Trung Quốc xem xét cấm xe động cơ đốt trong vì ô nhiễm môi trường

20/09/2017 06:48 GMT+7

Giống như nhiều nước phát triển, Trung Quốc đang hướng tới việc cấm ô tô sử dụng động cơ đốt trong, phát triển xe điện nhằm bảo vệ môi trường.

Thông tin cho thấy chính phủ Trung Quốc đang làm việc với các bên liên quan vạch ra lộ trình cấm xe sử dụng động cơ xăng - dầu. Thời gian cụ thể chưa được tiết lộ nhưng nguồn tin cho biết thời điểm ban hành lệnh cấm sẽ trùng với nhiều quốc gia khác. Nếu được thực thi, nó sẽ mang đến những thay đổi sâu sắc cho ngành công nghiệp xe hơi nước này.

Những nước đi đầu trong đề xuất cấm xe chạy động cơ đốt trong chủ yếu đến từ châu Âu. Trong đó, Anh cho biết họ sẽ cấm toàn bộ xe sử dụng động cơ này từ năm 2040 và tới năm 2050 sẽ không còn bất kỳ chiếc xe nào như vậy chạy trên đường phố. Pháp cũng lên kế hoạch cấm xe sử dụng nguyên liệu hóa thạch vào năm 2040 và yêu cầu tất cả xe mới bán ra sau thời điểm này phải chạy động cơ điện hoặc hybrid.

Lượng phương tiện tăng nhanh khiến Trung Quốc phải "cầu cứu" xe điện nhằm giảm ô nhiễm Ảnh - Nbcnews

Đáng chú ý, người hàng xóm Ấn Độ vốn không mấy giàu có cũng đặt mục tiêu cấm xe sử dụng động cơ đốt trong từ năm 2030. Thậm chí, Na Uy còn tham vọng hơn khi đặt mục tiêu vào năm 2025. Về Trung Quốc, bước đầu nước này yêu cầu doanh số xe điện và hybrid phải chiếm ít nhất 20% số xe mới bán ra từ năm 2025. Hiện quốc gia đông dân nhất thế giới được coi là mảnh đất màu mỡ cho các hãng xe tham vọng phát triển xe điện. Bằng chứng là không chỉ xe “nội” nhiều thương hiệu lớn của nước ngoài cũng đang ráo riết thành lập liên doanh sản xuất xe điện tại đây.

Những năm gần đây, Trung Quốc đang tích cực ủng hộ các nhà sản xuất phát triển, kinh doanh xe xanh như điện, hybrid. Nguyên nhân là do các thành phố lớn tại đây đang bị bao trùm bởi khói bụi gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới sinh hoạt của người dân. Một phần nguyên nhân xuất phát từ lượng phương tiện tăng vọt trong khi phần lớn là do kế hoạch công nghiệp hóa vô tội vạ đặc biệt là công nghiệp nặng của chính phủ nước này suốt mấy thập kỷ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.