Ra mắt tủ sách Sài Gòn

07/05/2007 23:15 GMT+7

Ngày 5.5, tại Hội Nhà báo TP.HCM, Báo Sài Gòn giải phóng (SGGP) họp báo ra mắt Tủ sách Sài Gòn vào dịp kỷ niệm 32 năm thành lập Báo (5.5.1975 - 5.5.2007). Theo ông Dương Trọng Dật, Tổng biên tập Báo SGGP và bà Việt Hà, Giám đốc Trung tâm sách và xuất bản của Báo SGGP, tủ sách này tập hợp tư liệu từ các bài viết đăng trên Báo SGGP trong hơn 30 năm qua về nhiều lĩnh vực: văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, kiến trúc... để biên soạn làm nhiều tập.

Hai tập đầu tiên vừa in xong và do Báo SGGP kết hợp NXB Văn hóa Sài Gòn thực hiện đã được giới thiệu tại họp báo. Đó là: Trò chuyện với 100 nhà văn Việt Nam và Trò chuyện với 100 ca sĩ, nhạc sĩ Việt Nam, nhiều tác giả... Qua hai tập sách trên, bạn đọc thấy hiện lên những đường nét sống động của chân dung 200 văn nghệ sĩ Việt Nam thuộc nhiều thế hệ, với các quan niệm và kinh nghiệm sáng tác riêng của từng người, kể cả một số "chuyện đời" được chính họ nói ra.

Chẳng hạn, chúng ta sẽ "gặp lại" Văn Cao không những với Tiến quân ca, trường ca Sông Lô, Không quân Việt Nam hào hùng, mà cả những bài hát lãng mạn như Buồn tàn thu, Suối mơ, Thiên thai - và theo Ngô Ngũ Ngọc Long, Cung đàn xưa vốn ẩn hiện một người tình của Văn Cao trong mộng - một người tình quá đỗi xa xôi: Giờ còn mong chi người hát theo đàn. Hoặc Lưu Hữu Phước với Quốc dân hành khúc.

Hoặc Trần Hoàn vẫn còn đó Sơn nữ ca và ước mong đưa tác phẩm của mình "vào lòng dân". Hoặc Nguyễn Văn Thương "vẫn nồng nàn một tình yêu âm nhạc". Trần Kiết Tường là "nhạc sĩ tài năng với cây đàn mandoline". Trịnh Công Sơn với "một cõi riêng thuần khiết cùng cuộc đời". Và Trương Quốc Khánh với Tự nguyện và Niềm tin của mẹ. Từ Huy với tự bạch "thi ca và âm nhạc là cuộc đời tôi". Cũng vậy, những nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu và phê bình văn học, ngôn ngữ học, đã có mặt trong cuộc "trò chuyện" kéo dài hơn 3 thập niên qua trên mặt Báo SGGP, trong số đó có không ít vị đã ra đi về cõi vĩnh hằng như: Huy Cận, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Giản Chi, Trần Bạch Đằng, Thu Bồn, Viễn Phương, Phan Tứ, Bảo Định Giang.

Cuối buổi họp báo, Ban tổ chức đã mở cửa phòng triển lãm trưng bày hơn 100 ký họa chân dung các nhà văn (được in trong sách) do họa sĩ Bùi Quang Ngọc thực hiện. Được biết, các tập tiếp theo sẽ là những nội dung trò chuyện với các nghệ sĩ sân khấu và điện ảnh - với các họa sĩ và điêu khắc gia trong nước - đang được biên soạn để xuất bản kịp thời trong năm nay.

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.