Xem và hành động!

27/10/2009 14:18 GMT+7

Một video clip lạ đang lan truyền rất nhanh trên internet, chuyển tải thông điệp: Một Hà Nội đang bị chính chúng ta hủy hoại mỗi ngày bởi những điều tưởng như nhỏ nhặt.

Chúng tôi nhận video clip này kèm theo lời nhắn của một người bạn: “Xem đi, rùng mình đi và hành động đi”... Quả thật, một đoạn phim ngắn của nhóm bạn trẻ có tên gọi Hà Nội xanh (địa chỉ blog là hanoigreen.wordpress.com) như xoáy vào lòng người vì một điều hết sức buồn: Chúng ta có quá vô tình trước môi trường sống xung quanh đang bị tàn phá? Chúng ta có quá vô cảm khi đang phá hủy môi trường sống của những thế hệ sau?...

Hãy ngừng ca ngợi

 
Nhóm bạn trẻ, hiện có 356 thành viên tham gia, đã bắt đầu giấc mơ lớn bằng cách gửi cho mọi người một bức thư chứa nhiều thông điệp cuộc sống: “Bạn là một người yêu Hà Nội, tôi cũng yêu Hà Nội. Nhưng không khí và nguồn nước ở Hà Nội của chúng ta ngày một ô nhiễm, nơi nơi ngập rác thải, diện tích cây xanh vốn ít ỏi ngày càng bị thu hẹp, kiến trúc hổ lốn không có đặc trưng, một số người (sống ở) Hà Nội ngày càng ý thức kém, thiếu văn minh... Những điều đó làm buồn lòng những người yêu Hà Nội như bạn, như tôi. Hãy chung tay xây dựng lại Hà Nội cho xứng đáng là thủ đô của một đất nước văn minh! Trong khi chúng ta cùng nhau thảo luận những dự án cộng đồng giúp cải thiện môi trường Hà Nội, mỗi người vẫn có thể làm những việc trước mắt: Chụp các bức ảnh dẫn chứng những tật xấu về môi trường, tự ý thức và nhắc nhở người khác giữ gìn môi trường cho Hà Nội, cư xử văn minh; Xây dựng các nhóm vận động môi trường ở các khu dân cư...”.

Đọc hết những trang blog, xem kỹ từng ý kiến phản hồi, sẽ thấy những người trẻ này kể câu chuyện “Tôi yêu thành phố của tôi” một cách rất khác. Họ bảo nhau: “Hãy ngừng ca ngợi, hãy hành động để Hà Nội thực sự đẹp và thực sự sạch!”. Và cứ như thế, mỗi ngày, các thành viên lại làm một việc tốt, kể một gương sáng. Những viên sỏi nhỏ này kỳ vọng sẽ làm nên con đường để Hà Nội xanh hơn...

Tắt bớt một bóng đèn

Chương trình “Tôi yêu thành phố của tôi” do Báo Thanh Niên phối hợp với Công ty sơn AkzoNobel Việt Nam thực hiện.

“Ý tưởng xanh” của bạn là gì? Câu hỏi được gửi đi trên mạng một cách ngẫu nhiên. Trong rất nhiều phản hồi được gửi về, người viết phát hiện ra một điều thú vị: “Ý tưởng xanh” cũng đồng nghĩa với ý tưởng trẻ trung, năng động. Bạn Nguyễn Hà Anh - sinh viên năm nhất trường ĐH Sư phạm TP.HCM nói: “Tôi chép vào sổ tay một câu nói của Pen Hadow - người đứng đầu nhóm nghiên cứu đo độ dày của băng tại Bắc cực, một trong những thanh niên được Tạp chí Time bình chọn là anh hùng môi trường: Tắt một chiếc đèn không cần thiết sẽ không tạo ra sự khác biệt. Nhưng làm vậy cả đời thì sẽ có một chút ý nghĩa. Và nếu tất cả mọi người cùng làm một điều gì đó thì chúng ta sẽ đi đúng hướng. Tôi xem đó là nguyên tắc sống của mình. Không chỉ tắt bớt một cái đèn, mà còn có thể dùng ít nước hơn, trồng thêm cây xanh, và nhất là hạn chế tối đa sử dụng túi nylon...”.

Một phản hồi khác của du học sinh từ Úc Trần Minh Kiên: “Tôi không có sáng kiến gì, vì thấy rằng chỉ cần thực hiện lại những sáng kiến của các bạn khác là đã đủ”. Kiên gửi kèm một loạt thông tin thú vị về những ý tưởng xanh, từ hành động đạp xe quanh Hà Nội để nhặt rác và cổ động thanh niên hành động vì cộng đồng PYNet cho đến những cuộc thi ngộ nghĩnh “Xe đạp yêu” hay “Ngày không khói xe của tôi”...

Không khó để tìm thấy rất nhiều những ý tưởng xanh tham gia góp sức mình cho thành phố đẹp thêm, chẳng hạn tình nguyện viên Kiều Linh - vốn rất quen thuộc với các phong trào môi trường - đang thực hiện kế hoạch sưu tầm, dịch và biên soạn các câu hỏi trắc nghiệm lý thú về môi trường và biến đổi khí hậu với mục đích tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho người dân. Hay như Nguyễn Hồ, nghiên cứu sinh Việt Nam tại Đức, lẳng lặng tìm giải pháp để các siêu thị Việt Nam thôi không dùng bao xốp một cách bừa bãi nữa...

