Bị phát hiện gian lận khí thải, 60.000 xe Mercedes GLK 'lãnh án' triệu hồi

Hoàng Cường
Hoàng Cường
24/06/2019 14:50 GMT+7

Với cáo buộc sử dụng phần mềm gian lận để vượt qua các bài kiểm tra, đánh giá tiêu chuẩn khí thải, tập đoàn Daimler vừa tiến hành triệu hồi 60.000 xe Mercedes-Benz GLK thuộc phiên bản 220 CDI sử dụng động cơ dầu diesel.

Sau Tập đoàn Volkswagen, đến lượt “gã khổng lồ” của nghành công nghiệp ô tô Đức - Daimler dính “scandal” liên đến việc sử dụng phần mềm gian lận khí thải trên các mẫu ô tô dùng động cơ diesel.
Các xe Mercedes-Benz GLK 220 CDI nằm trong diện triệu hồi được sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 2012 - 2015
Sau khi mở cuộc điều tra vào tháng 4.2019. Mới đây, Cơ quan Quản lý vận tải cơ giới liên bang Đức (KBA) vừa yêu cầu Daimler triệu hồi 60.000 xe Mercedes-Benz GLK thuộc phiên bản 220 CDI sử dụng động cơ dầu diesel. KBA đã phát hiện các xe Mercedes-Benz GLK 220 CDI sử dụng phần mềm gian lận, thay đổi mức khí thải để có thể vượt qua các bài kiểm tra tiêu chuẩn khí thải theo quy định của cơ quan chức năng.
Các xe Mercedes-Benz GLK 220 CDI nằm trong diện triệu hồi được sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 2012 - 2015. Những gian lận trong phần mềm của GLK 220 CDI dựa trên nguyên lý giống với thủ thuật từng được Volkswagen áp dụng rên các mẫu xe dùng động cơ diesel của Tập đoàn này. Cụ thể, hệ thống kiểm soát điện tử của xe sẽ tìm cách giảm lượng khí thải nitrogen oxide để vượt qua các phép thử đánh giá của cơ quan chức năng, nhưng sẽ cho phép vượt ngưỡng quy định khi xe vận hành trong thực tế.
Mercedes-Benz GLK 220 CDI từng được phân phối tại Việt Nam từ năm 2013
Daimler đã xác nhận rằng, công ty đang hợp tác với các nhà quản lý để thực hiện việc triệu hồi xe Mercedes-Benz GLK 220 CDI từ hôm thứ 6 tuần trước. Bên cạnh đó, Daimler cũng đang kháng cáo về vụ việc này. Ở một diễn biến mới nhất, Cơ quan Quản lý vận tải cơ giới liên bang Đức cho biết, họ đang tiếp tục mở rộng điều tra đối với các mẫu xe khác của Tập đoàn Daimler.
Ngoài thị trường Đức, Mercedes-Benz GLK 220 CDI cũng được nhập khẩu phân phối tại các thị trường khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Vụ việc sử dụng phần mềm gian lận khí thải bị phát hiện lần đầu tiên vào tháng 9.2015 liên quan đến các sản phẩm của Volkswagen. Tập đoàn ô tô Đức sau đó, đã triệu hồi hơn 11 triệu xe trên toàn cầu đồng thời chịu thiệt hại hàng chục tỉ USD để nộp phạt và khắc phục hậu quả.
Với cáo buộc của Cơ quan Quản lý vận tải cơ giới liên bang Đức (KBA) về việc sử dụng phần mềm gian lận khí thải, ngoài việc triệu hồi xe để sửa lỗi, Daimler nhiều khả năng phải nộp phạt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.