Xây chợ... bỏ hoang

24/07/2010 01:11 GMT+7

Trong khi hàng chục, hàng trăm chợ lớn nhỏ ở khắp ĐBSCL đang bị quá tải, xuống cấp, ô nhiễm và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào thì cạnh đó lại có hàng chục khu chợ được đầu tư bạc tỉ xây dựng mới bị bỏ hoang phế hoặc phải “thay đổi công năng” do vị trí xây dựng không thuận lợi cho việc mua bán...

Xây chợ để... phơi lúa

Năm 2005, UBND huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) đầu tư 1,5 tỉ đồng xây dựng chợ Châu Hưng A, với quy mô 50 quầy hàng. Tuy nhiên, từ ngày hoàn thành đến nay đã gần 5 năm, không có hộ nào vào chợ mua bán. Ông Nguyễn Minh Sơn, người bị thu hồi đất để xây dựng chợ cho biết, khi chính quyền có ý định xây chợ, người dân ở địa phương đã không đồng tình vì quanh xã này hiện có đến 5 chợ lớn bao bọc, chợ mới lại xây ở giữa cánh đồng lúa, đường sá đi lại khó khăn nên không thể cạnh tranh được. Hơn nữa, chợ này chỉ bố trí cho các hộ buôn bán tạm, tức là sáng sớm đem hàng hóa ra chợ bán, sau buổi hợp chợ lại tự đem về, không phù hợp với tập quán mua bán của người dân địa phương. Do đó, mặc dù có đến 46 hộ đăng ký, nhưng sau khi chợ xây xong thì không một ai thèm thuê. Do bị bỏ hoang quá lâu nên hiện khu chợ đã xuống cấp nghiêm trọng. “Gần đây, UBND xã Châu Hưng A quyết định dỡ phần bao che để tận dụng phục vụ cho công trình khác, còn mặt bằng chợ thì để cho cây cỏ mọc um tùm. Và thế là các sạp trong nhà lồng chợ là nơi... chứa lúa rất lý tưởng; còn mặt bằng nhà lồng chợ là nơi “tuyệt vời” dành để... phơi lúa sau thu hoạch”, ông Sơn chua xót nói.

Chợ Cầu Châu nằm cặp tuyến QL 1A (thuộc huyện Vĩnh Lợi) cũng trong tình cảnh tương tự. Chợ được xây dựng hơn hai năm qua, cơ sở hạ tầng rất khang trang, tổng vốn đầu tư hơn 2 tỉ đồng, nhà lồng chợ có thể bố trí được khoảng 100 quầy hàng. Nhưng hiện chỉ có vài quầy nhỏ bán trái cây, nước uống... còn hầu như cả khuôn viên rộng lớn của nhà lồng được người dân tận dụng để dựng xe tạm hoặc chứa đồ tạp nham.

Xây chợ theo... quán tính

Một cán bộ lãnh đạo Sở Công thương Sóc Trăng cho rằng, thời gian qua có một số chợ trong tỉnh được xây dựng theo “quán tính”, do nhiều cán bộ địa phương nghĩ rằng hễ xây chợ cho ngon ắt sẽ có người vào buôn bán mà không khảo sát, tính toán kỹ... Do đó, nhiều chợ khi xây dựng xong không đưa vào sử dụng được.

Điển hình như chợ xã Mỹ Thuận và chợ xã Thuận Hưng (H.Mỹ Tú). Mỗi chợ được đầu tư xây dựng trên 500 triệu đồng, nhưng gần 5 năm nay chợ Mỹ Thuận vẫn chỉ là một khu nhà lồng bỏ trống, còn chợ Thuận Hưng thì chỉ có... 2 hộ che chắn tạm bợ trong khu nhà lồng để bán giày dép, quần áo. Bà Nguyễn Thị Hồng, người dân ở đây cho biết: “Khi địa phương cho xây dựng chợ Thuận Hưng, những người “mua gánh bán bưng” rất mừng, sốt sắng  đăng ký vào chợ để mua bán được ổn định. Nhưng khi xây dựng xong thì không ai chịu vào do xã cho thuê mặt bằng với giá quá cao, ngoài ra còn thu các loại phí nên những người bán rau củ như họ vào chợ mua bán cầm chắc lỗ. Hiện 2 chợ này đã bị xuống cấp trầm trọng.

