(iHay) 'Uống trà đi' là tên gọi và thông điệp của nhóm những người mê uống trà và có cùng sở thích luyện ấm do anh Lê Uyên Viễn sáng lập. Có dịp ngồi uống trà với anh Viễn, mới có thể hiểu được chuyện uống trà muôn màu muôn vẻ đến thế nào.
Đâu đơn giản là cho trà vào ấm
Có nhiều dòng trà như Thái Nguyên, Ô Long, Long Tỉnh, Mao Phong mà dân gian thường gọi chung là Trà Xanh. Hồng trà thì có Thiết Quan Âm, Đại Hồng Bào… Hồng trà này có quy trình làm lâu hơn trà xanh vì phải lên men 60 - 70%. Có một loại nữa, gọi là Phổ Nhị - đó là lá trà cổ thụ trồng ở Hà Giang (Việt Nam) hoặc ở Vân Nam (Trung Quốc). Dòng trà này càng để lâu, uống càng ngon và tốt cho sức khỏe. Để chừng 7 năm trở lên uống mới ngon, còn 7 năm trở xuống thì phẩm chất bình thường.
“Trà Phổ Nhị giống như đồ cổ. Trong một buổi uống trà, người ta sẽ uống từ loại nhẹ đến loại nặng. Cũng giống như một buổi tiệc phải ăn từ món tráng miệng đến món chính. Trà có ba yếu tố căn bản là sắc, hương và vị. Trà ngon sẽ bền nước, khi uống có vị thơm thoang thoảng trong vòm miệng. Một ký trà có giá vài nghìn đô cũng là bình thường nếu như trà có phẩm chất tốt”, anh Viễn cho biết.
Thông thường nhiều người vẫn có thói quen, lấy tay bốc trà cho vào ấm và trót nước sôi vào rồi uống. Theo anh Uyên Viễn, cách uống trà đó hoàn toàn sai: “Bốc trà bằng tay mất vệ sinh lại không có tính thẩm mỹ. Phải dùng cây khều để lấy trà ra một cái cốc, uống bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu trà.
|
|
Cây khều trà có thể được làm từ trúc hoặc trầm hương. Ví dụ khi uống loại hồng trà Đông phương mỹ nhân, hai người uống khoảng 6 đến 7 gram. Hồng trà ngon nhất khi được pha trong ấm bằng đất tử sa có xuất xứ từ núi Hoàng Long, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Đất ở đó có nhiều khoáng chất, thạch anh, sắt… nên từ hơn một nghìn năm nay được sử dụng để tạo nên trà cụ”.
Sau khi bỏ trà vào ấm, việc đầu tiên là tráng trà và ấm bằng nước sôi. Bởi trong quá trình làm trà đôi khi có bụi, tráng để tẩy chất bẩn. Chia sẻ về cách pha trà, anh Viễn nói: “Trước khi rót trà cho từng người thì phải đổ ra tống để tránh trường hợp người uống đậm người uống nhạt. Dùng đồ lượt trà trước khi rót ra ly để loại bỏ bả trà. Đồ lượt trà có thể được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, inox…. Tôi thì dùng đồ lược trà bằng bạc. Tùy theo từng loại trà mà dùng nước sôi 100 độ hay 80 độ…”.
Luyện trà
Mỗi chiếc ấm là một tác phẩm nghệ thuật. Người làm ấm, người khắc họa, hoặc người viết thư pháp. chứ không phải một người thợ làm từ A đến Z. Mỗi cái ấm pha một loại trà. Một chiếc ấm pha nhiều loại trà khác nhau sẽ làm hư ấm. Bởi mỗi loại trà có hương vị khác nhau, pha chung làm hương trà trở nên tạp. Tùy theo chất đất nào sẽ hợp với màu trà tương thích.
|
|
|
|
Anh Viễn tâm sự anh theo trường phái chơi đồ mới chứ không phải chơi đồ cổ: “Mua ấm để pha trà chứ không phải để trưng bày. Ấm phải pha được trà ngon, kết hợp với hình dáng, chi tiết được trang trí trên ấm trà. Trên ấm trà có nhiều yếu tố kết hợp. Có những ấm tôi mua và sử dụng gần 20 năm”.
