Siêu xe Mỹ - Câu chuyện về những ‘người đàn ông’ trầm lặng

17/05/2016 10:39 GMT+7

Câu chuyện về siêu xe Mỹ được ví như “người đàn ông” trầm lặng trải qua biến cố cuộc đời, không ồn ào táo bạo như siêu phẩm đến từ châu Âu hay đỉnh cao hào nhoáng bằng xe Nhật, nhưng dấu ấn để lại là không thể phủ nhận.

Câu chuyện về siêu xe Mỹ được ví như “người đàn ông” trầm lặng trải qua biến cố cuộc đời, không ồn ào táo bạo như siêu phẩm đến từ châu Âu hay đỉnh cao hào nhoáng bằng xe Nhật, nhưng dấu ấn để lại là không thể phủ nhận. 

Khi nhắc đến siêu xe, chắc hẳn bất cứ ai đều có xu hướng nghĩ tới những siêu phẩm xuất thân từ Ý, Đức, Anh hoặc “hàng hiếm” như Bugatti của Pháp, Koenigsegg ở Thụy Điển, Spyker của người Hà Lan… nhưng đa phần đều nằm ở châu Âu. Nhật Bản cũng đã khởi động cuộc đua giành thị phần với Acura NSX và Lexus LFA. Tại xứ sở cờ hoa, “địa hạt” siêu xe còn khá khiêm tốn, có chăng là sự góp mặt vài cái tên thuộc “Ba ông lớn Detroit” như Chevrolet Corvette - ZR1, Dodge Viper, Ford GT nhưng đa phần đều chạy theo xu hướng chung mà hầu như đều chưa chứng tỏ được vị thế như kỳ vọng.
Thay vào đó, các mẫu siêu xe đến từ các công ty non trẻ mới chính là những đại diện ưu tú nhất thể hiện rõ phong cách và tinh thần Mỹ. Vector W8 Twin Turbo, Shelby Series I hay Devon GTX… tất cả đều dựa trên sự khéo léo và “cơn khát” tốc độ như bản chất của con người nơi đây đã để lại ấn tượng khó phai cho từng giai đoạn trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của ngành công nghiệp ô tô hùng mạnh hàng đầu thế giới.

Vector W8 Twin Turbo

Câu chuyện về siêu xe Mỹ bắt đầu một cách chính thức và nghiêm túc với một thương hiệu mang tên Vector. Công ty được thành lập tại California vào năm 1971 nhưng phải đến năm 1989 mới sản xuất chiếc W8 Twin Turbo. Hình dáng chiếc xe như bước ra từ một bộ phim khoa học viễn tưởng, còn bên dưới nắp capô là khối động cơ tăng áp 6.0 lít sản sinh công suất tối đa 625 mã lực.
Vector W8 sở hữu khả năng vận hành ấn tượng không kém gì siêu xe ngày nay 
Dù chỉ đi kèm với hộp số tự động 3 cấp, nghe qua có vẻ khá nực cười so với tiêu chuẩn của một siêu xe ngày nay, nhưng Vector W8 lại sở hữu khả năng vận hành đáng ngưỡng mộ khi có thể tăng tốc từ 0 - 100 km/giờ chỉ trong 4,2 giây trước khi đạt tốc độ tối đa tới 354 km/giờ. Vào thời điểm đó, Vector W8 Twin Turbo đã có giá bán 450.000 USD (tính theo thời giá hiện nay là 825.000 USD), tương đương với 2 chiếc Lamborghini Aventador.

Mosler MT900

Mosler có trụ sở đặt tại Florida, đầu tiên công ty được đặt tên là Consulier nhưng sau đó lấy tên của người sáng lập Warren Mosler. Quan trọng hơn cả, Vector đã sản sinh ra một trong số những siêu xe đẹp nhất của Mỹ từ trước đến nay - chiếc Mosler MT900 xuất xưởng năm 2000 được xây dựng trên khung sườn bằng sợi carbon và khối động cơ V8 đặt giữa của General Motors (GM).
Công suất khiêm tốn nhưng Mosler MT900 vẫn đạt được thông số đáng ngưỡng mộ
Trọng lượng xe chỉ 1.174 kg kết hợp với sức mạnh vượt trội từ cỗ máy có công suất 350 mã lực đã giúp Mosler MT900 tăng tốc từ 0 - 100 km/giờ trong 3,5 giây. Tiếp nối thành công, chiếc MT900S mạnh hơn đã xuất hiện vào năm 2003 nâng mức công suất lên 435 mã lực nhằm giảm thời gian tăng tốc 0 - 100 km/giờ xuống còn 3,1 giây. Cho tới thời điểm đóng cửa năm 2013, Mosler chỉ sản xuất khoảng vài chục siêu xe và thường dùng cho các giải đua.

Shelby Series I

Huyền thoại Carroll Shelby đã mở đường cho sự xuất hiện của những siêu xe hiệu suất cao nhất nước Mỹ. Di sản mà ông để lại có thể kể đến như Shelby Cobra, Daytona Coupe, Ford GT40, Dodge Viper và rất nhiều mẫu xe cơ bắp khác. Bên cạnh đó, chúng ta không thể quên Shelby Series I được biết đến như “người kế nhiệm” chiếc Cobra kinh điển ra đời vào thập niên 1990.
Shelby Series I kế nhiệm cho mẫu Cobra nổi danh một thời
Series I trang bị động cơ V8 4.0 lít của Oldsmobile Aurora dù chỉ đạt công suất tối đa 320 mã lực, nhưng với trọng lượng 1.202 kg (ít hơn cả một chiếc Mazda Miata dù dung tích động cơ gấp đôi), chiếc xe dễ dàng tăng tốc 0 - 100 km/giờ trong 4,4 giây và bứt phá đến vận tốc tối đa 273 km/giờ. Chỉ có 249 chiếc Series I được sản xuất trước khi Shelby kết thúc vòng đời của mẫu xe này.

