CEO các hãng xe nhập khẩu nhận định gì về thị trường ô tô Việt Nam?

24/01/2020 17:42 GMT+7

Thừa nhận gặp không ít khó khăn nhưng hầu hết CEO các hãng xe nhập khẩu đều khá lạc quan về sự tăng trưởng và tiềm năng của thị trường ô tô Việt Nam trong thời gian tới.

Hàng loạt điều chỉnh, thay đổi chính sách từ Chính phủ trong những năm qua khiến các đơn vị nhập khẩu ô tô tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ô tô du lịch dưới 9 chỗ ngồi. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, báo Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn Tổng Giám đốc các hãng xe nhập khẩu nhân dịp năm mới 2020.
[VIDEO] Thị trường ô tô Việt Nam năm 2019 qua góc nhìn CEO hãng xe

“Thị trường ô tô Việt Nam trong năm qua là một thị trường ô tô đầy tiềm năng và phát triển nhanh”

Ông đánh giá thế nào về thị trường ô tô Việt Nam năm 2019?
- Ông Brad Kelly - Tổng Giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam: “Tôi rất vui khi làm việc và sống tại Việt Nam trong khoảng thời gian mà kinh tế đang phát triển rất nhanh. Những chỉ số kinh tế trong năm 2019 khiến tôi càng lạc quan và tiềm năng của thị trường này trong tương lai. Trong 3 quý đầu tiên, tỉ lệ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,31% cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây dù có một số thay đổi trong xu hướng quốc tế. Đầu tư FDI đạt được thành tựu khoảng hơn 19,5 tỉ USD chủ yếu là đến từ các nước châu Á điều này cho thấy Việt Nam là một nơi hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Thặng dư thương mại của Việt Nam đạt hơn 6 tỉ USD từ tháng 1 đến tháng 9 và vẫn tiếp tục tăng.
Ông Brad Kelly – Tổng Giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam nhận định, Mercedes-Benz Việt Nam khá thành công trong năm 2019 và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới
Theo một nghiên cứu của Nielson, giới trung lưu Việt Nam sẽ đạt đến 44 triệu trong năm 2020. Đây sẽ là một yếu tố ở thúc đẩy thị trường ô tô Việt Nam phát triển mạnh mẽ thậm chí là nở rộ trong những năm tới. Nếu như phải miêu tả thị trường ô tô Việt Nam trong năm qua, tôi cho rằng đây là một thị trường ô tô đầy tiềm năng và phát triển nhanh”.
- Ông Toshiyuki Takahara - Tổng Giám đốc Suzuki Việt Nam: “Tôi nghĩ rằng ngành ô tô Việt Nam đang ở trong quá trình cơ giới hóa. Quá trình này tuy đang tiến triển từ từ nhưng rất chắc chắn”.
- Ông Laurent Genet – Tổng giám đốc Audi Việt Nam: “Thị trường ô tô Việt Nam năm vừa qua tăng trưởng 7 - 8 % và nếu như hàng rào kĩ thuật được giải quyết dễ dàng hơn, có thêm chính sách hỗ trợ các công ty trong ngành ô tô sẽ tạo thuận lợi để đem đến lợi ích cho khách hàng cũng như các doanh nghiệp. Cho dù là nhà sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu cũng đều có thể hoạt động một cách độc lập để đầu tư cũng như phát triển vì thị trường Việt Nam cần nhiều xe hơn, đó là một điểm rất rõ ràng”.
Ông Laurent Genet – Tổng giám đốc Audi Việt Nam cho rằng thị trường Việt Nam “cần nhiều xe hơn”
Theo ông, năm 2019 các nhà nhập khẩu và lắp ráp ô tô tại Việt Nam gặp những thuận lợi/khó khăn gì?
- Ông Brad Kelly - Tổng Giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam: “Nhìn chung, năm 2019 là một năm thành công nữa của Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) với nhiều thành tựu. Chúng tôi đã ra mắt một số sản phẩm mới như C-Class facelift, E-Class 2019, G63 AMG và gần đây nhất là GLE hoàn toàn mới với các tính năng hấp dẫn, 7 chỗ ngồi như giá tiêu chuẩn và cạnh tranh. GLC tiếp tục là mẫu xe hạng sang bán chạy nhất mọi thời đại tại Việt Nam, đạt mốc 8.000 chiếc. Chúng tôi cũng đã giới thiệu cửa hàng MAR 2020 đầu tiên tại Bình Dương. Điều quan trọng nhất là chúng tôi đã đạt được chỉ số CSI/CLI cao nhất từ trước đến nay trong 24 năm hoạt động tại Việt Nam…
CEO các nhà nhập khẩu và phân phối ô tô tại Việt Nam đều cho rằng những khó khăn mà các liên doanh này gặp phải liên quan đến những quy định, chính sách về nhập khẩu ô tô
Theo tôi, khó khăn mà các nhà nhập khẩu (CBU) và lắp ráp ô tô tại Việt Nam (CKD) gặp phải là những quy định, chính sách mới liên quan đến việc nhập khẩu, kinh doanh ô tô. Đối với ô tô nhập khẩu, quy định về các bộ phận liên quan đến tính năng an toàn như gương, lốp xe, kính chắn gió, đèn xe… phải được cấp giấy chứng nhận và có thể tiến hành kiểm tra tại Việt Nam khiến cho nhiều DN tốn chi phí cũng như gây sự chậm trễ trong qua trình nhập khẩu.
Chúng tôi đang cố gắng làm việc với Chính phủ để giảm thiểu hoặc bãi bỏ những quy định này nhằm tạo năng suất cho các công ty tại Việt Nam cũng như xuất khẩu xe Việt Nam đến toàn châu Á”.
- Ông Toshiyuki Takahara - Tổng Giám đốc Suzuki Việt Nam: “Tính đến nay, còn tồn tại hai khó khăn, chi phí cao và tốn kém thời gian đối với các nhà nhập khẩu. Chính sách công nghiệp trong nước, hệ thống thủ tục địa phương vẫn chưa hoàn chỉnh. Lợi thế của xe nhập khẩu là đem đến nhiều lựa chọn cho khách hàng, còn lợi thế của xe sản xuất trong nước là mang lại nhiều đóng góp cho ngành sản xuất Việt Nam. Chúng tôi cũng đang tiến hành nhập, đồng thời cho rằng việc phát triển cân bằng cả hai bên là cần thiết”.
Ông Toshiyuki Takahara - Tổng Giám đốc Suzuki Việt Nam cho rằng chính sách công nghiệp trong nước, hệ thống thủ tục địa phương tại Việt Nam vẫn chưa hoàn chỉnh

