Ấn Độ tiêu thụ 48.000 xe máy mỗi ngày, bỏ xa thị trường Việt Nam

02/06/2017 16:06 GMT+7

Với trung bình 48.000 chiếc bán ra mỗi ngày, trong năm 2016 người dân Ấn Độ tiêu thụ 17,7 triệu xe máy, vượt Trung Quốc để trở thành thị trường xe hai bánh lớn nhất thế giới.

Theo số liệu bán hàng từ Hiệp hội các nhà sản xuất xe Ấn Độ (SIAM), trong năm 2016 với doanh số bán cao hơn gần 1 triệu xe so với Trung Quốc (16,8 triệu xe), Ấn Độ đã vươn lên trở thành thị trường xe hai bánh lớn nhất thế giới.
Bên cạnh thu nhập đầu người ngày càng gia tăng cùng với cơ sở hạ tầng giao thông đang phát triển. Một trong những lý do cho sự bùng nổ của thị trường xe hai bánh Ấn Độ đến từ nhu cầu sử dụng xe máy của phụ nữ tại quốc gia này. Để thoải mái, thuận tiện cho việc đi làm, sinh hoạt hằng ngày phần lớn phụ nữ tại Ấn Độ đều thích sử dụng xe tay ga. Chỉ tính riêng Honda, hãng xe chiếm thị phần lớn nhất trong phân khúc xe tay ga scooter tại Ấn Độ, tỉ lệ khách hàng nữ đã chiếm tới 35%.
Tỉ lệ khách hàng nữ sử dụng xe tay ga tại Ấn Độ đang tăng mạnh - Ảnh: Indiatimes
Ông Guleria, Phó chủ tịch cấp cao của Công ty liên doanh sản xuất phân phối xe máy, xe tay ga Honda ở Ấn Độ (HMSI) cho biết: “Nhu cầu đi lại hằng ngày bằng xe 2 bánh của người dân Ấn Độ rất cao. Ấn Độ cũng đang nằm trong số những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong vài năm qua”. Sự xuất hiện của những mẫu xe máy mới với kiểu dáng thời trang, tiết kiệm nhiên liệu góp phần tạo sức hấp dẫn với người tiêu dùng xe máy tại Ấn Độ. Bên cạnh đó, việc nở rộ các công ty tài chính, cho vay cũng như các mô hình kinh doanh mới, thương mại điện tử, giúp người dân Ấn Độ dễ dàng hơn trong việc mua một chiếc xe máy.
Một quan chức đứng đầu Hero MotoCorp - Tập đoàn phân phối xe máy, mô tô lớn nhất Ấn Độ cho rằng, sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông từ nông thôn đến các đô thị lớn, đã góp phần tạo nên bước tang trưởng mạnh mẽ cho thị trường xe máy. Vị này chia sẻ: “Việc Chính phủ đầu tư phát triển nông thông cũng như những dự án đường bộ lớn tại Ấn Độ đã giúp tỉ lệ người dân sở hữu xe máy, mô tô ở các vùng thị trấn, nông thôn tăng mạnh. Người dân mua xe hai bánh để đi làm, ngay cả khi họ đã có xe ô tô. Bởi đơn giản, ô tô gặp rất nhiều bất tiện khi di chuyển tại các thành phố đông đúc và rất khó tìm kiếm không gian để đậu xe”.
Trung bình mỗi ngày, người dân Ấn Độ tiêu thụ 48.000 xe máy - Ảnh: Mashable
Các quan chức trong ngành dự báo thị trường xe máy Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển trong vài năm tới. "Chúng tôi sẽ tăng trưởng khoảng 9 - 11% trong những năm tới," ông Guleria của Honda cho biết.
Trong khi đó, thị trường Trung Quốc đã giảm mạnh về lượng tiêu thụ xe máy trong vài năm qua. Theo ông Sugato Sen, Phó giám đốc SIAM: "Những cuộc khảo sát thị trường cho thấy, lượng xe máy tiêu thụ ở Trung Quốc đã giảm từ mức 25 triệu xe mỗi năm xuống còn khoảng 16 - 17 triệu xe trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, doanh số của dòng xe máy chạy điện tại Trung Quốc lại đang có chiều hướng gia tăng”. Điều này, phần nào xuất phát từ việc một số thành phố lớn ở Trung Quốc đã áp dụng các chính sách nhằm hạn chế xe máy để giảm ùn tắc và bảo vệ môi trường.
Indonesia xếp ở vị trí thứ 3 về lượng tiêu thụ xe máy trên thế giới, với doanh số năm 2016 ước tính khoảng 6 triệu xe. Tuy nhiên, so với năm 2015, lượng xe gắn máy bán ra tại “xứ vạn đảo” đã giảm 500.000 xe. Trong khi đó, với lương tiêu thụ 3,1 triệu xe trong năm 2016, tăng 9,1% so với năm 2015, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4. Tính trung bình trong năm 2016, mỗi ngày người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 8.493 xe gắn máy, xe ga và mô tô. TP.HCM là nơi có tỉ lệ xe máy cao nhất cả nước hiện nay với gần 7,5 triệu xe máy đang lưu thông.
Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về tiêu thụ xe máy
Vừa qua, đã có một số ý kiến cá nhân đề xuất về việc cấm xe máy tại các thành phố lớn nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ý kiến này đang tạo ra nhiều tranh trong xã hội, khi phần lớn người dân đều sử dụng xe máy để đi lại sinh hoạt, làm việc, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện công cộng tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.