Xe Nga lắp ráp trong nước, công nghiệp ô tô VN được gì?

24/03/2016 05:15 GMT+7

Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất ô tô Nga sẽ liên doanh với đối tác Việt Nam để sản xuất, lắp ráp ô tô phục vụ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu trong khu vực ASEAN.

Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất ô tô Nga sẽ liên doanh với đối tác Việt Nam để sản xuất, lắp ráp ô tô phục vụ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu trong khu vực ASEAN.

>> 15 năm, công nghiệp ô tô VN lắp ráp hơn 1 triệu xe
>> Chuyên gia: Công nghiệp ô tô Việt lợi thế nhất khi tham gia TPP
>> 2016: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt mới, người Việt lại băn khoăn giá xe

Mới đây, đại diện Bộ Công thương Việt Nam và Liên bang Nga đã tiến hành ký kết Nghị định thư về hỗ trợ sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam. Nội dung cơ bản của Nghị định thư tập trung vào việc hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nga như KAMAZ, GAZ, UAZ… với các đối tác Việt nhằm thành lập liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe 10 chỗ trở lên cùng xe địa hình và một số loại xe chuyên dụng trong lãnh thổ Việt Nam.

Liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô Việt - Nga sẽ tập trung vào xe tải, xe 10 chỗ - Ảnh: Rostec

Tất nhiên, việc sản xuất, lắp ráp xe ô tô tại Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu về tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu theo từng giai đoạn. Quy định này nằm trong Quyết định số 1211/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 24.7.2014 phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, doanh nghiệp phải đạt tỉ lệ nội địa hóa 25% với xe chuyên dụng, 30% với xe tải/xe địa hình và 35% với xe 10 chỗ trở lên vào năm 2020. Tới 2025, tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu với xe chuyên dụng, xe địa hình là 40%, 45% với xe tải và xe 10 chỗ trở lên. Nếu không đạt được tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu như cam kết, các liên doanh này sẽ bị tước giấy phép hoạt động.

Các liên doanh phải đáp ứng được tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu theo quy định - Ảnh: Impomag

Ngoài việc đáp ứng được tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu theo từng giai đoạn, việc sản xuất, lắp ráp xe của những liên doanh trên còn phải đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và xây dựng hệ thống đại lý sửa chữa, bảo dưỡng cũng như đào tạo tay nghề cho kỹ thuật viên bản địa. Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp Nga cần có những kế hoạch cụ thể nhằm chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam theo thỏa thuận cũng như hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện.

Nghị định thư mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp lắp ráp ô tô Việt? - Ảnh: Rostec

Nghị định thư về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ tại Việt Nam được xem là một cơ hội mới cho ngành công nghiệp ô tô nước nhà và giải quyết thêm vấn đề công ăn việc làm cho người lao động. Ngoài việc tiếp nhận thêm khoa học kỹ thuật, dây chuyền sản xuất hiện đại, Nghị định còn liên quan đến chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt là mục tiêu tăng cường tỉ lệ nội địa hóa những mẫu xe sản xuất trong nước.

Đối với phía doanh nghiệp sản xuất xe hơi Nga, Nghị định thư được ký kết mở ra cơ hội chinh phục thị trường Đông Nam Á trong tương lai, thay thế cho thị trường nội địa đang “sa sút” vì chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, chính trị. Nhất là khi ô tô có tỉ lệ nội địa hóa trên 40% sẽ được miễn thuế nhập khẩu sang các nước ASEAN trong vài năm tới.

Nếu tỉ lệ nội địa hóa trên 40%, sẽ có thêm cơ hội xuất khẩu sang các nước ASEAN với ưu đãi về thuế - Ảnh: Aa36

Tất nhiên, những cam kết, cơ hội trên vẫn đang nằm trên giấy và chúng ta phải chờ xem nó có thực sự hỗ trợ tốt cho ngành công nghiệp ô tô nước nhà như kỳ vọng hay không?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.