Xây dựng hầm đường bộ: Để nước ngập rồi... bơm !?

18/06/2009 00:29 GMT+7

Hầm đường cơ giới Đào Duy Anh - Đại Cồ Việt (Hà Nội) đã lập tức bị ngập nước nặng ngay sau khi thông xe kỹ thuật vài tiếng đồng hồ. Sự việc này đã gây thắc mắc lớn trong dư luận. Nghe đọc bài

Như Thanh Niên số ra ngày 16.6 đã thông tin, hầm đường cơ giới Đào Duy Anh - Đại Cồ Việt (Hà Nội) đã lập tức bị ngập nước nặng ngay sau khi thông xe kỹ thuật vài tiếng đồng hồ. Sự việc này đã gây thắc mắc lớn trong dư luận về chất lượng thiết kế của công trình.

Trong ngày hôm qua, Thanh Niên đã ghi nhận ý kiến nhiều chiều từ các nhà chuyên môn về sự cố hy hữu này.

Bài học cho đội ngũ xây dựng hầm!

Tôi cho rằng việc hầm đường bộ được thiết kế hiện đại nhất VN, đầu tư gần 500 tỉ đồng, thế nhưng vừa thông xe gần 2 tiếng đã ngập như sông là một bài học cho đội ngũ xây dựng hầm nói riêng và những người làm công trình ngầm sau này nói chung.

Nếu hầm ngập quá nặng thì sẽ bơm nước đi đâu? Hơn nữa cứ để nước tràn vào hầm mỗi khi trời mưa sẽ dễ khiến đường hầm xuống cấp nhanh chóng - Phan Phùng Sanh.
Phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM

Hầm thông xe ngay trong thời điểm mùa mưa, nên việc Ban quản lý dự án cho rằng chưa kịp hoàn thiện hệ thống thoát nước là rất thiếu trách nhiệm. Việc tính toán và hoàn thiện phương án thoát nước hợp lý trước khi đưa vào hoạt động là tối cần thiết đối với bất kỳ công trình ngầm nào. Không chỉ riêng hầm đường bộ Kim Liên mà với các công trình ngầm sau này như các tuyến tàu điện ngầm hay hầm Thủ Thiêm (tại TP.HCM) cũng vậy.

 Hệ thống thoát nước đối với các công trình giao thông ngầm cần phải đảm bảo cả tiêu thoát nước tự nhiên và sử dụng bơm đối với các trường hợp mưa quá lớn. Có nhiều cách để hạn chế đến mức thấp nhất nước chảy vào hầm như thiết kế mái che cho đoạn hầm hở, đặt nhiều rãnh ngầm để thoát nước mưa...

Các công trình ngầm trên thế giới cũng không nơi nào có tình trạng mỗi khi mưa phải đóng cửa đường hầm để bơm nước.
Thạc sĩ Hồ Long Phi - Đại học Bách khoa TP.HCM

Khu vực xây hầm đường bộ này vốn là một trong những điểm ngập nặng của Hà Nội, nhưng có vẻ khi thiết kế công trình này các chuyên gia không tính tới việc ngăn chặn nước mưa tràn vào hầm mà chỉ thiết kế bơm nước từ trong hầm ra ngoài, như vậy chỉ giải quyết được phần ngọn.

Rồi câu hỏi đặt ra là nếu hầm ngập quá nặng thì sẽ bơm nước đi đâu, hơn nữa cứ để nước tràn vào hầm mỗi khi trời mưa sẽ dễ khiến đường hầm xuống cấp nhanh chóng...

(Ông Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM)

Cần xem lại thiết kế

Đối với các công trình giao thông ngầm, việc thiết kế phải đảm bảo tiêu thoát nước tự nhiên, tức là có các đường rãnh thoát nước ở hai đầu hầm để cản trở hoặc hạn chế nước vào bên trong hầm. Chứ để cho nước ngập hầm rồi mới dùng máy bơm để bơm nước ra thì không hợp lý.

Theo tôi, có lẽ thiết kế hệ thống thoát nước của đường hầm có sai sót, chưa phù hợp với tần suất mưa, hoặc thiết kế cao độ đường hầm chưa hợp lý... Vì tất cả các công trình ngầm đều phải đảm bảo thoát nước khi có những cơn mưa lớn hoặc triều cường cao, máy bơm chỉ để dùng trong những trường hợp bất đắc dĩ, chứ không thể dùng để làm phương pháp thoát nước chính của đường hầm.

Đối với các công trình ngầm trên thế giới cũng không nơi nào có tình trạng mỗi khi mưa phải đóng cửa đường hầm để bơm nước.

(Thạc sĩ Hồ Long Phi - Đại học Bách khoa TP.HCM)

Sự cố đáng tiếc

 Tôi cho đây là một sự cố đáng tiếc. Tất nhiên, về nguyên tắc, cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành nghiệm thu chất lượng khi công trình hoàn thành tất cả các hạng mục rồi mới đưa vào sử dụng chính thức. Sau một thời gian, bằng cảm quan, người dân cũng có thể đánh giá được một phần về chất lượng của hầm đường bộ này.

Tuy nhiên, nếu trước khi thông xe kỹ thuật, các đơn vị liên quan công bố cho người dân biết, công trình chưa hoàn thành tất cả các hạng mục nên có thể xảy ra hiện tượng này hiện tượng nọ để dư luận biết và chia sẻ thì tốt hơn.

Hiện nay, chúng ta cũng đang thực hiện một số hầm đường bộ. Các đường hầm này không chỉ giải quyết ùn tắc tại các nút giao thông có giao cắt trực tiếp, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị. Tôi cho rằng, khi thực hiện các công trình này, chúng ta cần rút kinh nghiệm để không xảy ra sự cố đáng tiếc như vừa qua.

