Hồi sinh giấc mơ ô tô Việt

Dù muộn nhưng cả doanh nghiệp lẫn chuyên gia đều khẳng định VN hoàn toàn có thể sản xuất ô tô thương hiệu Việt nếu có sự hỗ trợ đồng bộ, mạnh, sâu của các chính sách đi kèm.

"Đó là sự khát khao và cả lòng tự trọng"
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Hyundai Thành Công, đã nói như vậy về ngành công nghiệp ô tô mà công ty ông đeo đuổi. “Chúng tôi đều là doanh nghiệp (DN) Việt, có sự tự trọng, sự khát khao và mong muốn ngành công nghiệp ô tô được duy trì mặc dù không dễ một chút nào. Đặc biệt, nếu không cố gắng tăng cường nội địa hóa trong nước, rất khó có cơ hội giảm giá sản phẩm”, ông nói.
Theo ông Đức, nếu không mở rộng đầu tư, tăng tỷ lệ nội địa hóa thì chắc chắn DN sẽ mất thị trường tại VN và không thể cạnh tranh với các mẫu xe được nhập khẩu từ các nước ASEAN. Để thực hiện được tham vọng về một ngành công nghiệp ô tô, đạt được mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, Công ty Hyundai Thành Công đã mất hơn nửa năm thuyết phục đối tác sử dụng phụ kiện trong nước bằng việc liên kết với các DN sản xuất linh kiện nội địa. Theo kế hoạch, tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu của Nhà máy Hyundai Thành Công ở Ninh Bình là 40% đến năm 2020.
Tỷ lệ nội địa hóa của nhà máy Hyundai Thành Công ở Ninh Bình đạt 40% đến năm 2020 - Ảnh: Thái Nguyễn 
Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty ô tô Xuân Kiên, khẳng định việc tăng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp ô tô sẽ giúp giảm giá thành xe tối thiểu từ 15 - 20%. VN nói chung và các DN trong nước đều chưa có thương hiệu trong lĩnh vực này thì phải bắt đầu sản xuất những loại xe giá rẻ, từ 200 triệu - dưới 300 triệu đồng, vì nhu cầu của người tiêu dùng trong nước ở phân khúc giá thấp này rất lớn. Tùy vào quy mô của DN mà sản xuất linh kiện phụ tùng hay đầu tư sản xuất thân vỏ xe, cabin xe tải… “Cái quan trọng là khuyến khích các DN đầu tư sản xuất chứ không chỉ ưu đãi cho DN lắp ráp như từ trước đến nay”, ông Huyên chia sẻ.
Theo tiết lộ của một nhà quản lý trong lĩnh vực sản xuất ô tô tại TP.HCM, có rất nhiều phụ kiện VN có thể sản xuất được nhưng các tập đoàn nước ngoài thường từ chối không mua do các hãng rất chặt chẽ trong cấp bản quyền số lượng linh kiện tiêu thụ. Bên cạnh đó, chính sách thu hút đầu tư của VN cũng chưa có quy định nào mang tính bắt buộc các hãng phải sử dụng những linh kiện trong nước nên việc nỗ lực nội địa hóa rất khó khăn. Chuyên gia về ô tô Nguyễn Minh Đồng phân tích, vấn đề quan trọng nhất trong xây dựng ngành công nghiệp ô tô là tập trung đào tạo để có được tối thiểu từ 10.000 - 15.000 kỹ sư cơ khí chính xác. Đây là nguồn lực quan trọng để bắt đầu sản xuất các linh kiện cơ bản nhất, từ bố thắng đến niềng xe, bộ lọc khí… "Không cần Chính phủ phải bỏ tiền ra đầu tư mà chỉ đưa ra chính sách khuyến khích DN tham gia. Chẳng hạn sẽ miễn thuế từ VAT đến thuế tiêu thụ đặc biệt nếu các DN sản xuất được linh kiện, phụ tùng ô tô đạt chuẩn để thay thế linh kiện nhập khẩu và cả xuất khẩu cho các tập đoàn lớn", ông Đồng đề xuất.
