Lo tồn kho, ô tô giảm giá bán 'xả hàng'

Trần Hoàng
Trần Hoàng
07/05/2020 09:36 GMT+7

Thị trường ô tô ảm đạm do tác động của đại dịch Covid-19, trong khi những đề xuất giảm thuế, phí đến nay vẫn chưa ngã ngũ... các nhà sản xuất, kinh doanh ô tô chỉ còn cách lao vào cuộc đua giảm giá bán để tự cứu lấy mình.

Nhu cầu mua sắm ô tô của người Việt có xu hướng sụt giảm sau Tết Nguyên đán cùng với tác động của đại dịch Covid-19... khiến thị trường ô tô Việt Nam lâm vào cảnh ảm đạm.

Thị trường gặp khó do đại dịch Covid-19

Khó khăn bủa vây các nhà sản xuất, kinh doanh ô tô khi doanh số bán hàng liên tục giảm, lượng hàng tồn kho theo đó cũng tăng nhanh. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, tổng doanh số bán hàng của các thành viên thuộc Hiệp hội trong quý I.2020 chỉ đạt 50.009 xe, giảm 33% so với cùng kỳ 2019. Đây cũng là mức doanh số bán hàng thấp nhất trong 5 năm qua trên thị trường ô tô.

Sức mua giảm, lượng xe tồn kho tăng... khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Công thương còn cho thấy tình trạng đáng báo động khi chỉ số tồn kho của ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ô tô) trong quý I.2020 tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019. Hiện tại, thị trường ô tô đã bước sang quý II.2020 nhưng tại nhiều đại lý ô tô vẫn còn tồn động nhiều mẫu mã sản xuất từ năm 2019. Thậm chí một số mẫu mã vẫn còn đời xe 2018 chưa được thanh lý.
VAMA cùng các thành viên chưa đưa ra báo cáo kết quả bán hàng tháng 4.2020. Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra, kết quả xem ra cũng chẳng khả quan. Bởi trong 2 tuần đầu tháng 4.2020 hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều hãng xe gần như “đóng băng” để thực hiện Chỉ thị 16 về việc cách lý xã hội, phòng chống dịch bệnh.

Doanh số bán hàng của nhiều hãng xe giảm mạnh trong quý I.2020

Đến nay, hoạt động sản xuất phân phối ô tô về cơ bản đã khởi động lại nhưng vẫn chưa đủ lực để vực dậy thị trường ô tô. Trước thực trạng này, VAMA dự báo tổng lượng xe bán ra năm nay sẽ giảm khoảng 15% so với dự báo trước đó của Hiệp hội.

Ý kiến trái chiều về đề xuất giảm thuế phí giải cứu ngành ô tô

Trước thực trạng của ngành ô tô tại Việt Nam, từ tháng 3.2020 Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị lên Chính phủ về các phương án, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh ô tô sau đại dịch Covid-19. Trong đó, đáng chú ý có đề xuất giảm 50% phí trước bạ, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên, đến nay đề xuất “giảm 50% phí trước bạc cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đến hết năm 2020” vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều giữa các Bộ ban ngành.

Các Bộ ngành có ý kiến trái chiều về đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020

Bộ Công thương khẳng định, việc đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 là một trong các biện pháp cần thiết để kích cầu tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Trong khi đó, Bộ Tài chính lại không đồng tình với đề xuất này và cho rằng việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước sẽ vi phạm cam kết về không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Doanh nghiệp ô tô nỗ lực tự cứu mình

Trong bối cảnh những phương án đề xuất về việc giảm thuế, phí ô tô… vốn được xem như chiếc phao cứu sinh cho các cho ngành ô tô đến nay vẫn chưa được tung ra. Các nhà sản xuất, kinh doanh ô tô đang phải tự cứu lấy mình bằng cách điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, lao vào cuộc đua ưu đãi, giảm giá sản phẩm với hy vọng vực dậy sức mua, qua đó có thể đẩy hàng tồn kho.

Ô tô tồn kho tăng, các hãng xe, đại lý buộc phải giảm giá bán để đẩy hàng

Ở thời điểm hiện tại, từ các hãng xe phổ thông như Toyota, Mitsubishi, KIA, Hyundai, Ford… cho đến các thương hiệu ô tô nhập khẩu như Subaru, Volkswagen, Mercedes-Benz hay "đại gia" ô tô Việt - VinFast… đều lao vào cuộc đua giảm giá.
Tháng thứ 4 liên tiếp Toyota áp dụng chính sách giảm giá thông qua chương trình hỗ trợ lệ phí trước bạ cho khách mua mẫu SUV 7 chỗ Fortuner. Ngay cả mẫu xe bán chạy nhất thị trường – Toyota Vios cũng được các đại lý Toyota giảm giá bán. Mitsubishi, Nissan đều đặn áp dụng chính sách ưu đãi giá trên hầu hết sản phẩm đang phân phối tại Việt Nam.
Các đại lý Honda chạy đua giảm giá bán nhằm xả hàng mẫu City. Trong khi, đại lý Hyundai, Suzuki cũng mạnh tay tung ưu đãi lên đến hàng chục triệu đồng với hy vọng “xả hàng” với các mẫu xe sản xuất năm 2019 còn tồn đọng.

Giá bán VinFast Lux A2.0 và Lux SA2.0 giảm gần 300 triệu đồng trong tháng 5.2020

Ngay cả VinFast vốn liên tục tăng giá bán xe từ cuối năm ngoái, đến nay cũng phải lao vào cuộc đua ưu đãi, giảm giá bán. Trong đó, mẫu VinFast Lux A2.0 và Lux SA2.0 “đại hạ giá” với mức giảm lên tới gần 300 triệu đồng áp dụng cho khách mua xe và thanh toán toàn bộ chi phí trong tháng 5.2020.
Trong bối cảnh những phương án đề xuất hỗ trợ ngành ô tô đến nay vẫn “tắc đường”, chương trình giảm giá bán ô tô của các nhà sản xuất, đại lý kinh doanh được xem như phương án duy nhất để “giải cứu” ngành ô tô Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.