(Tin Nóng) Tại Kenya, đất nước rộng lớn ở miền trung đông châu Phi, con dê không chỉ cung cấp sữa, thịt, da, vật liệu trang trí, đồ chơi trẻ em, là tài sản trao đổi trong hôn nhân, xung đột địa phương... mà còn có một công dụng rất chuyên biệt trong cuộc sống của người dân: Dự báo thời tiết!
|
Sau một chuyến đi dài ngày trên khắp các khu vực nóng và bụi bặm, mọi người được một tách trà nóng. Một người đàn ông cao lớn, da ngăm, ngang hông đeo một thanh gươm sắc nhọn túm lấy một con dê. Con vật sau đó được lột da cách cẩn thận, lấy ra bộ ruột trắng trơn và đặt trên một khay lớn.
Người đàn ông nói: “Bạn sẽ thấy cách chúng tôi dùng ruột động vật để dự đoán về hạn hán và những mối bất đồng. Có khi dùng ruột bò, nhưng thường là ruột dê vì chúng tôi ăn thịt dê nhiều hơn”.
Việc quan sát và dự báo thời tiết bằng phương tiện hiện đại đã phổ biến khắp thế giới, nhưng với cộng đồng Borana tại Merti, hạt Isiolo, Kenya thì không. Theo cụ Dabaso Halkano, già làng Gorbesa: “Chúng tôi đã nghe những dự báo thời tiết theo khoa học từ phương tiện truyền thông, nhưng không phải lúc nào cũng chính xác, như dự báo trước đây về El Nino, nhưng không thấy mưa nhiều. Bây giờ lại có một cảnh báo khác, nhưng vẫn chưa có mưa. Tại làng này, chúng tôi dựa vào những hiểu biết rất gần với thực tế của dân địa phương và tin vào điều đó”.
Cụ Dabaso cho biết lời tiên đoán dựa vào ruột dê trước đó cho thấy năm nay không có những trận mưa El Nino: “Theo những người hiểu biết, chúng tôi sẽ có mưa vào tháng 4.2015. Hiện thời, đó là những gì mọi người biết và bất cứ điều gì khác từ các cơ quan khí tượng đều vô nghĩa”.
Một cách tỉ mỉ, cụ Dabaso bày phần ruột trên khay. Những đốm đen quanh mảng ruột trắng trông như một bản đồ. Cụ nói: “Điều này cho thấy chúng ta sẽ bị hạn hán. Các chấm đen tượng trưng cho nhà cửa, vườn tược cùng với đồng cỏ rất ít, có nghĩa là sẽ sớm có một đợt hạn hán”. Phương pháp này cũng được dùng để dự đoán về các cuộc xung đột.
Theo ông Peter Ambenje, phó giám đốc dịch vụ khí tượng Kenya, dù các nhà khoa học đánh giá cao phương pháp truyền thống, nhưng việc dự báo thời tiết theo hiện đại không hề đơn giản. Theo quy trình khoa học, những dữ liệu quan sát khí hậu/thời tiết hiện tại được đưa vào các mô hình toán học. Sau đó, người ta sẽ chạy các mô hình này để đưa ra những dự đoán. Loại mô hình toán học được sử dụng còn phụ thuộc vào quy mô thời gian dự báo. Có những dự báo trong phạm vi ngắn (lên đến 24 giờ trước), tầm trung (đến 5 ngày trước) và dự đoán tầm xa (lên đến 3 tháng trước).
“Trong nhiều trường hợp, các mô hình áp dụng phải được kiểm tra nhằm đảm bảo lịch sử được tái lập. Dữ liệu lịch sử là phần quan trọng trong cả quá trình”, ông Peter Ambenje nói.
Ông Ambeje cho biết thêm, trong các vùng nhiệt đới, dự báo tầm xa được dựa trên mô hình thống kê có liên quan các biến khí hậu, lượng mưa. Điều này đòi hỏi sự quan sát có hệ thống nhằm đảm bảo chuỗi dữ liệu khoa học của cả hai yếu tố dự báo và những biến đổi. Đồng thời, cũng có mô hình được sử dụng để dự đoán kịch bản biến đổi khí hậu trong những năm sắp tới, sử dụng các thông số đã được xác lập từ tác động của thời tiết và các kịch bản khác nhau thế nào còn tùy vào việc chọn lựa mô hình của các chuyên gia dự báo. Nhiều mô hình sẽ được thực hiện và kết quả đầu ra được so sánh để tìm những điểm tương đồng gần nhau nhất.
|
Theo một truyền thống khác, cô Amina Kambicha vùng Merti thuật lại cách các phụ nữ sử dụng dây thừng để dự đoán hạn hán và những vật nuôi bị mất trong cộng đồng. Cô đưa ra một sợi dây thắt nút màu nâu và nói: “Bất cứ khi nào bị mất trộm gia súc, chúng tôi tung sợi dây trong tay và hát một lời nguyện. Khi nó rơi theo một hướng nhất định, cho biết hướng gia súc bị kẻ cắp mang đi, là không bao giờ sai. Chúng tôi nhận được kết quả chính xác”.
Ông Ambenje cũng đồng ý cho rằng tri thức bản địa rất quan trọng trong vấn đề biến đổi khí hậu, sự am hiểu sâu rộng về diễn biến khí hậu và những thay đổi diễn ra khá trùng khớp. Các chiến lược thích ứng được áp dụng trong trường hợp xuất hiện sự kiện khí hậu cực đoan như hạn hán và lũ lụt. Sự am hiểu này nếu hòa hợp với khoa học, sẽ có kết quả tốt nhất nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kiến thức bản địa của những người chăn cừu nơi Dabaso và Amina cư ngụ đã giúp họ dự đoán những tai họa của thời tiết. Khu vực sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thay đổi khí hậu khắc nghiệt gây tàn phá nặng nề. Theo cụ Dabaso, những hiểu biết này giúp họ chuẩn bị và đưa ra các biện pháp thích hợp.
P. Nguyễn Dũng
(tổng hợp)
>> Thăm quê hương dê lông cừu
>> Mừng Tết Ất Mùi với vang... con dê
>> Săn bắn và nuôi dê hoang ở Úc
>> Thời huy hoàng của dê ở Mỹ
>> Khi con dê trở thành ‘đồng tiền’ chính ở Kenya
>> Năm dê nói chuyện dê: Vang danh dê núi Ninh Bình
Bình luận (0)