4 vụ bê bối đáng quên của ngành công nghiệp ô tô trong thập kỷ qua

Việt Đức
Việt Đức
07/01/2020 16:58 GMT+7

Năm 2020 tới đã khép lại một thập kỷ với nhiều thay đổi cấp tiến nhưng cũng có không ít vụ bê bối nghiêm trọng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

1. Diselgate - Bê bối khí thải Volkswagen

Vào tháng 9-2015, cả thế giới mới ngỡ ngàng trước những sai phạm khủng khiếp của hãng xe Đức Volkswagen. Cơ quan bảo vệ Môi trường (EPA-Mỹ) vào cuộc và khẳng định tập đoàn này đã vi phạm luật không khí sạch của nước này.
Nói cụ thể hơn, Volkswagen đã trang bị phần cứng và phần mềm gian lận trên các xe được sản xuất ra của mình nhằm đánh lừa cơ quan chức năng trong vấn đề kiểm tra khí thải xe trước khi đưa ra thị trường. Vì vậy, rất nhiều mẫu xe của hãng này gây ô nhiễm gấp 40 lần tiêu chuẩn đặt ra nhưng vẫn được trình làng và đưa vào sử dụng.
Vụ bê bối thực sự diễn ra vào cuối thế kỷ 20 khi hãng xe nước Đức đặt cược một số tiền khổng lồ vào bộ phận TDI nhằm cố gắng thống trị thế giới trong phân khúc xe du lịch chạy diesel (dầu).
Bê bối khí thải khiến hãng xe Đức tuột dốc không phanh
Để hãng có thể đáp ứng được các quy định phát thải ngày một nghiêm khắc trong tương lai, những kỹ sư trong công ty phải trang bị rất nhiều những cải tiến đắt tiền cho các mẫu xe nhưng đâu đó vẫn còn nhiều thiếu sót không thể giải quyết. Chính vì vậy, cuối cùng họ đã đưa ra quyết định chọn hình thức gian lận để giải quyết vấn đề này.
Quyết định này khiến tập đoàn ô tô lớn nhất châu Âu phải trả cái giá quá đắt. Những lãnh đạo cấp cao của VW đều phải lĩnh án tù và hãng đã phải chi hàng chục tỷ USD nhằm khắc phục hậu quả bao gồm cả chi phí pháp lý lẫn đền bù thiệt hại và thu hồi xe gian lận khí thải. 
Vụ bê bối khí thải nghiêm trọng cũng là nguyên nhân khiến Volkswagen từ bỏ hoàn toàn phân khúc xe ô tô chạy dầu diesel và tập trung phát triển thị phần xe điện. Đây có thể coi là cách tốt nhất để xóa đi những vết nhơ của hãng xe Đức trước khi bước sang thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21.

2. Vụ bê bối túi khí Takata

Hậu quả của túi khí Takata vẫn đang tiếp diễn
Đáng sợ nhất của vụ bê bối túi khí không phải ở mức độ nghiêm trọng mà nguy hiểm hơn là nó vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Hàng triệu tài xế hiện nay vẫn phải đối mặt với nguy cơ tử vong dù họ đang sử dụng loại ô tô nào đi chăng nữa.
Vụ thu hồi lớn nhất xảy ra trong lịch sử Hoa Kỳ và trong toàn thế giới bắt đầu vào năm 2013 khi hơn 3,6 triệu xe đến từ nhiều thương hiệu khác nhau bị nghi ngờ trang bị túi khí Takata lỗi.
Takata là nhà sản xuất linh kiện lâu đời tại Nhật Bản, hãng này đã cung cấp tới hơn 20% túi khí cho ngành công nghiệp ô tô với nhiều thương hiệu xe nổi tiếng trên thế giới. Một số lượng lớn túi khí Takata không đảm bảo đã được trang bị cho những chiếc xe không xác định. Điều này đồng nghĩa với việc dù bạn đi xe Honda, Volkswagen hay thậm chí McLaren hay Mercedes-Benz đều có thể bị cuốn vào vòng xoáy bê bối này. Chính vì vậy, dù đã thu hồi hàng chục triệu chiếc xe thì ngoài kia vẫn còn rất nhiều chiếc xe hơi khác có thể gây nguy hiểm cho người lái bất cứ lúc nào nếu chúng đang sở hữu một chiếc túi khí bị lỗi.

