Một số bất cập khi trang bị bình cứu hỏa trên xe hơi

09/01/2016 05:06 GMT+7

2,6 triệu xe lưu thông trang bị bình cứu hỏa sẽ tiêu tốn gần 300 tỉ đồng cùng những bất cập trong việc bảo quản khiến nhiều chủ xe đang băn khoăn, lo lắng.

2,6 triệu xe lưu thông trang bị bình cứu hỏa sẽ tiêu tốn gần 300 tỉ đồng cùng những bất cập trong việc bảo quản khiến nhiều chủ xe đang băn khoăn, lo lắng.

Theo số liệu từ Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì năm 2014 tại Việt Nam có 112 vụ cháy xe hơi, năm 2015 tăng lên 123 vụ. Các vụ cháy xe gây thiệt hại về tài sản nhưng rất may mắn không ảnh hưởng đến tính mạng con người. Đây cũng là một phần lý do Thông tư 57 của bộ Công an quy định, hướng dẫn trang bị bình cứu hỏa trên xe hơi 4 chỗ ngồi trở lên. Việc kiểm tra, xử phạt sẽ do lực lượng Cảnh sát PCCC phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông.

Việc kiểm tra xử phạt tài xế không trang bị bình chữa cháy sẽ tốn thêm nhân lực - Ảnh: Bảo Hoàng

Theo ghi nhận của phóng viên, trên một số diễn đàn, mạng xã hội nhiều người đang băn khoăn việc Thông tư 57 sẽ tiêu tốn thêm nhân lực từ hai đơn vị PCCC và Cảnh sát giao thông nhằm kiểm tra, xử phạt các phương tiện không trang bị bình cứu hỏa. Việc kiểm tra, xử phạt lái xe không trang bị bình cứu hỏa sẽ ít nhiều ảnh hưởng công việc chính của cả hai đơn vị này là cứu hỏa và phân luồng, điều tiết giao thông cũng như xử phạt các hành vi cố tình vi phạm như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ…

Thứ hai, nếu tính một bài toán kinh tế đơn giản cả nước có khoảng 2,6 triệu xe và trung bình mỗi bình chữa cháy có giá 100.000 đồng (trên thực tế có thể cao hơn) thì người dân mất 260 tỉ đồng. Số tiền này đủ mua khoảng 500 chiếc sedan bình dân. Như vậy, 100.000 đồng tuy không lớn với nhiều người nhưng khi nhân với 2,6 triệu xe thì con số không hề nhỏ. Chưa kể những bình chữa cháy trong tầm giá này thường nhanh hết hạn sử dụng cũng như chất lượng không đảm bảo.

Hư hỏng nội thất do bình cứu hỏa có thể bị từ chối trách nhiệm bảo hiểm

Hiện tại nhiều xe hơi đã được mua bảo hiểm vật chất (bao gồm bảo hiểm cháy nổ) nên hầu hết các vụ cháy nổ đều được phía bảo hiểm thanh toán. Chính vì vậy nhiều lái xe cho rằng việc trang bị bình cứu hỏa để giảm thiểu thiệt hại vật chất là chưa hợp lý. Chưa kể, nếu trang bị bình cứu hỏa trong một số trường hợp có thể bị từ chối bảo hiểm khi xảy ra cháy nổ hay hư hỏng nội thất.

Ngoài ra, trong trường hợp xe bị cháy, bình cứu hỏa thông thường rất khó kìm hãm được lửa từ khu vực động cơ, bình nhiên liệu. Với những hạn chế về kích thước xe nên các tài xế cũng không có xu hướng mua bình cứu hỏa dung tích lớn mà chỉ tập trung đáp ứng đủ tiêu chuẩn tối thiểu của Thông tư 57. Ví như những bình dưới 1 kg chỉ xịt được khoảng 10 giây, khó mà khống chế được đám cháy trên những vật liệu bắt lửa.

Chính vì vậy, khi mua bình cứu hỏa nên chọn loại gần cao nhất trong quy định cũng như chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo bởi hiện có nhiều bình cứu hỏa giá rẻ có xuất xứ từ Trung Quốc với chất lượng không đảm bảo đang được bán tràn lan trên thị trường.

Nên chọn những bình cứu hỏa chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để hạn chế rủi ro

Dù sao thì bình chữa cháy vẫn là thiết bị nhạy cảm trước các yếu tố nhiệt độ, sự ổn định nên rất cần tính “cẩn tắc vô áy náy” của chủ xe để đảm bảo an toàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.