(Ông Nguyễn Ngọc Long - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước Các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải)

Chủ đầu tư: “Nếu mưa lớn thì hầm sẽ tạm dừng hoạt động” (!?)

PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sỹ Bảo (ảnh) - Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm Hà Nội - chủ đầu tư dự án, ông Bảo nói:

Chúng tôi biết trước việc rủi ro này vì thông hầm trong mùa mưa khi hệ thống bơm chính chưa hoạt động. Nếu có mưa lớn, hầm sẽ ngập trong một vài giờ, nhưng chúng tôi sẽ chủ động khắc phục bằng các máy bơm thi công.

* Biết sẽ bị ngập nếu có mưa nhưng vẫn cứ cho thông xe kỹ thuật, đó có phải vì chạy đua theo thành tích?

- Hoàn toàn không phải là việc chạy đua theo thành tích, mà chính chúng tôi chủ động thông xe kỹ thuật hầm cơ giới là để sớm nhất góp phần giảm thiểu ách tắc ở nút giao thông trọng điểm Kim Liên. Hai ngày qua, hầm chỉ dừng hoạt động 1,5 giờ để bơm nước mưa trưa 16.6, còn lại đang vận hành rất thông thoáng với lưu lượng xe cơ giới qua lại rất đông.

* Việc úng ngập trong hầm do mưa ngày 16.6 có phải do lỗi thiết kế hay không?

- Đây là thiết kế của Viện Thiết kế cầu hầm của Nhật Bản, nó thỏa mãn tất cả các tiêu chuẩn của VN và Nhật Bản. Hệ thống thoát nước trong hầm xe cơ giới được thiết kế hiện đại, đồng bộ, có hệ số an toàn cao, với hệ thống cống ngầm đường kính lớn, rãnh, ga thu và bể chứa nước mưa lớn (nằm ở độ sâu 20m) với hệ thống bơm tự động.

Khi trạm bơm chính lắp đặt xong thì dẫu mưa có to như trận mưa lịch sử năm 2008 thì hầm cũng không bị ngập. Theo thiết kế, hệ thống máy bơm chính gồm 4 máy bơm công suất 10m3/phút/máy; khi đưa vào vận hành, các máy bơm này sẽ giải quyết thoát nước được các trận mưa có cường độ 175 mm/giờ. Ngoài ra, hầm còn trang bị 1 máy phát điện công suất 300 KVA với thùng dầu 2.000 lít để vận hành 4 máy bơm trong 8 giờ liên tục khi xảy ra sự cố mất điện.

*Vậy đến bao giờ trạm bơm thoát nước chính mới lắp đặt xong và trong thời gian chờ đợi thì sẽ phải có giải pháp gì để chống úng ngập trong hầm xe cơ giới khi có mưa lớn?

- Chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ lắp đặt các máy bơm; sau 7 ngày nữa thì trạm bơm chính sẽ được đưa vào vận hành. Trong thời gian trạm bơm chính chưa hoạt động, để giải quyết úng ngập khi mưa, trước mắt chúng tôi sẽ vận hành máy phát điện và yêu cầu nhà thầu lắp đặt thêm 1 máy bơm (cùng hoạt động với 2 máy bơm đã hoàn thành) và phối hợp với Công ty thoát nước Hà Nội thường trực các xe cơ giới hút nước để hỗ trợ khi cần.

Các biện pháp tăng cường này có khả năng giải quyết được các trận mưa với cường độ 30 mm/giờ (trận mưa ngày 16.6 có cường độ 35 mm/giờ). Nếu cường độ mưa lớn hơn thì hầm sẽ tạm dừng hoạt động trong thời gian nhất định để bơm nước ra ngoài.

Việt Chiến

Bên đông, bên vắng

Bên thì đông nghẹt xe cộ, bên thì không có ai đi - ảnh: Ngọc Thắng

Một ngày sau sự cố ngập nước, hầm cơ giới Đào Duy Anh - Đại Cồ Việt đã hoạt động bình thường. Tuy vậy, Đội Cảnh sát giao thông số 4 vẫn phải duy trì 5 cảnh sát thường xuyên ứng trực hướng dẫn phân luồng giao thông. Theo ghi nhận của Thanh Niên tại nhiều thời điểm khác nhau khi hầm cơ giới được sử dụng, hai làn đường hầm xảy ra tình trạng “bên đông, bên vắng”. Thượng úy Trần Xuân Trương, Đội Cảnh sát giao thông số 4 đang làm nhiệm vụ tại đây, thông tin thêm: lượng phương tiện đi xuống hầm từ đường Đại Cồ Việt rất đông và ùn ứ chỉ xảy ra tại hướng đường Phạm Ngọc Thạch vì nhiều phương tiện không rẽ theo đường Đào Duy Anh (dài khoảng hơn 100 mét - PV) đi xuống đường hầm do đây là đoạn đường ngược chiều.

Để giải quyết tình trạng này, trong sáng qua, Đội Thanh tra giao thông quận Đống Đa đã cho dựng biển hướng dẫn, phương tiện giao thông đi xuống đường hầm nhưng làn đường mới này vẫn thưa thớt phương tiện qua lại. Đội Thanh tra giao thông quận Đống Đa cũng cắt cử người thường xuyên ứng trực hướng dẫn giao thông. “Có lẽ phải mất đến một tuần, người dân mới quen đi theo đoạn đường này vào hầm”, ông Nguyễn Thành Chung, Đội Thanh tra giao thông quận Đống Đa, cho biết.

Phan Hậu

P.Thanh - Quang Duẩn  (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.