Xu hướng xe sang: Hết thời 'mã lực', cạnh tranh bằng công nghệ

19/01/2016 05:08 GMT+7

Bạn cần gì ở một chiếc xe sang, thiết kế đẹp, lịch lãm, vật liệu cao cấp, bóng bẩy và ấn tượng, sức mạnh động cơ, vận hành hay là công nghệ.

Bạn cần gì ở một chiếc xe sang, thiết kế đẹp, lịch lãm, vật liệu cao cấp, bóng bẩy và ấn tượng, sức mạnh động cơ, vận hành hay là công nghệ.

Vào khủng hoảng kinh tế cách đây vài năm khiến thị trường xe, đặc biệt tại châu Âu gần như đình trệ, các doanh nghiệp liên tục báo cáo thua lỗ, doanh số giảm 2 con số. Tuy nhiên, hầu hết các hãng xe sang đều nằm ngoài vòng xoáy này, thậm chí còn tăng trưởng cùng với nhiều mặt hàng cao cấp khác như thời trang. Lúc này nhiều nhà sản xuất một lần nữa nhận ra rằng xe sang mới thực sự là phân khúc hái ra tiền nhờ tỉ lệ lợi nhuận cao và ít gặp rủi ro bởi khủng hoảng kinh tế hầu hết ảnh hưởng tới chi tiêu, túi tiền của người tiêu dùng bình dân.

Đó cũng là lý do nhiều thương hiệu dù chưa thành công trong phân khúc này nhưng vẫn quyết đầu tư phát triển và làm mới dòng sản phẩm của mình như Ford với Lincoln, GM với Cadillac hay Honda với Acura, Nissan có Infiniti. Mới đây nhất, hãng xe Hyundai vốn đóng đinh với các mẫu xe bình dân giá rẻ cũng quyết tham chiến phân khúc cao cấp bằng việc “khai trương” thương hiệu riêng - Genesis. Hay Volvo, thương hiệu đến từ Thụy Điển dù bị bán cho tập đoàn xe Geely Trung Quốc nhưng với khoản đầu tư khổng lồ đã bất ngờ vươn mình trở lại với nhiều mẫu xe được đánh giá cao.

Công nghệ kết nối, tính năng mềm đang trở thành xu hướng cạnh tranh mới của xe sang - Ảnh: Livemans

Và tất nhiên, phân khúc này vẫn dành phần lớn đất diễn cho 3 ông lớn Đức là BMW, Audi và Mercedes-Benz kế đến là Lexus của Toyota phân chia thế giới. Dù có sức ảnh hưởng lớn nhưng những thương hiệu này cũng đang bị đe dọa bởi các đối thủ phía trên đang dồn mọi tiềm lực nhằm tăng tốc, lột xác. Có thể nói phân khúc xe sang đang ngày càng chật hẹp với hàng trăm sản phẩm có thiết kế, vật liệu cao cấp đã buộc các thương hiệu phải tìm hướng đi mới nhằm cạnh tranh và công nghệ dường như là lựa chọn cuối cùng.

Nhiều chuyên gia nhận định, công nghệ, phần mềm đang trở thành chiến trường mới của các hãng xe cao cấp thay vì “phần cứng” như trước đây. Có thể thấy rõ điều này ở những mẫu xe cao cấp mới ra mắt gần đây, thiết kế, sức mạnh động cơ không còn được đề cập nhiều như trước thay vào đó là các trang bị, công nghệ và những chức năng mềm đòi hỏi phải viết bằng hàng triệu dòng mã. Những kẻ “nhiệt huyết” nhất trong xu hướng này không ai khác chính là người Đức với BMW, Audi, Mercedes-Benz.

Những chiếc xe thông minh đến từ các hãng công nghệ cũng gây áp lực không nhỏ lên xe sang - Ảnh: Goolge

Thilo Koslowski, một chuyên viên cấp cao thuộc công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Gartner chia sẻ rằng, khách hàng trẻ thích các công nghệ kết nối mới nhất và các nhà sản suất xe hơi cao cấp của Đức cần phát triển các tiện ích mới phục vụ nhu cầu này. Trong một chia sẻ với Reuters tại Detroit, Ian Robertson, thành viên hội đồng quản trị BMW cũng cho biết đang hướng tới phát triển một trải nghiệm cao cấp trong lĩnh vực công nghệ và dịch vụ di động.

Hiện tại Mercedes-Benz đang thuê nhiều kỹ sư phần mềm đóng đô tại Sunnyvale, California - không xa trụ sở của hai gã khổng lồ Internet là Google và Yahoo. Trong khi đối thủ Audi cũng tiết lộ đang lên kế hoạch tuyển nhiều kỹ sư phần mềm trong thời gian tới. Đáng chú ý nhất phải kể đến BMW khi thuê tới 200 kỹ sư phần mềm làm việc tại Chiacago (phần lớn là nhân viên cũ của Nokia sau vụ sát nhập vào Microsoft). Bước đầu, đội ngũ này đã phát triển thành công Bumper Detect, hệ thống tích hợp camera và cảm biến có thể chụp ảnh kẻ trôm, hay một chiếc xe va chạm với nó và gửi hình ảnh vào smartphone của chủ xe. Ngoài phát triển riêng, 3 ông lớn Đức cũng hợp lực mua dịch vụ bản đồ Here của Nokia và bước đầu phát triển HD Live Map, bản đồ thời gian thực cho xe tự lái trong tương lai.

HD Live Maps, bản đồ dẫn đường theo thời gian thực cho xe tự lái - Ảnh: Here

Động lực thay đổi của 3 hãng xe Đức không chỉ đến từ các đối thủ hạng sang nhỏ hơn mà còn do áp lực của các thương hiệu bình dân khi khả năng kết nối smartphone, phanh tự động, kiểm soát hành trình đang ngày càng phổ biến. Trong khi đó, chính sách về khí thải, mức tiêu hao nhiên liệu mới buộc các nhà sản xuất phải dần từ bỏ dung tích xi lanh lớn hay cuộc đua mã lực. Nhiều chuyên gia nhận định nếu không tập trung vào phần mềm, xe sang Đức có thể bị chính những công ty công nghệ đe dọa như Alphabet (Google) hay Uber, Apple.

Ở “nửa kia thế giới” những hãng xe nhỏ hơn như Lincoln, Cadillac, Volvo, Infiniti hay Acura và tân binh Genesis vẫn đang “cần mẫn” cập nhật công nghệ bên cạnh việc lột xác thiết kế để tranh giành thị phần và mơ giấc mơ lật đổ các ông lớn Đức trong phân khúc xe sang. Bản thân Toyota vốn nổi tiếng với việc chậm chạp trong cập nhật trang bị hiện đại cũng đã đầu tư hơn vào lĩnh vực này, đặc biệt là thương hiệu Lexus bên cạnh ngôn ngữ thiết kế mới, cá tính hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.