Thông thường thì người chơi ấm hay giấu nghề nhưng anh Viễn lại muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình để phát triển trà đạo ở Việt Nam. Anh tiết lộ về hành trình luyện ấm: “Khi mua ấm về phải luộc ấm hay còn gọi là luyện ấm. Đầu tiên lấy 1 xoong nước lạnh cho ấm đó và mang đi đun sôi. Sau đó tắt bếp, để chừng 10 phút rồi lại tiếp tục đun sôi rồi lại tắt bếp. Tiếp tục để chừng 10 phút rồi đảo nước và đun sôi. Theo kinh nghiệm của tôi thì nhìn qua ấm trà, nhận định ấm này hợp với trà nào. Biết ấm này tương thích với trà xanh, tôi trong quá trình luyện ấm tôi sẽ bỏ chừng 50 gram trà xanh vào để đun sôi cùng ấm khoảng chừng 30 phút. Làm như vậy 3 lần như cách luộc ấm cùng nước lọc. Sau đó, để ấm trong xoong như vậy qua đêm, có người kỹ hơn thì để mấy ngày luôn. Luyện ấm cũng phải có duyên, có duyên thì xài ấm một thời gian ấm sẽ lên nước nhìn rất đẹp, pha trà thì hương vị đậm đà hơn. Ấm qua sử dụng giá trị cũng sẽ tăng lên. Ấm này uống 20 năm, biết bao nhiêu là trà đã được pha trong này. Cao trà bám đen bên trong ấm, để kiếm được những chiếc ấm như vậy rất hiếm”.
Người mua ấm mới chơi nên chơi từ ấm rẻ tiền từ 250.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Cũng có những cái ấm giá 500 trăm triệu đồng. Ấm thủ công giá trị cao là chuyện bình thường. Ấm giá trị cao thể hiện qua chất đất và độ khó để tạo ra hình dáng của ấm.
Ấm bằng chất đất tử sa có giá trị tăng theo thời gian. Qua mỗi một năm sẽ tăng thêm 10% so với giá trị ban đầu. Tùy theo chất đất sẽ có âm thanh khác nhau. Cùng một loại trà, pha hai ấm khác nhau, chất đất nào tốt hơn sẽ cho ra nước trà ngon hơn. “Tôi có những cái ấm đã được sử dụng 50 đến 60 năm. Tôi mua ấm uống trà từ năm 1995”, anh Viễn chia sẻ.
Ai thích sự mộc mạc thì chơi ấm trơn. Ai thích thơ thì chơi ấm có đề tài thư pháp. Có những ấm khắc họa nhân vật như Phật tổ hay đề tài sơn thủy, thành quách, làng mạc. Dáng ấm Tây thi nhũ - ấm có hình dáng đẹp như bầu ngực của nàng Tây Thi là dáng ấm được yêu thích tại Trung Quốc và Đài Loan. Hoặc dáng ấm Thủy Bình cũng rất được ưa chuộng bởi rót nước rất đẹp, không bị nhiễu. Ấm này luôn nổi trên nước. Chất liệu để làm ấm cũng rất phong phú, như đất tử sa, đất sét Đài Loan…
|
Để phân biết được chất đất thì phải có kiến thức căn bản về màu sắc của đất. Đất tử sa có nhiều loại, nhưng thường thì có màu đỏ tím, chu sa thì màu đất đỏ, đất có màu vàng là đất đoạn ni. Anh Viễn cho biết thêm: “Tôi là Phật tử nên thích những dòng ấm có để tài Phật Giáo hoặc thư pháp. Ngoài tống, ấm, đồ lược trà, nghệ nhân còn sáng tạo ra những vật dụng để trang trí bàn trà như các con linh vật, búp sen, chú tiểu, hay hình ảnh 12 con giáp”.
Hiện tại hội Uống trà đi gồm hơn 1.700 thành viên. Mỗi tháng họp một lần vào tuần thứ 3 của tháng. Các thành viên sẽ đến giao lưu và uống trà, mỗi lần sẽ uống từ 10 đến 12 loại trà rồi cùng nhau đưa ra những nhận xét phẩm chất trà để làm tư liệu.
Diễm Thư
Ảnh: Hoàng Vũ
>> Trà Mót, mộc mạc hồn phố Hội An
>> Đến hồ Tây xem cách làm trà sen
>> Uống trà xanh để giảm mỡ bụng
>> Thanh tịnh như ấm trà cung đình Huế
Bình luận (0)