Nhiều ô tô nhập khẩu bán chạy chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam

Trần Hoàng
Trần Hoàng
03/07/2020 10:47 GMT+7

Chính sách thay đổi tạo động lực thu hút một số mẫu mã ô tô nhập khẩu bán chạy từng “dứt áo ra đi”, giờ đây bắt đầu quay trở lại sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam nhằm hưởng ưu đãi, để tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

“Đi thật xa để trở về”... đó là câu nói ví von của giới truyền thông trong lĩnh vực ô tô tại Việt Nam trong thời gian gần đây dành cho những cái tên như Toyota Fortuner, Honda CR-V... Sau 2 – 3 năm rời bỏ dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam để đổi lấy cái mác “xe nhập khẩu”, các mẫu mã này đang quay trở lại... khi nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi cho ô tô lắp ráp sản xuất trong nước được Chính phủ ban hành.

Nhiều mẫu mã ô tô nhập khẩu đang dần chuyển sang lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam

Đi, để... trở về

Đầu năm 2017, mẫu SUV 7 chỗ bán chạy nhất Việt Nam – Toyota Fortuner được liên doanh của hãng xe Nhật Bản ra mắt thế hệ mới. Thời điểm đó, bên cạnh những thay đổi về thiết kế công nghệ... Fortuner mới đã được Toyota Việt Nam (TMV) chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu nguyên chiếc từ nhà máy ở Indonesia.
Trong bối cảnh thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ các nước thuộc khu vực ASEAN vào Việt Nam sắp giảm về mức 0% từ năm 2018 theo nội dung Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA)... Quyết định chuyển Fortuner sang nhập khẩu của TVM thực sự cũng không phải là điều quá bất ngờ với giới truyền thông cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô. Bởi, ngoài cái mác “ô tô nhập khẩu” vẫn luôn hấp dẫn khách hàng Việt, Fortuner sản xuất tại Indonesia cũng hội đủ điều kiện để được hưởng thuế nhập khẩu 0% khi vào Việt Nam. Điều này, được TMV hy vọng sẽ giúp Toyota Fortuner mới tăng thêm sức hút.

Từng chuyển sang nhập khẩu, Toyota Fortuner nay đã quay về lắp ráp tại Việt Nam

Tương tự cách làm của TMV, thế hệ thứ 5 của CR-V cũng được Honda chuyển từ lắp sang nhập khẩu. Mẫu Crossover này tại thời điểm đó có doanh số bán hàng vẫn kém xa so với các đối thủ cùng phân khúc, được lắp ráp trong nước như Mazda CX-5, Mitsubishi Outlander...
Tuy nhiên, có ai biết được chữ ngờ (?!) Với một thị trường ô tô mà chính sách ngành luôn thay đổi xoành xoạch như ở Việt Nam, giới hạn giữa thành công thất bại của một mẫu xe luôn khá mong manh. Nghị định 116 về về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô có hiệu lực từ năm 2018. Trong đó đáng chú ý là quy định nhằm thắt chặt hoạt động nhập khẩu ô tô vào Việt Nam đã làm thay đổi thế trận cạnh tranh giữa ô tô lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu.

Mitsubishi Xpander bản lắp ráp tại Việt Nam lộ diện

Rào cản dựng nên với hoạt dộng nhập khẩu ô tô nói chung khiến Toyota Fortuner, Honda CR-V thậm chí là mẫu MPV nhập khẩu vừa ra mắt đã bán chạy như Mitsubishi Xpander... liên tục rơi vào tình trạng khan hàng. Lượng cung không kịp cầu khiến các mẫu xe này mất đi tính ổn định về doanh số bán hàng, qua đó đánh mất lợi thế cạnh tranh... dù vẫn luôn góp mắt ở Top đầu những mẫu ô tô bán chạy nhất Việt Nam.
Trong hoàn cảnh đó, bước sang năm 2019, Toyota Việt Nam đã quyết định chuyển một số phiên bản Fortuner sang lắp ráp trong nước và chỉ nhập khẩu 2 bản Fortuner từ Indoneisa. Mitsubishi sau hơn 1 năm “ăn nên làm ra” với Xpander cũng quyết định đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất để lắp ráp một số phiên bản của dòng MPV phổ thông này tại Việt Nam. Mới đây, Honda cũng thông báo sẽ ra mắt các phiên bản nâng cấp của Honda CR-V tại Việt Nam từ cuối tháng 7.2020. Tất cả đã được chuyển sang lắp ráp trong nước.

Bản nâng cấp của Honda CR-V tại Việt Nam sẽ ra mắt từ cuối tháng 7.2020 theo diện xe lắp ráp trong nước

Tuy nhiên, ngoài việc chuyển sang lắp ráp để đảm bảo nguồn cung. Động thái quay trở về của một số mẫu xe từng được nhập khẩu như Toyota Fortuner, Honda CR-V còn nhằm mục đích tận dụng những thay đổi về chính sách đang góp phần giúp xe lắp ráp trong nước tạo lợi thế cạnh tranh.

Chính sách ưu đãi ô tô "nội"

Những thay đổi về chính sách của Chính phủ đối với ngành ô tô Việt Nam thời gian gần đây, đang tạo ra những lợi thế về cả trung và dài hạn cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Đây cũng được xem là nguồn động lực khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam đầu tư sản xuất lắp ráp.
Sau đại dịch Covid-19, ngày 28.6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2020 về giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 nhằm kích cầu thị trường ô tô. Chính sách này dù chỉ áp dụng trong ngắn hạn nhưng đang trở thành nguồn động lực kích thích sức mua đối với các mẫu mã ô tô lắp ráp trong nước. Bởi theo tính toán, việc giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ giúp khách hàng mau ô tô “nội” tiết kiệm được từ 23 – 250 triệu đồng so với trước đây.

Ô tô lắp ráp trong nước đang được giảm 50% lệ phí trước bạ

Bên cạnh đó, tính về dài hạn khi Nghị định 57/2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 10.7 tới đây, thuế nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu, vật tư, linh kiện dành để lắp ráp ô tô tô mà trong nước chưa sản xuất được sẽ giảm về 0%. Chính sách này nhằm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Để được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu linh kiện các doanh nghiệp lắp ráp ô tô phải đáp ứng một số quy định, tiêu chí, trong đó phải đạt sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia trong ngành, việc miễn thuế nhập khẩu đối với nhiều mẫu mã vật tư, linh kiện… về lâu dài sẽ góp phần là giảm chi phí sản xuất, qua đó ô tô lắp ráp trong nước cạnh tranh với các mẫu mã xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Những thay đổi về chính sách đang trở thành nguồn động lực lớn thu hút đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước

Những thay đổi về chính sách đang trở thành nguồn động lực lớn thu hút đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Với một số mẫu mã như Toyota Fortuner, Honda CR-V... sau một thời gian “dứt áo ra đi” để tìm kiếm lợi thế cạnh tranh, giờ đây đang dần rủ bỏ cái mác ô tô nhập khẩu để quay về lắp ráp tại Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.