Còn chợ Bưng Tróp A (xã An Hiệp, H.Mỹ Tú) từ khi xây dựng xong chỉ có tác dụng làm... vựa và phơi lúa cho nông dân trong vùng. Chợ này được đầu tư xây dựng hơn 1 tỉ đồng, dự kiến bố trí khoảng 100 sạp quầy với mục tiêu sẽ “gom” hết các hộ gánh hàng rong và buôn bán tại những điểm chợ nhóm tự phát. Tuy nhiên, sau hơn hai năm xây dựng chợ vẫn trống hoang. Tương tự, chợ Nhâm Lăng (P.5, TP Sóc Trăng) được đầu tư xây dựng trên 500 triệu đồng, nhưng hiện nhà lồng bị bỏ trống, trong khi tiểu thương che lều bán ở bãi cỏ bên ngoài. Chợ P.4 cũng ở TP này được xây dựng trên 1 tỉ đồng hiện nhà lồng bị bỏ trống, các ki-ốt thì cửa đóng im ỉm...

"Một số nơi xây chợ xong, chính quyền bảo không thu tiền, nhưng lại thu đủ thứ phí nên người dân không chịu vô nhà lồng bán mà che lều tạm bợ để bán bên ngoài", một cán bộ Sở Công thương nói.

Chợ xây xong... rồi bỏ!

Chợ Đê Đông nằm cặp tỉnh lộ 883, thuộc địa phận xã Thạnh Phước (H.Bình Đại, Bến Tre) trên khu đất rộng 5.000m2, được xây dựng hoàn thành cuối năm 2005. Ông Lê Vũ Minh, Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Phước, nói: “Lúc đầu mấy ổng dự kiến đây sẽ là khu chợ đầu mối thủy sản dành cho các xã vùng biển. Nhưng khi làm xong nhà lồng chợ, sàn giao dịch, rồi kêu gọi không ai vào. Mới đây lại thấy làm thêm hệ thống xử lý nước thải, nhưng rồi tiếp tục bỏ hoang. Thật lãng phí”.

Theo ông Minh, do chợ xây dựng sai địa điểm, không theo quy luật "trên bến, dưới thuyền" nên không ai chịu vô. Mặc dù sau đó BQL dự án đã “chữa cháy” bằng cách mở thêm con đường ra bờ kênh cho tàu thuyền cặp bến nhưng tàu thuyền vẫn cứ không ghé. Trong khi đó thì các cơ sở kinh doanh lâu nay đều đã có điểm mua bán gần với vùng nguyên liệu nên họ không vào chợ.

Theo ông Lê Văn La, Trưởng BQL dự án, thì việc xây chợ này là chủ trương của tỉnh, cụ thể là Sở Công thương Bến Tre, với ý tưởng hình thành vùng nuôi tôm quy mô 400 ha, đồng thời sẽ tập hợp những hộ kinh doanh tại địa phương vào chợ đầu mối và thực hiện việc mua bán qua... sàn giao dịch, đấu giá. Kinh phí xây chợ bằng vốn ngân sách nhà nước, dự toán lúc đầu 7,5 tỉ đồng với 11 hạng mục. Nhưng sau thời gian dài ì ạch, đến nay chỉ mới thực hiện xong 5 hạng mục với số tiền 4,5 tỉ đồng, chưa kể hơn nửa tỉ đồng đền bù giải tỏa...

Ông La nói rằng muốn đưa chợ Đê Đông vào hoạt động, nhất thiết phải chuyển đổi chức năng sang kinh doanh thương mại, dịch vụ tổng hợp, đồng thời phải xây thêm nhà phố xung quanh chợ. Nhưng theo ông Nguyễn Phước Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại, thì do Sở Tài chính tính đưa ra đơn giá quá cao nên việc tìm người thuê hoặc hợp tác khai thác chợ là không dễ...

Hầu như tỉnh nào ở khu vực ĐBSCL cũng có ít nhiều những cái chợ xây dựng tiền tỉ rồi bị bỏ hoang như vậy. Chính quyền các địa phương cũng đã có nhiều cố gắng để “cứu” nó hoặc chí ít cũng tìm cách “thay đổi công năng” cho bớt lãng phí. Nhưng xem ra, chuyển đổi một cái chợ để làm một cái khác chợ thật là khó. Điều đó cũng có nghĩa là hàng trăm tỉ đồng đầu tư xây chợ đã bị... mất trắng!

Hoàng Phương - Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.