  Káp Thành Long - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.