“Mức đánh thuế xe ô tô ở Việt Nam có thể nói là cao hơn Nhật Bản”

Ông đánh giá và kỳ vọng gì về chính sách, mức thuế ô tô tại Việt Nam?
- Ông Brad Kelly - Tổng Giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam: “Từ quan điểm của nhà sản xuất ô tô, chúng tôi tôn trọng Chính phủ và tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định. Điều này đảm bảo quyền lợi và lợi ích của khách hàng Việt Nam. Chúng tôi luôn muốn giới thiệu những ưu đãi tốt nhất cho thị trường, do đó mong chờ sự hỗ trợ của Chính phủ để khách hàng Việt Nam sớm sở hữu những chiếc xe mơ ước của họ.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào một khung pháp lý cân bằng cho CKD và CBU có thể giúp hỗ trợ khách hàng của chúng tôi ở Việt Nam tốt nhất. Một nguồn cung thị trường bền vững là điều kiện tiên quyết để đáp ứng nhu cầu của tất cả khách hàng của chúng tôi. Cách tốt nhất để đạt được điều này là nếu chúng ta có thể kết hợp thành công công ty địa phương khi có thể và khả thi về mặt kinh tế với nhập khẩu CBU bổ sung. Một khung pháp lý cho phép cân bằng giữa lắp ráp địa phương khả thi về mặt kinh tế và nhập khẩu bổ sung sẽ giúp đảm bảo cung cấp đủ xe và từ đó mang lại lợi ích cho nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng”.
CEO các hãng xe nhập khẩu mong chờ sự hỗ trợ của Chính phủ để khách hàng Việt Nam sớm sở hữu những chiếc xe mơ ước
- Ông Toshiyuki Takahara - Tổng Giám đốc Suzuki Việt Nam: “Mức đánh thuế xe ô tô ở Việt Nam có thể nói là cao hơn Nhật Bản, nhưng tôi nghĩ nhờ thế lại có hiệu quả không làm tăng đột ngột số lượng xe hơi chờ đến khi chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng. Công ty chúng tôi cũng đang tiếp tục đưa vào các dòng xe tiết kiệm nhiên liệu, không tạo nhiều gánh nặng cho môi trường và đường phố”.
Ông dự báo như thế nào về thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2020?
- Ông Brad Kelly - Tổng Giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam: “Chúng tôi tin rằng năm 2020 sẽ lại là một năm lạc quan cho thị trường ô tô với nhiều không gian cho sự tăng trưởng chung, đặc biệt là trong phân khúc xe dưới 7 chỗ và SUV. Chúng tôi không thể kết luận sức mua, nhưng chúng tôi có dữ liệu để củng cố niềm tin của chúng tôi vào tiềm năng của thị trường xe sang. Với sự tăng trưởng liên tục trong nền kinh tế, chúng tôi chắc chắn sẽ thấy sức mua tiếp tục tăng từ cộng đồng Việt Nam rộng hơn.
Tổng Giám đốc các liên doanh nhập khẩu ô tô đều tin rằng, thị trường ô tô Việt sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới
Chắc chắn chúng tôi mong đợi phân khúc ô tô hạng sang cũng phát triển và chúng tôi sẽ làm những gì có thể để đảm bảo thị phần của chúng tôi trong sự tăng trưởng đó bằng cách cung cấp những sản phẩm và trải nghiệm khách hàng tốt nhất”.
- Ông Toshiyuki Takahara - Tổng Giám đốc Suzuki Việt Nam: “Tôi tin rằng thị trường vẫn tiếp tục ổn định và duy trì quy mô như hiện nay”.
- Ông Laurent Genet – Tổng giám đốc Audi Việt Nam: “Tôi nhận thấy thị trường trong năm 2019 có khá nhiều khuyến mãi và giảm giá tuy nhiên không biết được đó là tạm thời hay là xu hướng. Theo tôi thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2020 có thể tăng trưởng khoảng 10 - 15%”.

Cảm ơn các ông và chúc các ông một năm mới nhiều sức khỏe và thành công như mong đợi!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.