Xem xét phê chuẩn Nghị định thư Việt Nam gia nhập WTO

26/11/2006 07:37 GMT+7

Theo dự kiến ngày 27 và 28/11, Quốc hội sẽ xem xét Tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị phê chuẩn Nghị định thư Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đảng ta chủ trương: “Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế sâu hơn, đầy đủ hơn với khu vực và thế giới”. Sau khi gia nhập ASEAN, APEC, ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) và các hiệp định thương mại song phương và đa phương khác, Việt Nam đã là nước có vai trò tích cực trên diễn đàn ở khu vực và có những sáng kiến được các thành viên đánh giá cao. Đặc biệt, những hoạt động của lãnh đạo cấp cao gần đây như: Hội nghị cấp cao Không liên kết, Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị Diễn đàn Nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương, Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện ASEAN, Hội nghị cấp cao Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp… và đặc biệt là nước ta vừa tổ chức thành công Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 14. Điều đó khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo một dấu ấn Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh sâu đậm về một Việt Nam năng động, cởi mở, mến khách và ổn định về chính trị.

Tháng 11 năm nay thật đẹp với những niềm vui liên tiếp đến với đất nước Việt Nam: ngày 7/11/2006 Việt Nam được kết nạp làm thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kết thúc hơn 11 năm dài đàm phán; rồi tuần lễ APEC sôi động với các cuộc gặp song phương giữa các nền kinh tế thành viên APEC cùng việc 5 vị lãnh đạo cấp cao: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Chile thăm chính thức nước ta, tạo ra thế và lực mới với các đối tác quan trọng hàng đầu ở Châu Á-Thái Bình Dương. Gia nhập WTO là mốc quan trọng để Việt Nam thúc đẩy các lộ trình hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực cũng như toàn cầu, thúc đẩy quá trình điều chỉnh cơ cấu, cơ chế kinh tế, năng lực cạnh tranh, các thể chế kinh tế theo hướng hình thành đồng bộ nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Trở thành thành viên của WTO cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam tạo cho mình một thế và lực mới trong sự cạnh tranh và thương lượng quốc tế. Sự tự tin và sức mạnh sẽ được gia tăng sau khi trở thành thành viên chính thức của WTO với sự bình đẳng như một nguyên tắc trong việc quan hệ song phương với các nước lớn và các nước phát triển, hướng tới một thể chế thương mại công bằng, công khai, minh bạch. Gia nhập WTO, nền kinh tế nước ta sẽ thuận lợi hơn khi tiếp cận toàn diện vào các nền kinh tế thành viên; vốn, công nghệ, kỹ thuật… sẽ theo các kênh di chuyển thương mại, tài chính, đầu tư thâm nhập mạnh vào thị trường nước ta để phát huy hợp lý lợi thế, tạo ra nguồn lực mới.

Tư cách thành viên WTO còn cải thiện quan hệ của Việt Nam với chính phủ các nước thành viên. Các cuộc đàm phán song phương cũng như đa phương của Việt Nam với các nước trở nên thuận lợi hơn, khi các thiết chế thương mại được hình thành và hoạt động theo các luật chơi chung đã quy định thống nhất trong WTO. Do đó, bên canh thách thức đặt ra như phải nâng cao khả năng cạnh tranh, chúng ta coi đây là một dấu mốc quan trọng để Việt Nam bước vào giai đoạn mới.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.