Cuộc chiến 30 "đô"

04/04/2013 13:55 GMT+7

Cuộc chiến giữa ông khổng lồ Daimler và giới chức Liên minh châu Âu đã lên tới đỉnh điểm. Hệ thống điều hòa xe hơi là đích ngắm.

Cuộc chiến giữa ông khổng lồ Daimler và giới chức Liên minh châu Âu đã lên tới đỉnh điểm. Hệ thống điều hòa xe hơi là đích ngắm.

Cuộc đối đầu đã leo lên một nấc thang mới sau khi Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Antonio Tajani tuyên bố sẽ kiện bất kỳ nước châu Âu nào cho phép lưu hành những chiếc xe mới sản xuất gắn hệ thống điều hòa tiêu chuẩn cũ, cụ thể là dùng loại khí làm mát R1234a. “Bia hứng đạn” trong vụ này chính là Hãng xe Daimler cùng Công ty con Mercedes.

Số là theo quy định mới của EC, kể từ 1.1.2013 tất cả các loại xe mới sản xuất muốn lưu hành ở thị trường các nước thuộc khối Liên minh châu Âu đều phải sử dụng hệ thống điều hòa “xanh” với chỉ số khí thải gây nóng ấm toàn cầu (GWP) ở mức thấp hơn 150 (gấp 150 lần so với CO2).  Trong khi đó GWP của hệ thống cũ R1234a ở mức 1.430.


Niềm kiêu hãnh A-Class và B-Class của Mercedes có nguy cơ bị chặn lại trước biên giới châu Âu - Ảnh: Wheels
 

Thị trường tỉ “đô”

Ngay sau khi quy định kể trên được ban hành, hàng loạt cuộc nghiên cứu về loại khí làm mát mới đã được thực hiện, trong đó CO2 (GWP bằng 1) và một loại khí mới có tên hydro flourocarbon (viết tắt là R1234f, GWP bằng 4) là hai giải pháp hàng đầu. Ông khổng lồ của Mỹ Honeywell và đối tác DuPoint mau chóng nhảy vào sản xuất hệ thống làm lạnh HFO-1234yf dựa trên loại khí mới kể trên. Hàng triệu đô la đã được đầu tư cho hệ thống này. Lợi nhuận được dự báo ở mức cả tỉ đô la!

Cho tới nay, hầu hết các hãng xe đều tuân thủ quy định mới. Tuy nhiên, mùa hè năm ngoái, Daimler tuyên bố các cuộc thử nghiệm của riêng hãng này cho thấy HFO-1234yf không an toàn, dễ gây cháy khi rò rỉ vào động cơ trong các trường hợp 2 xe tông mạnh đối đầu. Đến nay, Daimler cho biết có đến 10 trong số 14 cuộc thử nghiệm cho tình huống này đã dẫn đến kết quả hỏa hoạn và tuyên bố vì lý do an toàn, hãng này không sử dụng HFO-1234yf mà tiếp tục dùng loại khí cũ R1234a. Cả Daimler và Chính phủ Đức đều kêu gọi hoãn áp dụng quy định mới để có thời gian nghiên cứu thêm.

Tuy nhiên, giới chức EC tỏ ra không khoan nhượng. Phát biểu trước Ủy ban Môi trường của Quốc hội châu Âu, ông Tajani nói: “Tôi nói rất rõ rằng quy định này đang được áp dụng và đã có hiệu lực từ ngày 1.1. 2013. Không có bất kỳ một ngoại lệ nào hết... Sẽ không có chuyện cho thêm thời gian”.

Trong khi đó, Honeywell liên tục khẳng định các cuộc thử nghiệm của hãng cũng như nhiều cuộc thử nghiệm độc lập khác về HFO-1234yf đều cho kết quả an toàn. Giới chức châu Âu cũng đồng quan điểm. Các nhà hoạt động vì môi trường thì cho rằng kết quả công bố của Daimler là “đáng tranh cãi” và cắt giảm chi phí sản xuất mới là động cơ chính của vụ này. Được biết, nếu trang bị HFO-1234yf, Daimler sẽ phải chi thêm khoảng 30 USD cho mỗi chiếc xe so với việc sử dụng loại khí làm lạnh hiện hành.

Câu giờ?

Trước mắt, tất cả các dòng xe Mercedes mới, bao gồm A-Class, B-Class và SL đều có thể bị cấm bán trên khắp châu Âu. Đó sẽ là một tổn thất vô cùng to lớn cho Daimler nếu không có giải pháp khả thi nào được đưa ra nhanh chóng. Chỉ tính đơn cử tại thị trường Anh, Daily Mail dẫn ước tính của Bộ Giao thông vận tải nước này cho rằng thiệt hại về doanh thu bán hàng của Mercedes có thể lên tới 500 triệu bảng Anh (trên 750 triệu USD). Còn theo dự đoán trước đó của riêng Mercedes, hãng này bán được 15.000 chiếc A-Class chỉ trong năm nay với giá từ 18.970 bảng trở lên, 6.500 chiếc B-Class giá 21.000 bảng và thêm 800 chiếc SL giá 72.550 bảng.

Tổng kết tháng 2 vừa qua, Mercedes lại một lần nữa khẳng định vị thế chiếm lĩnh tại xứ sở sương mù với 3.329 chiếc xe mang nhãn hiệu này được đăng ký, tăng 13,5 % so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tất cả những con số kể trên không còn ý nghĩa gì nữa một khi châu Âu cấm cửa tất cả những loại xe không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường mới, thậm chí còn dọa sẽ buộc các nước thu hồi những chiếc Mercedes mới đã bán ra kể từ đầu năm đến nay.

Cho tới nay, Mercedes và Daimler khá im hơi lặng tiếng trước báo chí trong vụ tranh cãi này.

Kiều Oanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.