Tiêu thụ ô tô tại Việt Nam giảm mạnh

13/03/2018 16:45 GMT+7

Ô tô "ngoại" đang loay hoay tìm lại đường về, xe "nội" không đủ đáp ứng nguồn cung trong khi khoảng thời gian bán hàng rút ngắn... khiến lượng ô tô tiêu thụ trên thị trường VN giảm mạnh trong tháng thứ 2 của năm 2018.

Sức mua giảm hơn 50%
Nhu cầu sắm ô tô dần “thoái trào” sau dịp Tết Nguyên đán cùng với tâm lý chờ đợi ô tô giảm giá nhờ hưởng thuế nhập khẩu 0% từ ASEAN tràn về VN của đại đa số người dân góp phần kéo thị trường ô tô rơi tự do trong tháng 2.2018.
Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng lượng ô tô của toàn thị trường tiêu thụ trong tháng 2.2018 chỉ đạt 12.394 xe, giảm 52% so với tháng 1.2018 và giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức doanh số thấp trong vòng 2 năm qua của thị trường ô tô VN. Trước đó, doanh số bán của toàn thị trường từng “chạm đáy” vào tháng 2.2016.
Doanh số bán ô tô của thị trường trong 5 tháng gần đây và sản lượng cộng dồn 2 tháng của năm 2018
So với tháng 1.2018, lượng tiêu thụ ở phân khúc xe du lịch và xe thương mại đều giảm hơn 50%. Trong đó, riêng doanh số bán xe du lịch đạt 8.660 chiếc, giảm tới 53%. Lý giải về điều này, Phó Tổng giám đốc Honda Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM cho biết: “Thời gian bán hàng của các đại lý bị rút ngắn do tháng 2 năm nay trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2018 kéo dài gần 1 tuần lễ. Sau Tết, cũng như mọi năm, nhu cầu mua sắm ô tô thường có xu hướng giảm mạnh. Riêng năm nay, những thay đổi về chính sách nhập ô tô nguyên chiếc đặc biệt là thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN vào VN giảm về 0%, khiến khách hàng mang tâm lý chờ đợi mặt bằng giá cả xe hơi ổn định hơn trong những tháng tới”.
Ngoài ra, theo số liệu từ VAMA, tổng sản lượng bán hàng của các loại ô tô lắp ráp trong nước (CKD) trong tháng 2.2018 cũng chỉ đạt 10.686 chiếc, giảm 48% so với tháng 1.2018. Trong khi đó, lượng xe nhập khẩu (CBU) cũng chỉ đạt 1.708 chiếc, giảm 68%. Điều này, phần nào xuất phát từ việc khan hiếm nguồn cung trên thị trường. Bởi trước đó, dù đã bước sang tháng thứ 2 của năm 2018 nhưng ô tô nhập từ các nước trong khu vực ASEAN nằm trong diện hưởng thuế nhập khẩu 0% vẫn chưa thể về đến VN do những rào cản liên quan đến các thủ tục theo quy định của Nghị định 116 và Thông tư 03.
Ô tô nhập tắc đường về, người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn về mẫu mã, giá cả
Ô tô nhập “tắc đường về”, khiến người tiêu dùng bị bó hẹp sự lựa chọn về mẫu mã lẫn giá cả. Một số mẫu xe nhập khẩu (CBU), xe lắp ráp trong nước (CKD) vốn hút khách đều rơi vào cảnh khan hàng. Sức mua ô tô của thi trường theo đó cũng bị kìm nén góp phần kéo doanh số bán của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh ô tô giảm mạnh.
Xe lắp ráp lấn át xe nhập khẩu
Ở phân khúc xe du lịch, trong bối cảnh các mẫu mã mới nhập khẩu từ ASEAN nằm trong diện hưởng thuế 0% chưa thể tiếp cận thị trường Việt, lượng tiêu thụ trong tháng 2.2018 chủ yếu đến từ các mẫu mã ô tô lắp ráp trong nước.
Lượng tiêu thụ ô tô lắp ráp áp đảo so với xe nhập khẩu nguyên chiếc
Trong số 2.865 xe Toyota tiêu thụ tại VN trong tháng 2.2018, chiếm hầu hết là các mẫu xe lắp ráp trong nước. Riêng Toyota Vios, Innova, Corolla Altis và Camry… đều góp mặt trong danh sách xe bán chạy nhất tháng. Trong khi đó, lượng tiêu thụ xe Toyota nhập khẩu chỉ đạt 13 chiếc, gồm: 7 chiếc Prado, 3 chiếc Land Cruiser và 3 chiếc Fortuner.
Sự phân hoá rõ nét này cũng được thể hiện trong cơ cấu tiêu thụ sản phẩm của các hãng xe như Honda, Mitsubishi và GM Việt Nam trong tháng 2.2018. Một nhân viên bán hàng của Honda Phước Thành ở TP.HCM cho biết: “Trong tháng 2.2018 hầu như đại lý chỉ bán và giao đến tay khách hàng mẫu City, do các mẫu xe nhập như CR-V mới, Civic, Accord nhập khẩu đều không có đủ nguồn cung”. Theo số liệu từ VAMA, trong tháng 2.2018, doanh số Honda đạt 502 xe, trong đó City chiếm tới 489 xe, còn lại là 13 xe CR-V 7 chỗ từ lô hàng được nhập về vào cuối năm 2017.

Tin liên quan

10 ô tô bán chạy nhất Việt Nam tháng 2.2018
Ô tô lắp ráp trong nước áp đảo số lượng xe tiêu thụ trên thị trường VN tháng 2.2018, trong bối cảnh nhiều mẫu xe nhập vốn hút khách đang lâm vào cảnh “không có để bán” ngoại trừ “ông hoàng bán tải” Ford Ranger.
Trong khi đó, với thế mạnh về lắp ráp các mẫu mã của KIA, Mazda, Peugeot giúp Trường Hải (THACO) lấn át các DN khác nếu xét về thị phần. Cụ thể, doanh số bán hàng của các dòng xe KIA trong tháng 2.2018 đạt 1.494 xe, chiếm 12,2% thị phần VAMA. Doanh số Mazda đạt 2.004 xe, chiếm 16,4%. Sức hút từ các mẫu mã mới giúp Peugeot đạt doanh số 285 xe, đồng thời là thương hiệu xe du lịch duy nhất giữ được đà tăng trưởng (tăng 5%) so với tháng 1.2018. Doanh số Toyota giảm 23%, thương hiệu xe sang Lexus giảm 98%, Honda giảm 71%, Ford giảm 57%, Mitsubishi giảm 60%, GM giảm 24%...
Cộng dồn 2 tháng đầu năm, tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường VN đạt 38.431 xe, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo của đại diện một hãng xe thuộc VAMA, với việc một số DN nhập khẩu đang nỗ lực hoàn tất các thủ tục nhập khẩu ô tô theo quy định, nhiều mẫu xe nhập từ ASEAN có giá bán cạnh tranh sẽ đổ bộ về VN thời gian tới. Qua đó, phần nào giải tỏa “cơn khát” xe nhập khẩu vốn đã bị kìm nén từ đầu năm đến nay. Xu hướng cạnh tranh giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu sẽ giúp thị trường tìm lại đà tăng trưởng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.