Doanh nghiệp muốn hỗ trợ vay vốn dài hạn
Là người trực tiếp trong ngành, hiểu rõ những khó khăn, vướng mắc trong ngành ô tô, ông Bùi Ngọc Huyên cho rằng ngoài miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho các linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước, cần có thêm chính sách hỗ trợ cho DN được vay vốn dài hạn để đầu tư sản xuất. Bởi đầu tư sản xuất ô tô cần vốn lớn nên vốn vay tối thiểu phải từ 10 năm trở lên. Chính phủ cũng có thể trích tiền thu thuế từ ngành ô tô để làm quỹ cho DN vay đầu tư sản xuất như một số nước đã thực hiện.
Chính sách hỗ trợ là yếu tố quyết định
PGS Nguyễn Lê Ninh, nguyên giảng viên Khoa Cơ khí - Đại học Bách khoa TP.HCM, đánh giá 20 năm qua VN không xây dựng được ngành ô tô thì đến nay đã quá muộn. Do chính sách hỗ trợ của nhà nước thời gian qua còn quá chung chung, không đáp ứng được cái mà DN cần và từ đó không động viên được nhiều đơn vị tham gia trong ngành này. Vì đã để mất cơ hội về thời gian nên nếu muốn làm ra chiếc xe hơi, VN phải đặt quyết tâm và nỗ lực gấp nhiều lần. “Bắt đầu sản xuất từ xe giá rẻ rồi tăng dần tỷ lệ nội địa hóa; đồng thời xem xét nâng tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật đối với xe nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước. Đặc biệt, các giải pháp đưa ra phải được thống nhất hành động từ trên xuống dưới, giữa các bộ ngành với nhau để tạo niềm tin cho DN. Hơn nữa, xây dựng ngành ô tô sẽ thúc đẩy phát triển được ngành cơ khí chế tạo hay ngành công nghiệp phụ trợ nói chung để tiến lên kịp trình độ của các nước. Đây chính là nền tảng của nhiều ngành công nghiệp sản xuất khác”, PGS Ninh phân tích.
Tăng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp ô tô sẽ giúp giảm giá thành xe tối thiểu từ 15 - 20% - Ảnh: Thái Nguyễn
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Hyundai Thành Công, thì mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm đưa ra các giải pháp cho việc phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô. “Đây là yếu tố rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro do chính sách. Nếu không có chính sách hỗ trợ, VN khó có nền công nghiệp ô tô. Các nước bằng cách này hay cách khác đều có chính sách bảo hộ khéo léo cho nền công nghiệp của họ. Malaysia, Indonesia, Ấn Độ phát triển được ngành ô tô giá rẻ là nhờ họ khéo léo điều chỉnh thuế, phí xe ô tô, đi vào khe cửa hẹp, hỗ trợ DN, lập các hàng rào kỹ thuật… mà không vi phạm các điều kiện của các hiệp định thương mại”, ông Đức nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu (Việt kiều Mỹ), cách đây 20 năm khi ông về VN, Chính phủ VN đã đưa ngành công nghiệp ô tô, đóng tàu và công nghệ thông tin là 3 nền công nghiệp VN cần đẩy mạnh. Tuy nhiên, cả 3 nền công nghiệp đó VN đều thất bại. Với ngành công nghiệp ô tô, do VN không có công nghệ hỗ trợ, đồng thời một số hãng ô tô ngoại vào VN không chuyển giao công nghệ do chính sách thu hút đầu tư không quyết liệt, nên bị thụt lùi. Vì thế, muốn làm ô tô Việt lúc này, phải chọn phân khúc thị trường giá rẻ, nhỏ sẽ phù hợp và dễ dàng cho công nghệ, nhu cầu, điều kiện giao thông và túi tiền người tiêu dùng Việt hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.