Phân khúc hatchback cỡ nhỏ: Đế chế của riêng xe Hàn

Việt Đức
Việt Đức
29/03/2019 09:34 GMT+7

Từ người khai phá phân khúc Daewoo Matiz đến kẻ đả bại ngôi vương Kia Morning rồi Hyundai Grand i10 vẫn là cuộc cạnh tranh trường kỳ, dai dẳng của những thương hiệu đến từ Hàn Quốc.

Phân khúc hatchback cỡ nhỏ từ lâu được biết đến như một dòng xe cho những người có thu nhập thấp muốn sở hữu xe hơi thay vì một chiếc xe ga cao cấp đắt tiền. Nó cũng là dòng xe “taxi” khi được hầu hết các hãng taxi trưng dụng với vốn đầu tư ít nhờ giá rẻ, tiết kiệm xăng. Với lợi thế về giá bán, dòng xe giá rẻ nhất thị trường này vốn có nhiều tiềm năng nhưng gần như chỉ có các thương hiệu xe đến từ Hàn Quốc xâm chiếm sau khi đả bại Chevrolet Spark với tiền thân là Daewoo Matiz đóng vai trò “người mở đường”.

Trên thực tế, bản thân Daewoo cũng chính là một thương hiệu đến từ Hàn Quốc. Ngay từ khi ra mắt vào tháng 9.1998 với giá chỉ loanh quanh 100 triệu đồng, gấp đôi một chiếc xe ga cao cấp thời bấy giờ Daewoo Matiz nhanh chóng “khai sinh” ra phân khúc xe giá rẻ nhất thị trường Việt, tạo nền móng khách hàng cho tới khi bị Kia Morning đả bại và General Motors (GM) khai tử, “khoác áo” xe Mỹ - Chevrolet Spark.

Daewoo Matiz mở màn phân khúc xe giá rẻ nhất Việt Nam

Trong đó, Chevrolet Spark được GM Việt Nam cho ra đời như một sự lột xác về mặt tên gọi của Daewoo Spark chuyển mình thành một mẫu xe Mỹ, rũ áo xe Hàn Quốc sau tròn 1 thập kỷ kinh doanh, làm mưa làm gió trên thị trường. Tuy nhiên, “cuộc vui ngắn chẳng tày gang” khi Spark chỉ trụ hạng trên top xe bán chạy được khoảng 1 năm trước khi lùi về sau để nhìn rõ hơn sự thăng tiến của các mẫu xe đối thủ đến từ Hàn Quốc.

Về phần Kia Morning, sau khi gia nhập thị trường vào năm 2007, Morning từng bước, từng bước gặm nhấm thị phần của Daewoo Matiz rồi Chevrolet Spark trước khi chiếm lĩnh hoàn toàn vị trí dẫn đầu từ tay đối thủ, đặc biệt là trong giới taxi. Nối tiếp ngay sau Kia, là Hyundai với i10 nhưng không gặt hái được nhiều thành công vì thua thiệt cả về thiết kế lẫn kích thước.

Kia Morning từng bước làm chủ "phân khúc taxi" trong thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI

Tuy nhiên, Hyundai chỉ thực sự bước sang trang mới khi đưa về thế hệ thứ 3 của i10 từ Ấn Độ với hàng loạt sự thay đổi vào năm 2014. Trong đó, thiết kế là điểm ăn tiền với phong cách trang nhã, lịch sự hơn mang lại cảm giác cứng cáp, cao cấp hơn đôi chút so với đối thủ. Tuy nhiên, yếu tố quyết định giúp Grand i10 lội ngược dòng lại đến từ chính kích thước của nó…

Nếu như ở phiên bản cũ i10 nhỏ bé hơn Morning thì ở Grand i10 2014 nó lớn hơn về tổng thể với chiều dài 3.765 mm, rộng 1.660 mm, cao 1.520 mm cùng chiều dài cơ sở 2.435 mm trong khi Kia Morning với kích thước (3.595 x 1.595 x 1.490)mm, chiều dài cơ sở 2.385 mm. Nhờ vậy, doanh số của Grand i10 tăng trưởng mạnh, theo công bố lần đầu vào năm 2017 khi ra mắt i10 phiên bản lắp ráp là 22.258 xe trong năm 2016, cao hơn nhiều so với 14.872 xe của Morning.

Tân vương Hyundai i10 vẫn là một mẫu xe đến từ Hàn Quốc

Tiếp tục đà tăng trưởng cùng những ưu đãi lắp ráp trong nước, Grand i10 tiếp tục đưa Hyundai lên đỉnh trong phân khúc, vượt qua người đồng hương Kia Morning. Mặc dù lép vế hơn nhưng Kia Morning hiện vẫn là đối trọng của Grand i10 trong phân khúc, liên tục bám đuổi về mặt doanh số.

Cho đến thời điểm hiện tại, tính riêng năm 2018 Grand i10 tiếp tục là công thần của Hyundai với 22.068 xe bán ra, đối thủ đồng hương Kia cũng bán được 11.528 xe. Cả hai mẫu xe liên tục có mặt trong top 10 doanh số hàng tháng, chiếm trọn thị phần trong phân khúc bất chấp có những tân binh đến từ Nhật Bản điển hình như Toyota Wigo tham chiến.

Có lẽ, người Nhật đã đi một bước đi sai trong phân khúc xe hatchback cỡ nhỏ tại Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.