Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo

19/05/2021 09:17 GMT+7

Ninh Thuận đang tập trung nhân lực thực hiện hóa Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31.8.2018 của Thủ tướng Chính phủ, phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Hướng tới mục tiêu này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các ban ngành phối hợp với bộ, ngành trung ương tham mưu xây dựng quy hoạch phát triển năng lượng trên địa bàn đến năm 2030 đạt khoảng 21.450 MW; trong đó, điện mặt trời 8.648 MW, điện gió 5.240 MW, thủy điện tích năng Bác Ái 1.200 MW, điện khí LNG Cà Ná 6.000 MW, thủy điện vừa và nhỏ 362 MW.

Sự đồng tình của người dân

Năng lượng tái tạo đã đưa Ninh Thuận từ một địa phương gặp khó khăn trong phát triển kinh tế, vươn mình trỗi dậy trở thành thủ phủ năng lượng của Việt Nam. Không những đem về nguồn thu lớn cho ngân sách, các dự án năng lượng sạch đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương. Xã Phước Minh, H.Thuận Nam (Ninh Thuận) là một trong những địa phương được xem là vùng đất khô cằn nhất Ninh Thuận. Người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nông và chăn nuôi gia súc nhưng toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phụ thuộc vào nước trời, mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ nên đời sống vô cùng khó khăn. Nay, cũng trên chính mảnh đất này, cuộc sống người dân đã thay đổi từng ngày nhờ hưởng lợi từ các trang trại điện mặt trời (ĐMT), điện gió (ĐG). Người dân địa phương được tuyển vào làm việc tại các trang trại ĐMT, ĐG với mức lương ổn đỉnh, bình quân từ 7 - 8 triệu đồng/lao động/tháng. Là công nhân nhà máy ĐMT Trung Nam, ông Huỳnh Văn Tiên (ở xã Phước Minh, H.Thuận Nam) cho biết, trước đây vùng đất này thường bỏ hoang do không chủ động được nguồn nước, phụ thuộc vào thời tiết nên sản xuất không có hiệu quả, đời sống người dân vô cùng khó khăn. “Từ khi Nhà nước cấp phép cho doanh nghiệp đầu tư các trang trại ĐG, ĐMT không những người dân có diện tích đất nằm trong vùng dự án nhận được khoản tiền bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng mà còn tạo công ăn việc làm có thu nhập cao, đời sống ổn định”, ông Tiên nói và cho biết người dân địa phương rất vui mừng khi “đặc sản” nắng và gió từng là nguyên nhân khiến Ninh Thuận nghèo khó thì bây giờ trở thành điểm lợi thế để phát triển.

Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư

Là địa phương có nhiều nhà đầu tư triển khai các dự án năng lượng sạch, ông Phạm Trọng Hùng, Chủ tịch UBND H.Thuận Bắc cho biết, trên địa bàn hiện có 10 dự án năng lượng sạch đang được triển khai, trong đó có 3 dự án (ĐMT và ĐG của Tập đoàn Trung Nam, Dự án Điện gió Đầm Nại và Dự án ĐMT Xuân Thiện) đã hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại. Theo ông Hùng, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngay từ những ngày đầu bắt tay thực hiện các dự án, địa phương triển khai công tác tuyên truyền để người dân vùng dự án hiểu rõ mục đích, tầm quan trọng trong việc phát triển nguồn năng lượng sạch cho quốc gia; đồng thời thực hiện công khai các chính sách về việc thu hồi đất, giá bồi thường, hỗ trợ, giải quyết việc làm,... cho từng hộ dân. Nhờ đó, giữa người dân và chính quyền địa phương luôn có tiếng nói chung trong việc giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ cam kết. Ông Trần Đức Xuyên, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) cho biết, Trung Nam Group đã và đang thực hiện nhiều dự án lớn liên quan đến năng lượng sạch tại Ninh Thuận. Được sự đồng thuận của người dân, chính quyền địa phương, đến nay các dự án mà Trungnam Group triển khai thi công rất thuận tiên, đúng tiến độ cam kết và đưa vào vận hành thương mại, góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện của quốc gia.
Ông Phan Tấn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, thực hiện chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31.8.2018 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 37 dự án ĐMT với tổng công suất 2.576MW; trong đó, có 32 dự án, với tổng công suất 2.256MW đã đưa vào vận hành thương mại. Đối với phát triển năng lượng ĐG, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch với tổng quy mô công suất 841 MW. UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp chủ trương đầu tư cho 15 dự án với tổng công suất 766,45 MW; có 3 dự án với tổng công suất 181,55 MW đã hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành thương mại và 12 dự án còn lại đang được các nhà đầu tư triển khai đầu tư. Bên cạnh đó, Ninh Thuận đã lập Quy hoạch Trung tâm điện khí LNG Cà Ná, công suất 6.000MW. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung Quy hoạch giai đoạn 1 công suất 1.500MW; 4.500MW sẽ xem xét bổ sung trong Quy hoạch điện VIII. Hiện Ninh Thuận đang tiến hành lựa chọn nhà đầu tư để triển khai dự án điện khí LNG công suất 1.500 MW tại Cà Ná.
Về cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, ông Cảnh cho biết ngoài việc thực hiện các cơ chế chính sách ưu đãi theo Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31.8.2018 của Thủ tướng Chính phủ, địa phương đã có những cơ chế tạo thuận lợi cho nhà đầu tư khi triển khai dự án tại Ninh Thuận, như chính sách cho thuê đất, hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng, các loại thuế được miễn và giảm trong quá trình thi công... luôn được thực hiện có hiệu quả. Theo ông Cảnh, xét về góc độ chung thì Ninh Thuận là địa phương có rất nhiều lợi thế để xây dựng trung tâm năng lượng tái tại của cả nước. Cụ thể: Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,5 m/s ở độ cao 65 m và mật độ gió từ 400 - 500 W/m² trở lên; tốc độ gió mạnh nhất trong năm từ 18 - 20 m/s ở độ cao 12m. Đặc biệt, ở địa bàn Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4 - 9,6 m/s rất thuận lợi cho sự phát triển năng lượng ĐG. Ngoài ra, Ninh Thuận là địa phương có cường độ bức xạ mặt trời rất lớn, tới 230 kcal/cm². Các số liệu quan trắc tại Ninh Thuận cho thấy số giờ nắng trung bình cả năm khoảng 2.600 - 2.800 giờ; trong năm có 9 tháng nắng. Đây là lợi thế để Ninh Thuận phát triển nguồn năng lượng ĐMT. Từ những thuận lợi về địa hình và các chính sách ưu đãi của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua ngoài việc kêu gọi đầu tư, Ninh Thuận đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, mời các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực kinh tế, năng lượng quốc tế... để lấy ý kiến, đề xuất các giải pháp đồng bộ, từng bước xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện sứ mệnh phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.