3. “Cú ngã ngựa” của Chủ tịch liên minh Nissan Renault

'Người hùng" Nissan, Carlos Ghosn rơi vào vòng lao lý khiến cả thế giới ngỡ ngàng
Vụ bê bối tốn nhiều giấy mực nhất của báo giới chắc hẳn là sự việc Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành liên minh Nissan-Renault bị bắt giam vào năm 2018 bởi các công tố viên Nhật Bản. Cho tới nay, cuộc chiến pháp lý này vẫn đang tiếp diễn rất phức tạp.
Được ví như vị thuyền trưởng quyền năng vực dậy cả Renault và Nissan từ bờ vực phá sản trong hàng thập kỷ qua,  Carlos Ghosn là cái tên được cả ngành công nghiệp ô tô toàn cầu kính nể. Tuy vậy, qua quá trình điều tra cho thấy Ghosn đã có gian lận về tài chính và có rất nhiều cáo buộc khác từ cơ quan điều tra Nhật Bản. Trong năm 2019 vừa qua, Ghosn đã bị bỏ tù ít nhất 4 lần, trong đó chưa kể những lần bị giam lỏng tại nhà.
Cho đến thời điểm này, Ghosn vẫn luôn bác bỏ tất cả các cáo buộc và tự cho rằng bản thân mình vô tội. Đồng thời, ông tuyên bố các bản án này là một âm mưu có tính toán do nội bộ Nissan bày ra nhằm hạ uy tín của mình. Sự thật cho đến ngày hôm nay vẫn chưa được làm sáng tỏ nhưng lại tiếp tục bị khuấy động khi ông này vừa có màn trốn khỏi Nhật Bản ly kỳ không kém phim bom tấn.

4. Vụ kiện giữa General Motors và Fiat-Chrysler Automobiles

Vụ kiện tụng vẫn chưa đi đến hồi kết
Một sự kiện bất ngờ xảy ra khi General Motors (GM) khởi kiện Fiat Chirysler Automobiles (FCA) vào tháng 11/2019. Trong 95 trang báo cáo của GM về vụ việc này đã tố cáo FCA bí mật hối lộ các quan chức của Nghiệp đoàn Công nhân Ô tô Mỹ (UAW) trong nhiều năm để sửa đổi các quy định về hợp tác và nhận được các ưu đãi, qua đó khiến GM thiệt hại hàng tỷ USD.
Tuy vậy, kỳ lạ rằng GM không kiện những nhân viên của Nghiệp đoàn công nhân ô tô mà lại nhắm thẳng vào giám đốc điều hành Sergio Marchionne đã qua đời năm 2018 và ban lãnh đạo của FCA. Kiện tụng xảy ra rầm rộ vào thời điểm khá nhạy cảm với FCA khi mà hãng vừa công bố kế hoạch hợp nhất với PSA của Pháp có giá trị lên tới hàng tỷ USD hứa hẹn sẽ tạo ra nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư thế giới.
Các thủ tục kiện tụng sẽ mất nhiều năm và FCA cho rằng họ sẽ có biện pháp mạnh mẽ để tự bảo vệ mình trong những sóng gió pháp lý sắp tới. Trong trường hợp những cáo buộc của GM là vô căn cứ, FCA sẽ nhận được tiền bồi thường khoảng 15 tỷ USD. Mặt khác, nếu GM thành công đây sẽ là một đòn chí mạng cho cả FCA và PSA.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.