Những cuộc chuyển giao quyền lực trong ngành ô tô năm 2016

03/01/2017 07:00 GMT+7

Bên cạnh những cuộc cách mạng về sản phẩm, thương hiệu... năm 2016 còn được xem là cột mốc đáng nhớ của ngành ô tô thế giới với một loạt cuộc chuyển giao quyền lực đáng chú ý.

Bên cạnh những cuộc cách mạng về sản phẩm, thương hiệu... năm 2016 còn được xem là cột mốc đáng nhớ của ngành ô tô thế giới với một loạt cuộc chuyển giao quyền lực đáng chú ý.
Năm 2016 đi qua để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong ngành ô tô thế giới. Hyundai chính thức tách Genesis thành thương hiệu xe sang độc lập, Toyota khai tử thương hiệu Scion. Bugatti mang siêu xe Chiron “bước ra thế giới” để tiếp nối huyền thoại Veyron. Aston Martin đánh dấu kỷ nguyên mới với mẫu xe DB11... Tuy nhiên, việc các hãng xe lần lượt “thay tướng” lại tạo được nhiều quan tâm nhất trong lĩnh vực ô tô trong năm 2016.
Nhiều hãng xe sang, siêu xe thay thế vị trí lãnh đạo trong năm 2016
Không chỉ là sự thay thế ở vị trí kỹ sư trưởng, năm 2016 nhiều thương hiệu ô tô thay thế cả Giám đốc điều hành - CEO, để sẳn sàng cho những bước tiến mới.
Nắm Ferrari, Marchionne cũng cố quyền lực
Những sự điều chỉnh nhân sự đáng chú ý nhất trong lĩnh vực ô tô thế giới diễn ra tại thương hiệu siêu xe giàu truyền thống Ferrari. Trên thực tế, vị trí “thuyền trưởng” tại Ferrari đã bắt đầu có những dấu hiệu thay đổi từ năm 2014, khi xuất hiện những bất đồng quan điểm về mục tiêu, đường lối phát triển giữa ông Luca Cordero di Montezemolo người lúc đó giữ chức Chủ tịch Ferrari với “sếp lớn” là ông Sergio Marchionne, người đứng đầu tập đoàn FIAT Chrysler Automotive (FCA) - tập đoàn sở hữu thương hiệu Ferrari.
Ông Sergio Marchionne (giữa) - Giám đốc điều hành thương hiệu Ferrari đồng thời là CEO tại FCA
Vị trí Giám đốc điều hành Ferrari lúc đó do ông Amedeo Felisa đảm nhiệm. Tuy nhiên, sau hơn 25 năm cống hiến cho thương hiệu siêu xe nước Ý, tháng 6.2016, Amedeo Felisa đã chính nghỉ hưu, khi Marchionne quyết định tách Ferrari ra thành công ty riêng để hạch toán độc lập. Chính sự rút lui của Amedeo Felisa đã tạo cơ hội cho Marchionne tiếp tục cũng cố quyền lực của mình. Sau khi Felisa về hưu, Marchionne đảm nhận thêm chức vụ Giám đốc điều hành của thương hiệu Ferrari, trong khi vẫn nắm chức chủ tịch kiêm CEO tại Fiat Chrysler.
Lamborghini chính thức thay tướng
Ferrari chưa phải là hãng siêu xe nước Ý duy nhất thay tướng trong năm 2016, cuộc chuyển giao quyền lực ở vị trí đứng đầu cũng diễn ra tại hãng siêu xe danh tiếng khác.
Ông Stephan Winkelmann (trái) đã kết thúc triều đại của mình tại Lamborghini sau 10 năm gắn bó
Sau hơn một thập kỷ dẫn dắt thương hiệu siêu xe Lamborghini, triều đại của ông Stephan Winkelmann đã kết thúc vào tháng 12.2016. Trong suốt thời gian nắm giữ cương vị Giám đốc điều hành, Stephan đã giúp Lamborghini thay đổi vượt bậc và gặt hái được nhiều thành công với các dòng sản phẩm mới. Bắt đầu từ tháng 1.2017, Stephan Winkelmann sẽ chuyển sang điều hành bộ phận sản xuất xe hiệu suất cao Audi Sport GmbH của Audi.
Điều bất ngờ nhất có lẻ chính là việc người được chọn để thay thế cho Stephan Winkelmann là cựu lãnh đạo đội đua F1 Ferrari, ông Stefano Domenicali.
Alfa Romeo và Maserati có “thuyền trưởng” mới
Sự thay đổi nhân sự trong nội bộ tập đoàn FCA không chỉ dừng lại ở thương hiệu siêu xe Ferrari. Năm 2016, FCA đã tiến hành thay đổi vị trí đứng đầu hai thương hiệu xe sang của mình là Alfa Romeo và Maserati.
Ông Harald Wester (trái) nhường vị trí lãnh đạo Alfa Romeo và Maserati cho ông Reid Bigland (phải)
Trong chiến lược trẻ hóa nhân sự, vào tháng 5.2016, FCA đã bổ nhiệm ông Reid Bigland, 49 tuổi, người từng có kinh nghiệm lãnh đạo hãng xe Chrysler, Dodge, Ram vào vị trí Giám đốc điều hành hai thương hiệu xe sang Alfa Romeo và Maserati, thay cho ông Harald Wester đã bước sang tuổi 58. Bên cạnh đó, Reid Bigland cũng kiêm luôn vị trí giám đốc bán hàng cho FCA tại Mỹ và Canada, trong khi ông Harald Wester được điều về làm giám đốc kỹ thuật tại FCA.
Một năm đầy biến động của McLaren
Cũng như các hãng xe sang, siêu xe nước Ý, tại "xứ sở sương mù" McLaren cũng trải qua quá trình thay đổi nhân sự cấp cao trong năm 2016. Sau cuộc đấu tranh quyền lực kéo dài trong nhiều năm liền với các cổ đông, tháng 11.2016, ông Ron Dennis phải rời chiếc ghế Giám đốc điều hành của hãng siêu xe McLaren.
Ông Ron Dennis (trái) rời chiếc ghế Giám đốc điều hành của hãng siêu xe McLaren 
Sau nhiều tháng tìm kiếm người thay thế, cuối cùng Hội đồng quản trị của McLaren đã bổ nhiệm ông Zak Brown, một chuyên gia marketing thể thao đua xe giàu kinh nghiệm, vào vị trí mà Ron Dennis để lại. Trước đó, Zak Brown đã tạo được dấu ấn với vai trò cầu nối cho nhiều hợp đồng tài trợ hiện nay của tập đoàn McLaren, với các đối tác như Hilton hay GlaxoSmithKline.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.