Giải đua của những chiếc xe bền bỉ nhất thế giới

16/01/2017 07:00 GMT+7

Với thâm niên hơn 90 năm tuổi, 24 giờ Le Mans hiện đang là giải đua ô tô lâu đời và danh tiếng nhất trên thế giới.

Với thâm niên hơn 90 năm tuổi, 24 giờ Le Mans hiện đang là giải đua ô tô lâu đời và danh tiếng nhất trên thế giới.
Được tổ chức thường niên từ năm 1923 tại thị trấn Le Mans - Pháp, giải đua 24 giờ Le Mans được mệnh danh là cuộc đấu của sự bền bỉ và hiệu quả. Tại đây các tay đua sẽ phải thi đấu liên tục trong vòng 24 giờ đồng hồ.
24 giờ Le Mans là giải đua kéo dài liên tục 24 giờ không nghỉ - Ảnh: Autoblog
Vào đầu thế kỷ 20, khi mà những giải đua Grand Prix được tổ chức khắp nơi tại châu Âu, các nhà tổ chức muốn đem lại cho người hâm mộ một làn gió mới, một giải đua khác biệt hoàn toàn với những cuộc đua tốc độ đương thời. Thế là 24 giờ Le Mans ra đời với tiêu chí “thi bền chứ không thi nhanh”.
Dưới cái nóng tháng 6, cuộc đua sẽ kéo dài từ trưa hôm trước tới trưa hôm sau. Trong vòng 24 giờ, những chiếc xe sẽ phải chạy một quãng đường dài hơn 5.000 km, gấp 18 lần so với giải đua Công thức 1 hiện nay, gần 3 lần quãng đường từ Hà Nội đến TP.HCM.
Không chỉ nhanh mạnh, những chiếc xe tham gia 24 giờ Le Mans còn phải siêu bền - Ảnh: Pinterest
Đây quả thực là thử thách đối với cả người lái lẫn những chiếc xe. Tay đua và đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ phải tính toán thật cẩn trọng để phân bố đều giữa tốc độ và độ bền. Chỉ một hỏng hóc nhỏ ở động cơ cũng sẽ đặt dấu chấm hết cho giải đua năm đó. Ngoài ra, còn vô số những vật tư tiêu hao phải tính đến như xăng, má phanh, lốp…
Mỗi lái xe phải chạy ít nhất 2 giờ liên tiếp mới được dừng để đổi người. Mỗi đội sẽ có tối đa 3 lái xe để lần lượt thay thế nhau. Các lái xe có thể nghỉ ngơi và ăn uống trong khoảng thời gian và khi đến lượt mình sẽ quay lại đường đua.
Các tay đua của đội Audi ăn mừng chức vô địch - Ảnh: Carscoops
Do cuộc đua kéo dài cả 24 giờ nên chiếc xe chiến thắng không hẳn đã là chiếc xe nhanh nhất hoặc bền nhất mà có thể là chiếc xe của đội đua quản lý khoa học nhất.
Ban đầu thể lệ của cuộc thi không quy định số lượng lái xe và thời gian thi đấu của từng tay lái. Hầu hết các đội chỉ sử dụng 2 người thay thế nhau. Tuy nhiên đã có những trường hợp tay đua cố gắng hoàn thành cuộc thi một mình để không phải mất thời gian đổi người. Hành vi này sau đó đã bị cấm vì ảnh hưởng đến an toàn. Năm 1983, quy định yêu cầu mỗi đội phải có ít nhất 3 tay đua. Sau này, khi tốc độ của những chiếc xe tăng lên, áp lực đặt lên các tay đua cũng lớn hơn nên ban tổ chức bổ sung quy định trong chu kỳ 6 giờ không tay đua nào được chạy quá 4 giờ và trong cả giải đấu không được quá 14 giờ. Hiện nay hầu hết các đội đua đều sử dụng 3 lái xe.
Đội ngũ kỹ thuật của đội đua Porsche tại giải đua 24 giờ Le Mans - Ảnh: Nobraking
Đằng sau những tay đua còn có cả đội ngũ kỹ thuật với hàng chục người, gồm thợ máy, kỹ sư hiệu suất, kỹ sư phần mềm, kỹ sư khí động học… Các quy trình bơm xăng, thay lốp phải thực hiện hết sức nghiêm ngặt theo quy định. Chẳng hạn như tốc độ vào khu vực này không được quá 60 km/giờ, khoảng cách đỗ xe cách tường ít nhất 50 cm, chỉ được đổ nhiên liệu khi tắt máy hoàn toàn, xe chỉ được nổ máy khi song song với đường đua và không được đốt lốp… Nếu thực hiện sai, đội đua đó sẽ bị phạt. Tất cả quy trình trên chỉ được thực hiện trong vòng 20 giây.
Các đội đua tham gia 24 giờ Le Mans phải hoàn thành khâu kỹ thuật trong 20 giây - Ảnh: Michelinalley
Nếu như ở giải công thức 1, kỹ năng lái của những tay đua là yếu tố quyết định hàng đầu thì tại 24 giờ Le Mans chính đội ngũ hậu cần mới là bộ não tính toán sao cho trong vòng 24 giờ chiếc xe đi được quảng đường dài nhất.
Vào năm 1966, ghi nhận trường hợp đội đua vô địch và đội về nhì chỉ hơn kém nhau đoạn đường dài 8 mét. Ngày nay, quy định so sánh quãng đường đi được đã thay thế bằng số vòng đua đi được. Nếu hai đội cùng chạy được số vòng đua bằng nhau thì sẽ so tiếp yếu tố thời gian xem đội nào nhanh hơn.
WM P88-Peugeot, chiếc xe từng đạt kỷ lục về tốc độ - Ảnh: Ultimatecarpage
Mỗi vòng đua ở Le Mans có chiều dài khoảng 13,6 km, trong đó có những đoạn đường thẳng lên tới 6 km. Năm 1988, tay đua người Pháp Roger Dorchy trên chiếc WM P88-Peugeot đã đạt được vận tốc kỷ lục 405 km/giờ. Điều này một lần nữa lại làm ban tổ chức đau đầu về tính an toàn và phải chỉnh sửa cấu trúc của đường đua sao cho không có đoạn đường thẳng nào dài quá 2 km.
Đoạn đường thẳng Mulsane nổi tiếng đã phải thêm khúc quanh - Ảnh: Wikipedia
Cho tới nay, giải đua 24 giờ Le Mans đã có nhiều phát minh ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành công nghiệp xe hơi, từ thiết kế xe có khí động học cho tới những cải tiến về động cơ, phanh, vật liệu.
Nhìn chung kể từ khi ra đời,  24 giờ Le Mans luôn là giải đua được các hãng xe đầu tư nhất. Bởi tên tuổi của hãng sẽ được gắn liền với sự bền bỉ. Đây mới chính yếu tố quan trọng đáng quan tâm đối với những khách hàng phổ thông. Điều này đúng với mục đích ban đầu của ban tổ chức là muốn khuyến khích nhà sản xuất tạo ra những chiếc xe thực dụng, phục vụ tốt nhu cầu cuộc sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.