Xây bệnh viện quên làm đường vào: Chuyện không thể chấp nhận!

15/08/2016 10:50 GMT+7

Bạn đọc đã gửi nhiều ý kiến về tòa soạn xoay quanh vấn đề nêu trong bài Xây bệnh viện quên làm đường vào đăng trên Thanh Niên ngày 14.8.

Ai sẽ chịu trách nhiệm ?
Sự quá tải của các bệnh viện (BV) nhi sẽ được “hóa giải” nếu dự án BV Nhi đồng TP.HCM sớm đưa vào hoạt động. Thế nhưng, nhìn vào hình ảnh và đọc bài viết thì tôi thấy vẫn còn ngổn ngang. Tại sao một dự án lên đến 4.200 tỉ đồng, sắp đưa vào hoạt động mà lại không có đường vào. Đúng ra phải quy hoạch và triển khai đồng bộ, chứ sao lại để xảy ra tình trạng này. Bệnh nhi thì mòn mỏi chờ mà những người thực hiện dự án lại tắc trách. Nếu chậm trễ gây lãng phí và không thể thăm khám, điều trị cho các cháu thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Văn Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Ai giám sát ?
Một công trình với kinh phí lớn đến vậy mà tiến độ thi công không đồng bộ để bây giờ đưa vào hoạt động lại không có đường vào, thì theo tôi ngoài đơn vị thi công, còn có trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị giám sát. Ai giám sát thi công các hạng mục của dự án này, sao không sớm kiến nghị để giải tỏa ách tắc để thi công đường vào BV? Tại sao để đến khi chủ tịch TP đi thị sát mới trình bày ý kiến? Làm dự án, nhất là dự án dành cho trẻ, phải hết sức tận tâm, nhiệt tình, không nên để xảy ra những chuyện như vậy.
Ngọc Huy (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Khi nào BV đi vào hoạt động ?
BV xây xong phải… đắp mền chờ đường, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh đối với trẻ em ở TP.HCM và các vùng lân cận là rất cao. Cứ rề rà như thế này thì đến khi nào BV mới đi vào hoạt động? Rõ ràng, trách nhiệm của chủ đầu tư, của đơn vị thi công là rất thấp. Đã chậm tiến độ mà còn đòi ứng thêm tiền. Đây có lẽ là căn bệnh trầm kha trong xây dựng công trình công cộng ở ta.
Huỳnh Duy Tuấn (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Quy trình ngược
Đường, cầu, cống… phải làm trước công trình, sao ta lại có quy trình ngược như thế? Hình như cứ đụng đến công trình công cộng nào cũng có vấn đề. Không kéo dài tiến độ, đội vốn thì cũng giống trường hợp này. Rất may chủ tịch TP thị sát kịp thời và có chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, nếu vấn đề này phát hiện càng chậm thì BV còn lâu mới đi vào hoạt động được. Đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng công trình chứ đừng làm ẩu, làm càn rồi sau này đổ lỗi cho... ông trời.
Bùi Nguyễn Hoàng Lâm (H.Nhà Bè, TP.HCM)
Thiếu đồng bộ
Làm gì cũng phải có sự kết hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp. Đường vào chưa có, việc kết nối BV với bến xe, trạm xe buýt... cũng là vấn đề cần phải cấp bách tiến hành. Phải làm sao người dân đi lại thuận lợi nhất từ nhà đến BV. Nên nhớ, đây là BV nhi thì việc tổ chức, kết nối BV với hệ thống giao thông càng phải thuận lợi để dễ dàng cho các cháu di chuyển. Một khi BV Nhi TP.HCM đi vào hoạt động sẽ rất thuận lợi cho các bệnh nhi từ miền Tây và các quận huyện ở phía tây TP.HCM, giảm quá tải cho 2 BV nhi hiện có.
Đinh Quốc Minh (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
“Cha chung không ai khóc”
Xây dựng một con đường kiên cố không phải làm một sớm một chiều là xong. Ấy là chưa kể khi thi công công trình công cộng sẽ còn có nhiều vấn đề xảy ra. Thật sự tôi khá thất vọng khi nói về việc xây dựng các công trình có vốn từ ngân sách. “Cha chung không ai khóc” là câu nói rất đúng trong trường hợp này. Ngoài chuyện không có đường vào thì khâu đấu thầu trang thiết bị y tế cũng là vấn đề phải hết sức chặt chẽ, vì cũng đụng đến ngân sách, đến lợi ích nhóm.
Vũ Thị Phương (Q.5, TP.HCM)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
       
Sự phối hợp không đồng bộ này không biết có chủ ý từ trước hay không? Có phối hợp không đồng bộ mới có phát sinh, kéo dài tiến độ trong xây dựng. Chuyện này cũng giống như làm đường xong rồi đào lên để làm hệ thống cáp ngầm, cấp nước... Đào tới, đào lui cho đường hư lại làm đường tiếp. Chỉ người dân đóng thuế mới xót, còn người xài tiền thuế thì rất vô tư, thản nhiên!
Trần Thanh Thử (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
       
Có nhiều chuyện quá lạ ở VN, làm cầu mà quên đường dẫn, đến khi xây xong đường dẫn lên cầu thì cầu đã... sập. Việc xây BV mà quên đường vào BV cũng na ná như vậy. Liệu đến khi đường làm xong thì BV sẽ như thế nào? Chỉ sợ đến khi đó lại “chê” BV giống như tòa nhà hành chính ở TP.Đà Nẵng, rồi tìm địa điểm khác để xây BV khác thì khổ dân hơn!
Nguyễn Văn Liêm (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.