Xe nhập tắc đường về, ô tô nội hút khách mùa Tết

12/02/2018 17:50 GMT+7

Thị trường ô tô vào mùa bán hàng cao điểm Tết Nguyên đán 2018 trở thành sàn diễn của xe lắp ráp khi hầu hết xe từ ASEAN nằm trong diện hưởng thuế nhập khẩu 0% vẫn chưa thể về Việt Nam do những rào cản từ Nghị định 116.

Sau một năm 2017 đầy biến động, thị trường ô tô VN đang cho thấy dấu hiệu khởi sắc trong tháng đầu tiên của năm 2018. Doanh số bán ô tô của toàn ngành tăng mạnh so với cùng kỳ, đồng thời cũng phản ánh rõ sự đối nghịch về lượng tiêu thụ xe lắp ráp và xe nhập khẩu do những tác động từ chính sách.
Ô tô nhập khẩu giảm mạnh
Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 1.2018 doanh số bán ô tô toàn nghành đạt 26.037 xe, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe du lịch chiếm 18.371 chiếc tăng 25%, xe thương mại, xe chuyên dụng giảm 38% và 78% so với tháng trước. Mức tăng trưởng của dòng ô tô du lịch được lý giải do nhu cầu sắm ô tô bùng nổ trong dịp cận Tết Nguyên đán, nhất là sau một thời gian dài bị “kìm nén” bởi những đợt biến động giá và tâm lý chờ ô tô giá rẻ từ ASEAN của phần lớn người tiêu dùng.
Trong tháng 1.2018, chỉ có 18 xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về VN
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính trong tháng 1.2018 chỉ có vỏn vẹn 340 xe ô tô nguyên chiếc được nhập về VN, giảm gần 97% về lượng so với tháng trước. Đặc biệt, trong số này chỉ có 18 xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Nguyên nhân xuất phát từ những quy định mới về điều kiện nhập khẩu ô tô theo Nghị định 116, vô hình tạo ra rào cản với xe nhập khẩu nguyên chiếc vào VN bắt đầu từ ngày 1.1.2018. Theo đại diện một hãng xe thuộc VAMA, Nghị định này khiến các DN phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục, giấy tờ, đáp ứng các quy định về kiểm định nếu muốn nhập 1 lô xe về VN từ năm 2018.
Ô tô nhập khẩu tắc đường về, khiến một số mẫu xe vốn hút khách rơi vào cảnh khan hàng, đại lý không có xe để bán đúng vào cao điểm của thị trường ô tô khiến doanh số bán xe nhập giảm mạnh. Trong tổng số 26.037 xe tiêu thụ trong tháng 1.2018, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc chỉ đạt 5.451 xe, giảm 30%.
Ô tô nhập khẩu tắc đường về, nhiều khách hàng chuyển sang lựa chọn xe lắp ráp trong nước
Trong đó, riêng mẫu xe Toyota Fortuner trước đây luôn đạt mức trên 1.000 xe/tháng nay chỉ đạt 34 xe trong tháng mở đầu năm 2018. Lượng tiêu thụ Toyota Hilux, Chevrolet Colorado… cũng như Toyota Yaris nhập từ Thái Lan giảm mạnh. Ford Ranger, Honda CR-V thế hệ mới… là 2 mẫu xe nhập khẩu hiếm hoi tăng trưởng doanh số đồng thời lọt vào danh sách xe bán chạy nhất tháng, tuy nhiên hầu hết các lô xe này đều đã thông quan vào VN từ cuối năm 2017. Bên cạnh đó, các mẫu xe mới lắp ráp tại các nước ASEAN từng “dạm ngõ” thị trường Việt như Toyota Wigo, Honda Jazz, Chevrolet Trailblazer… tiếp tục lỡ hẹn khiến người tiêu dùng “vỡ mộng” xe giá rẻ nhờ giảm thuế nhập khẩu vào đầu năm 2018.
Ô tô nội lắp ráp không kịp bán
Trong khi mảng xe nhập khẩu khá “rầu” trong tháng đầu tiên của năm 2018 khi doanh số sụt giảm mạnh, thì xe lắp ráp trong nước có bước khởi đầu như mơ. Theo số liệu từ VAMA, lượng tiêu thụ lắp ráp trong nước chiếm tới 20.586 xe, tăng 3% so với tháng trước.
Sự chênh lệch về lượng tiêu thụ xe lắp ráp trong nước, xe nhập khẩu trong tháng 1.2018
Theo nhân viên bán hàng của một đại lý ô tô Honda tại TP.HCM, mức tăng này đến từ lượng khách hàng quyết định chuyển sang mua xe lắp ráp để có ô tô chơi Tết, sau khi bất lực trong việc chờ đợi xe nhập khẩu.
Nhu cầu gia tăng khiến một số mẫu xe vốn hút khách rơi vào cảnh lắp ráp không kịp để bán. Theo khảo sát của phóng viên Thanh Niên, ngay từ giữa tháng 1.2018, một số đại lý ô tô Honda tại TP.HCM chỉ nhận đơn hàng City với điều kiện khách hàng đồng ý nhận xe sau Tết Nguyên đán. Mazda CX-5 cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trong khi đó, sau khi chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp tại VN, mẫu Mitsubishi Outlander đạt doanh số 153 xe...
Tình trạng “ô tô khan hàng đội giá bán” khiến người tiêu dùng chịu thiệt khi sắm xe hơi
Ở cuộc đua xe bán chạy nhất tháng 1.2018, xe lắp ráp vẫn áp đảo về số lượng so với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Trong đó, Toyota Vios, Mazda3 xác lập kỷ lục doanh số với hơn 2.000 xe được bàn giao đến tay khách hàng. Mazda CX-5 đạt 1.811 xe, KIA Morning đạt 1.515 xe, KIA Cerato đạt 1.183 xe và Honda City đạt 974 xe…
Trong số các thành viên thuộc VAMA, Truờng Hải (THACO) chiếm thị phần lớn nhất với 11.275 xe bán ra trong tháng 1.2018. Trong đó, thương hiệu Mazda với đa số mẫu xe lắp ráp trong nước đạt 5.040 xe, KIA chiếm 3.417 xe. Toyota xếp thứ 2 với 5.131 xe. Các thương hiệu khác như Honda, Ford, Mitsubishi... đều đạt doanh số hơn 1.000 xe.

Tin liên quan

10 ô tô bán chạy nhất Việt Nam tháng 1.2018
Toyota Vios khởi đầu năm 2018 với doanh số bán ra đạt gần 2.500 xe, trong khi Mazda3 cũng có bước chạy đà khá thành công khi xếp ở vị trí thứ 2 trong số 10 mẫu ô tô bán chạy nhất Việt Nam tháng 1.2018.
Sự đối nghịch về lượng tiêu thụ xe lắp ráp và xe nhập khẩu trên thị trường VN được nhiều chuyên gia trong ngành dự báo sẽ còn tiếp diễn trong vào tháng tới. Bởi, ngoài việc hoàn tất các thủ tục giấy tờ, theo Thông tư 03 hướng dẫn thực hiện các nội dung của Nghị định 116, mỗi lô xe nhập về VN phải mất gần 2 tháng để kiểm tra thử nghiệm trước khi được phân phối ra thị trường. Trong khi đó, xe lắp ráp nếu không đáp ứng đủ nguồn cung rất có thể kéo dài tình trạng “ô tô khan hàng đội giá bán” đã từng diễn ra trong thời gian qua, khiến người tiêu dùng chịu thiệt khi sắm xe hơi, trong khi giấc mơ “ô tô giá rẻ” ngày càng xa vời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.