Ý tưởng xanh

Thay gạch con sâu bằng gạch ca rô

Tôi đề nghị thay toàn bộ gạch con sâu ở vỉa hè trên đường phố, phá bỏ các lớp bê tông để thay vào đó bằng gạch ca rô. Trong những ô ca rô thì trồng toàn bộ thảm cỏ non. Để lý giải cho ý tưởng này, chúng ta hãy thử hình dung như sau:

Là thành phố cận nhiệt đới, vào mùa nắng, bê tông hóa làm tăng cường độ bức xạ nhiệt, thành phố nóng nực hơn và cư dân dùng nhiều năng lượng hơn cho các máy điều hòa để giảm nhiệt.

 

Nên lát bằng gạch ca rô và trồng thảm cỏ non trên vỉa hè

Chúng ta đều biết rằng: thành phố không còn đất để phát triển cây xanh và đang lún dần vì cường độ xây dựng, và cạn dần mực nước ngầm. Mưa nhẹ là ngập vì không có thẩm thấu tự nhiên, nắng gắt là nóng nực vì bức xạ nhiệt của bê tông hóa và gió mát lại đem bụi vào phổi vì trên đường phố không có giá thể cho bụi bám vào.

Theo tôi, lát gạch ca rô trên vỉa hè sẽ là giải pháp tối ưu. Vì nó tạo được mặt bằng thẩm thấu tự nhiên bổ sung cho mạch nước ngầm và giảm ngập khi mưa. Trong mỗi ô ca rô là mảng cỏ xanh sẽ giúp quang hợp khí CO, CO2 mà xe cộ thải ra và tăng cường oxy cho thành phố, cũng chính thảm cỏ giúp giảm bức xạ nhiệt, đồng thời ô ca rô cũng là giá thể để bụi trên đường phố bám vào và bụi có thể là phân bón tự nhiên cho cỏ non trên hè phố.

Biết đâu, chính vỉa hè ca rô cùng với thảm cỏ non sẽ làm nên một nét đặc trưng của thành phố.

Nguyễn Văn Nhuận (Công ty TNHH đo đạc Phong Huy)

Làm những thùng rác đẹp

TP.HCM đang trong tình trạng báo động về môi trường, nào là khói xe, bụi bẩn, tiếng ồn, rác thải... Theo tôi, hãy làm những thùng rác công cộng trên tất cả các con đường. Thùng rác phải có hình dáng đẹp như một vật trang trí cho con đường chứ không phải là một cái thùng đơn điệu, dơ bẩn. Cứ cách 100 hay 200m thì đặt một thùng rác. Cho tư nhân xây thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng với thiết kế lạ và sạch đẹp ở những nơi đông người. Nên có thêm thật nhiều con đường trồng hoa, cây xanh như góc đường Bà Huyện Thanh Quan, Sư Thiện Chiếu, Q.3... Hãy xử phạt nghiêm và nặng đối với các hành vi xả rác không đúng chỗ.

Lê Viết Quân

Trồng hoa trên mặt nước

Ở từng địa phương, rác tự hủy cần được xử lý ngay. Như mỗi phường/xã cần có một khu đất hoang để chứa rác tự hủy. Sau thời gian nhất định, đất đó có thể phát triển trong nông nghiệp. Tại sao Nhà nước không áp dụng cách trồng hoa loa kèn, thủy trúc, dong riềng trên mặt nước làm sạch nước hồ. Nhóm sinh viên thuộc trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã có ý tưởng làm sạch nước bằng hoa được thử nghiệm trên hồ B52 tại phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội và mang lại kết quả cao.

Healthy 914

Mỗi nhà trồng một cây xanh

Hiện nay phong trào trồng cây ở các thành phố, nhất là ở trường học cũng rất hiếm hoi, nhỏ lẻ và thường theo nguyên tắc “trồng xong rồi bỏ đấy”. Thành thử, cây cối ven đường thường còi cọc, tàn tạ. Điều này không giống với phong trào trồng cây trước đây, rằng người trồng còn phải có trách nhiệm bảo vệ, nuôi dưỡng cây xanh đến khi trưởng thành. Có lẽ vì thế, đường phố Hà Nội ngày nay mới có những hàng cây cổ thụ xanh rì, tỏa bóng mát.

Thiết nghĩ, trong cơn lốc đô thị hóa, việc trồng và bảo vệ cây xanh là một tất yếu khách quan trong việc điều hòa bầu không khí thủ đô. Cây xanh là lá phổi của thành phố. Vì thế, người Hà Nội và các ban ngành ở Hà Nội nên có những phong trào trồng cây thiết thực. Thí dụ như mỗi hộ gia đình nên trồng một cây xanh, mỗi tuyến đường, tuyến phố nên trồng nhiều cây xanh... Đi đôi với việc trồng cây thì phải ngăn chặn, lên án những hành vi bức tử cây xanh. Như vậy, Hà Nội sẽ tiếp tục xứng đáng là một thành phố xanh - sạch - đẹp.

Tiến Thành

Nguyên Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.