Dồn dập khuyến mãi kích cầu, ô tô tồn kho vẫn gia tăng

19/08/2020 13:29 GMT+7

Bất chấp lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đang giảm 50% cùng các gói ưu đãi, giảm giá từ các đại lý phân phối tung ra... lượng ô tô tồn kho vẫn tiếp tục gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với việc Chính phủ ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP về việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước… các doanh nghiệp (DN) kinh doanh ô tô kỳ vọng có thể kích cầu thị trường, qua đó gia tăng doanh số để bù đắp lại mức sụt giảm trong giai đoạn đầu năm. Tuy nhiên, lượng ô tô tồn kho vẫn gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trở lại, người tiêu dùng bắt đầu có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
VIDEO: Doanh nghiệp đua tranh giảm giá, thị trường ô tô vẫn khó ‘cứu vãn’

Nỗ lực giảm giá, xả hàng

Từ tháng 6.2020 đến nay, không chỉ các DN phân phối ô tô nhập khẩu mà ngay cả những đại lý bán ô tô lắp ráp trong nước cũng nỗ lực tung ra các gói khuyến mãi, tặng quà hay thậm chí giảm giá bán xe để thu hút người mua.

Nhiều gói ưu đãi, giảm giá ô tô được đại lý áp dụng để thu hút khách hàng

Trường Hải (THACO) vẫn đều đặn tung ra những gói ưu đãi giá bán, tặng quà cho khách hàng mua các mẫu xe thuộc các thương hiệu như KIA, Mazda, Peugeot. Trong đó, hầu hết các dòng xe Mazda hiện đang được THACO tặng 1 năm bảo hiểm vật chất, gói quà tặng phụ kiện và lãi suất ưu đãi năm đầu cho khách hàng mua ô tô Mazda trả góp. Chương trình kích cầu tương tự cũng được THACO áp dụng với các dòng xe KIA.
Trong khi đó, từ tháng 6 đến nay dòng xe Hyundai KONA liên tục được các đại lý giảm giá bán từ 13 – 20 triệu đồng. Mẫu sedan hạng B - Nissan Sunny giảm 20 triệu đồng. Toyota mới đây cũng tung ra gói ưu đãi tặng 1 năm bảo hiểm thân vỏ và 3 năm bảo dưỡng miễn phí cho bản Fortuner 2.4 lít diesel. Honda CR-V mới vừa ra mắt cũng được đại lý ưu đãi gói quà tặng trị giá lên đến 80 triệu đồng… Không những vậy, với việc lắp ráp trong nước, hầu hết các mẫu xe này đầu đang hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ.

Ô tô nhập khẩu, lắp ráp vẫn đang chạy đua giảm giá

Ở phân khúc ô tô nhập khẩu, Suzuki Ertiga giảm giá 30 triệu đồng, Everest phiên bản Titanium 2.0 lít AT 4WD đang được Ford giảm 200 triệu đồng, phiên bản Everest Ambiente 2.0 lít MT 4x2, Ambiente 2.0 lít AT 4x2… cũng đang giảm từ 70 triệu đồng đến 120 triệu đồng. Mitsubishi Attrage đang được đại lý giảm 19 – 23 triệu đồng tương đương 50% lệ phí trước bạ….
Một số đại lý ô tô không trực tiếp giảm giá bằng tiền mặt nhưng vẫn thông qua nhiều hình thức khác nhau để thu hút khách hàng. Subaru tặng 100% phí trước bạ cho mẫu Subaru Forester, Jaguar Land Rover cũng triển khai chính sách tặng 3 năm bảo hiểm thân vỏ miễn phí cho khách hàng mua Range Rover.
VIDEO: Lợi ‘đủ đường’, ô tô lắp ráp lấn át xe nhập khẩu

Doanh nghiệp ô tô vẫn đau đầu với bài toán tồn kho

Ưu đãi, khuyến mãi dồn dập... thế nhưng theo báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại theo định kỳ của Bộ Công thương, lượng ô tô tồn kho tại Việt Nam vẫn đang có xu hướng gia tăng.

Kết thúc quý II.2020, chỉ số tồn kho ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ô tô) vẫn tăng 129,6% so với cùng kỳ năm 2019

Cụ thể, trong quý I.2020 chỉ số tồn kho ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ô tô) tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019. Bước sang quý II.2020 chỉ số tồn kho vẫn tăng 129,6% so với cùng kỳ 2019. Điều này phản ánh khó khăn rất lớn của ngành trong việc tiêu thụ sản phẩm. Ở thời điểm hiện tại dù đã bước sang quý III của năm 2020 nhưng một số dòng ô tô vẫn còn tồn đọng các phiên bản sản xuất từ năm 2019.
Để góp phần “giải cứu” ngành sản xuất, kinh doanh ô tô, từ ngày 28.6 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP về việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước đến hết năm 2020. Tuy nhiên, tình hình có vẻ vẫn không mấy khả quan. Số liệu bán hàng mới nhất của Hiệp Hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tổng doanh số bán hàng của các thành viên thuộc VAMA trong tháng 7.2020 chỉ đạt 24.065 xe, tăng 0,3% tương đương 63 xe so với tháng 6.2020. Thậm chí nếu so với năm cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán hàng trong 7 tháng đầu năm 2020 vẫn giảm tới 28%.

Đã bước sang quý III của năm 2020 nhưng một số dòng ô tô vẫn còn tồn đọng các phiên bản sản xuất từ năm 2019

Bất chấp nỗ lực kích cầu từ phía Chính phủ cũng như các DN kinh doanh ô tô, theo dự báo của VAMA, lượng tiêu thụ ô tô trong năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến trước đây của Hiệp hội.
“Sau bước tăng trưởng trong tháng 6.2020, tình hình kinh doanh có vẻ chững lại từ cuối tháng 7.2020 do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại tại một số tỉnh thành. Người dân theo đó cũng dè dặt hơn trong các khoản chi tiêu, đặc biệt đối với các mặt hàng có giá trị cao như ô tô”. – Giám đốc bán hàng của một đại lý ô tô thương hiệu Nhật Bản tại TP.HCM chia sẻ.

Dịch Covid-19 trở lại cùng với thời điểm tháng 7 âm lịch khiến khách hàng hạn chế mua sắm tài sản có giá trị lớn như ô tô

Bên cạnh đó, theo dự báo của các DN kinh doanh ô tô, sức mua ô tô có thể tiếp tục bị ảnh hưởng và kéo lượng xe tồn kho gia tăng, khi thị trường đang bước vào tháng 7 âm lịch (từ hôm nay 19.8) mà dân gian quan niệm là tháng Ngâu hay tháng cô hồn. Trong thời gian này, người Việt thường có xu hướng thắt chặt, giảm các hoạt động mua bán, sang nhượng các tài sản có giá trị như nhà cửa, ô tô... Vì vậy, viễn cảnh về ô tô tồn kho gia tăng vẫn đang hiển hiện trước mắt các DN sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.