Xây dựng 'tổng kho di sản' Hà Nội

22/11/2014 06:35 GMT+7

Cần xây dựng nền tảng dữ liệu di sản cho Hà Nội, để từ đó quản lý di sản thủ đô chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đó là ý kiến các nhà khoa học tại hội thảo về quản lý di sản văn hóa trên địa bàn Hà Nội, diễn ra ngày 21.11 tại Hà Nội.

 
Lễ hội đền Gióng, Gia Lâm, Hà Nội được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - Ảnh: Ngọc Thắng

Khi chùa Trăm gian bị xâm hại, một cuộc họp báo khẩn đã được tổ chức. Trong cuộc họp báo, KTS Lê Thành Vinh đã mang đến bản vẽ chi tiết của những phần ngôi chùa bị phá. Nhờ đó, chùa Trăm gian được tu bổ lại và mới khánh thành cách đây một tuần. Đó là tư liệu mà người Pháp khi nghiên cứu đã để lại.

Nhưng hiện nay, nhiều vụ việc liên quan đến di sản tại Hà Nội đang “rối như canh hẹ” vì không có hồ sơ gốc đầy đủ. Mới đây, trong vụ dự kiến xây chợ sát đầu đình La Phù, Hoài Đức, Hà Nội, khi dân mang đơn đi kiến nghị, xã mới “giật mình tỉnh giấc” và phát hiện ra mình không hề có hồ sơ gốc của di tích cấp quốc gia này.

Lập ngân hàng dữ liệu khoa học về di tích

PGS-TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, nói ông rất hiểu cái khó của Hà Nội. Thủ đô đang ở trong thế trùng trùng di tích, di sản nên quản lý vô cùng vất vả. “Hà Nội là thành phố duy nhất trong cả nước có sự hiện diện của 9 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di sản văn hóa thế giới, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới và 1 di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”, ông Bài liệt kê.

Vì thế, ông Bài cho rằng nền tảng cho công tác quản lý di sản văn hóa là phải xây dựng được ngân hàng dữ liệu khoa học về tất cả các di tích lịch sử, văn hóa và di sản văn hóa phi vật thể có trên địa bàn thành phố. “Có thể coi đây là “Tổng kho di sản” của cả thành phố, tích hợp mọi nguồn thông tin có liên quan tới di sản văn hóa đã, đang và sẽ được triển khai tại Hà Nội. Ngân hàng đó gồm: hồ sơ khoa học về di sản, bản vẽ kỹ thuật, ảnh chụp, băng, đĩa hình, ghi âm…, các văn bản pháp lý liên quan, các quy hoạch, kế hoạch, dự án tu bổ…”, ông Bài nêu ý kiến.

Trong “tổng kho” đó, không chỉ có hồ sơ về di sản vật thể, mà còn phải có chỗ cho văn hóa phi vật thể. TS Lê Thị Minh Lý (Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa) đang thực hiện dự án kiểm kê di sản phi vật thể cho Hà Nội. Qua đó, bà Lý thấy rất rõ sự mai một của một số loại hình di sản như truyền khẩu, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn và tập quán xã hội. Ví dụ tiếng lóng ở làng Đa Chất (Phú Xuyên), hát trống quân (Phú Xuyên, Thường Tín, Phúc Thọ), hát tuồng cổ (Chương Mỹ)…

Nâng cao năng lực cho cán bộ

Sự bất cập trong quản lý dẫn đến tác động làm sai lệch giá trị di sản. Đó là sự thiếu tôn trọng cộng đồng. Can thiệp, thay đổi quy trình lễ hội, tập quán giống như hành chính hóa, nhà nước hóa thực hành di sản; thương mại hóa di sản làm giảm tính linh thiêng, thay đổi cách thức thực hành và không gian của di sản. “Cần có ngay chính sách nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp quản lý di sản, cho cộng đồng để công tác quản lý di sản được cải thiện và nâng cao về chất lượng”, bà Lý nói.

PGS-TS Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, nhấn mạnh việc kiểm kê trò chơi dân gian để đưa vào đời sống. “Chúng ta đều biết những trò chơi và trò diễn dân gian trong lễ hội luôn gắn bó máu thịt với mỗi con người từ thơ ấu cho đến lúc trưởng thành. Hiện nay, trong các lễ hội thường tổ chức nhiều trò chơi, nhưng những trò chơi dân gian, trò chơi truyền thống còn thưa thớt. Vậy vai trò tư vấn, giúp đỡ của cán bộ văn hóa từ phường, xã đến quận, huyện, thành phố đối với vấn đề này là cần thiết và cấp thiết”, bà Hảo nói.

TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, lại băn khoăn: Các cửa hàng cổ vật ở Hà Nội mở cửa tự phát dựa trên luật Di sản văn hóa và thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây, nhưng dường như đều không có phép của Sở Văn hóa - Thông tin thành phố vào thời điểm đó. Hầu hết chúng không đủ chuẩn mực theo thông tư và lẫn lộn đồ giả cổ, xập xệ và mang tiếng với khách tham quan. Ở Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… các cửa hàng này đều được tập trung vào những dãy phố, bài trí đẹp, là một trong những điểm tham quan và mua sắm của khách vãng lai.

Ngành văn hóa thủ đô cần có những cuộc khảo sát thực tế để đưa ra được những trung tâm và mẫu hình cửa hàng cổ vật thông qua các tiêu chí cụ thể. Gom thành những phố mua bán cổ vật để có thể biến thành điểm đến của du khách, tạo nên một nét riêng của Hà Nội đồng thời giúp quản lý tốt thị trường vốn được coi là vô cùng nhạy cảm này.

Chú ý đầu tư di tích Cách Mạng

TS Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long cho rằng: “Ở H.Đông Anh có di tích Địa đạo Nam Hồng - nơi duy nhất miền Bắc có địa đạo thời chống Pháp - nhưng tôn tạo dở dang. Di tích 48 Hàng Ngang (Q.Hoàn Kiếm) do Sở VH-TT-DL Hà Nội quản lý thì việc tu bổ, tôn tạo chưa đạt yêu cầu. Di tích này cần được đầu tư để thu hút khách đến tham quan, nhất là học sinh, sinh viên”.

Trinh Nguyễn

>> Di sản văn hóa VN qua ảnh
>> Ngày Di sản văn hóa VN
>> Đề xuất khu tàu cổ đắm là di sản văn hóa biển quốc gia
>> Triển lãm di sản văn hóa dưới nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.