168 xe Subaru Forester tại Việt Nam bị triệu hồi do... đai ốc xiết không chặt

Hoàng Cường
Hoàng Cường
05/10/2019 11:03 GMT+7

Phát hiện đai ốc lắp ống xả phía trước với nắp máy động cơ trên xe Subaru Forester xiết không chặt, có thể gây tiếng ồn lạ và rò rỉ khí xả... nhà nhập khẩu, phân phối xe Subaru tại Việt Nam vừa ra thông báo triệu hồi để khắc phục.

Theo đó, sau khi báo cáo lên Cục Đăng kiểm và được cơ quan này phê duyệt, bắt đầu từ ngày 7.10 tới đây, Công ty TNHH Hình Tượng ô tô Việt Nam - đơn vị nhập khẩu, phân phối xe Subaru tại Việt Nam sẽ triển khai đợt triệu hồi liên quan đến dòng xe Forester.
Theo thông tin Công ty TNHH Hình Tượng ô tô Việt Nam báo cáo Cục Đăng kiểm, có tổng cộng 168 xe Subaru Forester nằm trong diện triệu hồi. Tất cả được sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 2015 - 2018 tại nhà máy Subaru Nhật bản sau đó được Công ty TNHH Hình Tượng ô tô Việt Nam nhập khẩu, phân phối tại Việt Nam.
Sau khi có phản ánh từ một số khách hàng, Subaru đã tiến hành kiểm tra và xác định đai ốc lắp ống xả phía trước với nắp máy động cơ có thể được xiết không đủ lực trong quá trình lắp ráp tại nhà máy.
168 xe Subaru Forester “lãnh án” triệu hồi lần này sản xuất trong thời gian từ 2015 - 2018
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do các hướng dẫn trên bản vẽ thiếu chính xác và không rõ ràng, gây ra việc hiểu sai cho công nhân trong quá trình lắp ráp tại nhà máy, dẫn đến việc các đai ốc lắp ống xả phía trước có thể bị thiếu lực xiết. Điều này có thể tạo ra tiếng ồn thậm chí còn gây rò rỉ khí xả ra bên ngoài khi xe đang vận hành.
Để khắc phục vấn đề này, Công ty TNHH Hình Tượng ô tô Việt Nam sẽ tiến hành đợt triệu hồi 168 xe Subaru Forester sản xuất từ năm 2015 - 2018 tại Việt Nam để kiểm tra hiện tượng thiếu lực xiết đai ốc lắp ống xả phía trước với nắp máy động cơ. Đợt triệu hồi này dự kiến kéo dài đến ngày 7.10.2010, thời gian sửa chữa mỗi xe mất khoảng 10 giờ.
Tính từ đầu năm 2019 đến nay, đây là lần thứ 2 xe Subaru Forester “lãnh án” triệu hồi. Trước đó, vào tháng 2.2019 các xe Forester sản xuất năm 2012 phân phối tại Việt Nam từng nằm trong diện triệu hồi do lò xo xu-páp động cơ có nguy cơ bị nứt gãy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.