Xâm nhập mặn sẽ vào sâu thêm 3 - 4 km

09/12/2017 09:53 GMT+7

Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam cho biết các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông có thể khiến xâm nhập mặn trên sông Tiền và sông Hậu vào sâu thêm 3 - 4 km

Ngày 8.12, tại TP.Long Xuyên (An Giang) đã diễn ra hội nghị Ủy ban Sông Mê Kông VN năm 2017 do Bộ TN-MT, Ủy ban Sông Mê Kông VN, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh An Giang, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế cùng chủ trì.
Báo cáo tham vấn dự án thủy điện Pắc Beng của Lào trên dòng chính sông Mê Kông, bà Nguyễn Thị Thu Linh, Phó chánh văn phòng Văn phòng thường trực Ủy ban Sông Mê Kông VN, cho biết nếu xem xét tác động lũy tích của công trình này cùng với 2 công trình đang được xây dựng thì tổng lượng dòng chảy có thể bị sụt giảm tới 13%, xâm nhập mặn trên sông Tiền và sông Hậu sẽ vào sâu thêm 3 - 4 km, tổng lượng phù sa bùn cát sụt giảm khoảng 5% và sản lượng đánh bắt thủy sản giảm 9%.
Theo các đại biểu, việc Thái Lan và Campuchia đang thực hiện các dự án chuyển nước sẽ góp phần gây khó khăn cho ĐBSCL. Nếu Thái Lan định bơm nước thử nghiệm thì mực nước trên sông mất đi 17% là vấn đề đáng quan ngại, còn nếu Campuchia làm dự án thủy điện theo nữa thì trước hết mất đi khoảng 90% lượng cá. Các đại biểu cũng cho rằng, các tỉnh cần có thông tin chính thống để có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Kết thúc hội nghị, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN-MT, nhấn mạnh đối với vùng ĐBSCL, vấn đề số 1 là Thủ tướng giao cho các bộ ngành phải điều chỉnh quy hoạch đối với thủy lợi, hạ tầng giao thông, tái cơ cấu nông nghiệp… Vì vậy, Ủy ban Sông Mê Kông VN cần giám sát xem có thực hiện đúng hay không; có cơ sở dữ liệu cùng hệ thống quan trắc để thực hiện điều hành quản lý tại các địa phương.
* Trong hai ngày 7 và 8.12, tại TP.Đà Nẵng, ĐH Fulbright VN tổ chức hội thảo quốc tế “Diễn đàn chính sách khu vực hạ lưu sông Mê Kông 2017 về năng lượng, nông nghiệp và nguồn lực tự nhiên”. Trong 3 phiên, các nhà làm chính sách, nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức Thái Lan, Lào, Campuchia, Mỹ, Úc và VN đã thảo luận các giải pháp phát triển năng lượng bền vững; các chính sách và thách thức phát triển nông nghiệp, nhất là ở miền Tây Nam bộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.