Saleen S7

Với chiếc S7, hãng xe Saleen đã để lại dấu ấn quan trọng trong những trang sử ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Saleen S7 sử dụng khối động cơ đặt giữa loại V8 của Ford cho công suất 550 mã lực, kết hợp cùng phần thân xe từ sợi carbon trọng lượng nhẹ giúp chiếc xe chỉ mất 3,3 giây để đạt vận tốc 100 km/giờ từ thời điểm xuất phát và nhanh chóng tiến tới tốc độ tối đa 354 km/giờ.
Saleen S7 chỉ cần 3,3 giây để tăng tốc từ 0 - 100 km/giờ
Như thế vẫn chưa đủ, Saleen sau đó còn bổ sung một phiên bản động cơ siêu nạp sản sinh công suất khủng 750 mã lực, rút ngắn thời gian tăng tốc xuống còn 2,8 giây và đạt tốc độ tối đa hơn 400 km/giờ. S7 được sản xuất trong giai đoạn 2000 - 2006 và ra mắt phiên bản động cơ tuabin năm 2009. Vốn dĩ Saleen muốn giới thiệu chiếc S5S Raptor vào năm 2008 như một cái tên kế nhiệm, nhưng đáng tiếc siêu xe mới này chưa một lần được xuất hiện vì nhiều lý do.

Devon GTX

Devon GTX, một trong những siêu xe có hình thù kỳ quặc nhất và đáng buồn thay cũng có vòng đời ngắn ngủi nhất, trình làng vào năm 2009 và nhanh chóng bị ngừng sản xuất trong năm 2010. Tuy lấy cảm hứng từ dòng Dodge Viper thế hệ thứ 2, nhưng thiết kế của GTX đã được làm mới hoàn toàn. Chính kiểu dáng cùng tỉ lệ các bộ phận khác biệt đã giúp GTX thu hút được sự chú ý của khách hàng vào thời điểm đó.
Vòng đời chỉ vỏn vẹn 1 năm, nhưng Devon GTX vẫn kịp để lại dấu ấn  
Động cơ V10 8.4 lít công suất 650 mã lực được bao bọc bởi “tấm thân” bằng sợi carbon siêu nhẹ. Devon từng có kế hoạch sản xuất 36 chiếc GTX mỗi năm với giá bán khoảng 500.000 USD, nhưng tất cả đã bị đập tan khi đối tác Chrysler cho dừng tất cả dự án liên quan đến Viper. Hai nguyên mẫu GTX đầu tiên đã được bán đấu giá tại hội chợ Barrett - Jackson với giá 200.000 USD một vài năm trước đây.

SSC Aero

SSC chỉ là một hãng xe nhỏ có trụ sở đặt tại Washington, Mỹ và chiếc Aero thoạt nhìn cũng không có gì quá nổi trội, nhưng điều ấn tượng lại nằm bên trong với những thông số mà bất cứ mẫu siêu xe nào cũng mơ ước. Vào thời điểm mới ra mắt năm 2004, SSC Aero trang bị động cơ V8 dung tích 6.2 lít của Chevrolet cho công suất tối đa 782 mã lực. Đến năm 2013, hãng xe Mỹ tiếp tục ra mắt phiên bản Ultimate Aero XT bổ sung thêm tuabin kép kết hợp với động cơ dung tích 6.9 lít nâng mức công suất lên tới 1.300 mã lực.
SSC Aero cạnh tranh ngang ngửa với “ông hoàng tốc độ” Bugatti Veyron 
Nhờ đó, siêu xe của Mỹ này đã đánh bại “ông hoàng tốc độ” Bugatti Veyron (vận tốc tối đa 408,5 km/giờ thiết lập năm 2005) với tốc độ kỷ lục 412,3 km/giờ trong năm 2007, thúc đẩy hãng xe đến từ châu Âu phải cải tiến Veyron bằng phiên bản Super Sport để giành lại vị trí quán quân cùng vận tốc tối đa 415 km/giờ.

Hennessey Venom GT

Câu chuyện về siêu xe Mỹ sẽ không thể nào trọn vẹn nếu thiếu Hennessey Venom GT - chiếc xe nhanh nhất từng được sản xuất tính tới thời điểm hiện tại. Dù phát triển dựa trên chiếc Lotus Exige (thuộc thương hiệu xe của nước Anh), nhưng Venom GT lại được hiệu chỉnh một cách toàn diện để trở thành một chiếc xe cơ bắp Mỹ hoàn hảo. Động cơ tuabin kép V8 dung tích 7.0 lít cho công suất cực “khủng” 1.244 mã lực (hiện đã đạt tới con số 1.461 mã lực) kèm với thân hình nhẹ bẫng, Hennessey Venom GT dễ dàng giành lấy chức vô địch về tốc độ.
Hennessey Venom GT lập kỷ lục Guiness với khả năng tăng tốc 0 - 300 km/giờ trong 13,63 giây
Hennessey làm khuynh đảo giới chơi xe toàn cầu và đưa Venom GT vào kỷ lục Guiness với màn trình diễn đỉnh cao ở tốc độ tối đa 435 km/giờ và 427 km/giờ ở bản Spyder mui trần. Không những vậy, chiếc xe còn dễ dàng tăng tốc 0 - 300 km/giờ mà chỉ mất 13,63 giây. Trong tương lai, hãng xe Mỹ chắc hẳn sẽ còn tiếp tục làm giới mộ điệu choáng ngợp hơn nữa và các đối thủ vẫn phải cố gắng nhanh hơn nữa để đoạt lấy danh hiệu từ Venom GT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.