Dồn sức ‘chạy nước rút’, thị trường ô tô Việt Nam 2018 hồi phục

Bá Hùng
Bá Hùng
15/01/2019 12:47 GMT+7

Những nỗ lực trong giai đoạn "chạy nước rút" của các doanh nghiệp ô tô cộng với nhu cầu mua sắm xe hơi gia tăng giai đoạn cuối năm... giúp thị trường ô tô Việt Nam bứt phá, tìm lại đà tăng trưởng trong năm 2018.

Bất chấp việc “chạy đà” không được hoàn hảo do gặp phải thử thách đến từ thay đổi chính sách cũng như như các loại thuế, phí liên quan... Thị trường ô tô Việt Nam đã có cú bứt phá ngoạn mục trong giai đoạn “chạy nước rút”, để đạt được mức tăng trưởng trong năm 2018.
Các hãng xe ‘bung sức’ chạy nước rút
Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), kết thúc tháng 12.2018, tổng lượng ô tô các loại của các thành viên thuộc VAMA tiêu thụ trên thị trường đạt 34.234 xe, tăng 10.8% so với tháng 11.2018. Trong đó chiếm phần lớn vẫn là các dòng xe du lịch với doanh số bán đạt 23.984 xe, tăng 9%.
Sức mua ô tô gia tăng trong tháng cuối năm 2018
Đây là tháng thứ 4 liên tiếp thị trường ô tô duy trì được đà tăng trưởng sau khi giảm về mức 20.670 xe trong tháng 8.2018, đồng thời cũng xác lập kỷ lục tháng đạt doanh số bán xe cao nhất trong năm 2018 của các thành viên thuộc VAMA.
Sức mua ô tô tăng mạnh trong tháng cuối năm 2018 được các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh ô tô lý giải do nhu cầu sắm xe hơi của người Việt gia tăng khi dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần. “Đây là khoảng thời gian trọng điểm của mùa bán hàng cuối năm. Nhiều khách hàng muốn sắm ô tô cho bản thân và gia đình chơi Tết sau một năm làm việc, dành dụm. Ngoài ra, nhiều người cũng mua xe để kinh doanh dịch vụ vận tải, taxi… vốn được cho là đang vào mùa cao điểm”, giám đốc bán hàng của một đại lý Ford ở TP.HCM chia sẻ.
Doanh số bán một số mẫu xe lập kỷ lục mới trong tháng 12.2018
Bên cạnh đó, sau gần nữa năm dường như “mất trắng” ở mảng ô tô nhập khẩu do gặp vướng mắc về việc đáp ứng các giấy tờ, thủ tục theo quy định mới… Trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt là tháng 12.2018, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh ô tô đã cố gắng, nỗ lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung xe nhập, cùng với các chiêu thức kích cầu nhằm vớt vát doanh số bán xe. Ngoài các dòng xe lắp ráp vốn hút khách như Toyota Vios, KIA Morning, Toyota Innova, Mazda CX-5… doanh số số bán xe nhập khẩu như Ford Ranger, Toyota Fotuner, Honda CR-V cũng tăng mạnh. Tổng lượng tiêu thụ xe lắp ráp trong nước trong tháng 12.2018 đạt 21.407 xe, tăng 10.2% trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc là 12.827 xe, tăng 11.7% so với tháng trước.
Việc tập trung vào các dòng xe lắp ráp trong nước và từng bước đáp ứng được nguồn cung xe nhập khẩu giúp Toyota dẫn đầu thị trường với 8.992 xe bán ra, tăng 21% so với tháng trước. Trường Hải (THACO) xếp thứ 2 với tổng lượng tiêu thụ xe thương mại, xe du lịch đạt 7.946 xe. Doanh số Ford cũng tăng 14% đạt mức 3.959 xe. Trong khi lượng ô tô Honda tiêu thụ tháng qua tăng 6%, Mitsubishi tăng 22%...

Tin liên quan

10 ô tô bán chạy nhất Việt Nam năm 2018
Ô tô lắp ráp trong nước áp đảo về số lượng so với xe nhập khẩu nguyên chiếc, trong đó riêng Toyota Vios tiếp tục giữ vững ngôi vương ô tô bán chạy nhất thị trường với tổng lượng tiêu thụ trong năm 2018 đạt hơn 27.000 xe.
Thị trường ô tô qua cơn bĩ cực
Sức mua ô tô gia tăng trong tháng cuối năm giúp thị trường ô tô Việt Nam khép lại năm 2018 với tổng doanh số bán xe đạt 288.683 xe các loại tăng 5,8% tương đương 15.933 xe so với năm 2017. Đáng chú ý là tỉ lệ tăng trưởng của toàn thị trường đạt được là nhờ cú bứt tốc mạnh mẽ của phân khúc xe du lịch với tổng sản lượng bán hàng 196.949 chiếc, tăng 27,7%.
Tuy nhiên, thực tế con số này còn lớn hơn bởi trên thị trường ô tô Việt Nam còn gần 8 thương hiệu kinh doanh ô tô nhập khẩu như Audi, BMW, Jaguar, Land Rover, Volvo… cũng như “ông lớn” Hyundai Thành Công vốn được biết đến với các dòng xe lắp ráp trong nước. Theo số liệu mà Hyundai Thành Công công bố, kết thúc năm 2018, DN này đã bán ra thị trường Việt Nam tổng cộng 63.526 xe các loại (gồm xe du lịch, xe thương mại…). Như vậy, trên thực tế tổng lượng ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2018 đặt hơn 35.000 xe.
Lượng ô tô tiêu thụ tại Việt Nam qua từng tháng của năm 2018
Mức tăng trưởng gần 6% của thị trường ô tô Việt Nam dù chưa thực sự đạt được như kỳ vọng (10%) trước đó của VAMA, nhưng phần nào cũng cho thấy nỗ lực vượt khó của các DN ô tô trong năm 2018. Trước đó, sau khi đối mặt với mức sụt giảm doanh số trong năm 2017 xuất phát từ tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng, các DN ô tô thực sự trải qua cơn bĩ cực khi Nghị định 116 có hiệu lực khiến hoạt động nhập khẩu ô tô gặp khó khăn. Hoạt động nhập khẩu của nhiều DN gần như bị “đóng băng” trong 6 tháng đầu năm 2018 do không kịp hoàn tất các thủ tục giấy tờ theo quy định.
Xe nhập gặp khó, ô tô lắp ráp trong nước cũng không khấm khá hơn dù gần như chiếm lĩnh thị trường, bởi sức mua vẫn sụt giảm. Theo VAMA, tổng sản lượng bán hàng ô tô trên toàn thị trường giai đoạn nửa đầu năm chỉ đạt 125.659 xe, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2017. Tình trạng ô tô khan hàng, các cân cung cầu mất cân bằng… không chỉ khiến DN kinh doanh ô tô gặp khó mà cả người tiêu dùng cũng chịu nhiều thiệt thòi, trở ngại khi muốn mua xe.
Tình trạng khan hàng một số mẫu xe nhập vẫn diễn ra trên thị trường VN
Mãi đến quý IV năm 2018, khi ô tô nhập khẩu ồ ạt tràn về, những khó khăn trên thị trường ô tô mới dần được tháo gỡ. Nỗ lực của các DN kinh doanh ô tô trong giai đoạn chạy nước rút phần nào được đền đáp khi doanh số bán hàng gia tăng so với đầu năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.