Xét tuyển vào các trường đại học: Thí sinh dưới 20 điểm phải cạnh tranh rất lớn

Quý Hiên
Quý Hiên
19/07/2018 06:49 GMT+7

Theo cán bộ phụ trách mảng đào tạo của các trường ĐH, mức điểm 14 của năm nay có nguồn tuyển tương đương với mức sàn (15,5) của năm ngoái. Nhưng từ mốc điểm 20 trở lên giữa 2 năm có sự khác biệt rất rõ nên thí sinh trên 14, dưới 20 điểm sẽ phải cạnh tranh nhau rất nhiều.

18 - 20 điểm khó vào ngành tốt khối trường kinh tế
PGS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết điểm sàn mà trường công bố tương đương mức năm ngoái (18). Tuy nhiên, điểm chuẩn vào trường thì chắc chắn không thể cao như năm 2017. Năm ngoái, điểm chuẩn của trường là từ 23 trở lên (ngành cao nhất điểm chuẩn là 27). Năm nay nếu có thấp cũng chỉ xuống đến 20 điểm là cùng. “Cũng có thể có ngành điểm chuẩn lên đến 25, nhưng rất ít. Thường đó là những ngành “đỉnh” mà lại ít chỉ tiêu như kinh doanh quốc tế, kinh tế quốc tế, hoặc ngành mới nổi như marketing”, PGS Triệu nói.
Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Đào tạo - Học viện Tài chính, nhận định căn cứ vào phổ điểm mà Bộ GD-ĐT công bố, năm nay những trường tốp trên sẽ giảm điểm chuẩn từ 1 - 3. Tuy nhiên, do phổ điểm tập trung vào đoạn giữa nên những thí sinh (TS) có nguyện vọng đăng ký vào các trường tốp giữa lưu ý là điểm chuẩn các trường này sẽ giảm không đáng kể. “Với ngưỡng điểm 14 - 17 mà lại chỉ muốn học ngành kinh tế thì nên rải nguyện vọng ra nhiều trường chứ không nên chọn nhiều ngành của một trường mà mình thích, vì rủi ro rất cao”, ông Tùng nói, và phân tích thêm: “Với mức điểm đó, TS không nhất thiết phải quan tâm trường công hay trường tư, tốp giữa hay tốp dưới, cứ trường nào có ngành mình thích thì chọn. Theo cách này, TS mới có nhiều khả năng trúng tuyển”. Tiến sĩ Tùng cũng khuyên, TS nên tham khảo điểm chuẩn vào các trường khi còn có kỳ thi 3 chung mới có cơ sở đáng tin cậy.
Theo PGS Lê Thị Thu Thủy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, năm nay nếu TS có mức điểm bình quân từ 7,5 đến 8,5/môn thì cơ hội trúng tuyển vào trường ngoại thương rất cao. Tuy nhiên, với những ngành ngôn ngữ (điểm ngôn ngữ nhân đôi) thì lợi thế thuộc về TS có điểm cao môn tiếng Anh.
14 - 15 điểm vẫn có cơ hội học trường công lập
Với ngưỡng điểm 14 - 17 mà lại chỉ muốn học ngành kinh tế thì nên rải nguyện vọng ra nhiều trường chứ không nên chọn nhiều ngành của một trường mà mình thích, vì rủi ro rất cao
Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Đào tạo - Học viện Tài chính
Theo PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay số TS đạt mốc điểm cao ít hơn hẳn so với năm ngoái, vì thế điểm chuẩn vào trường chắc chắn sẽ thấp. “Theo phân tích, lượng TS đạt được từ 22 điểm trở lên giảm rất mạnh, toàn miền Bắc tổ hợp A0 chỉ có khoảng 9.000 TS đạt được. Nhưng Bách khoa vẫn giữ mức sàn 20 và 21,5; chỉ mấy ngành liên kết quốc tế là xuống 18”, ông Tớp cho biết.
Còn theo PGS Nguyễn Hoàng Long, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, nguồn tuyển từ những TS đạt mức 14 điểm trở lên năm nay tương đương nguồn tuyển từ 15,5 năm ngoái.
Với các khối A, A1, từ ngưỡng điểm 14 - 20 có thể phân thành 3 phân khúc: 14 - 16; 16 - 18; 18 - 20. Từ 18 - 20 điểm, chắc chắn TS sẽ có nhiều khả năng trúng tuyển các ngành hấp dẫn của các trường khối ngành kỹ thuật tốp giữa như: Giao thông vận tải, Công nghệ giao thông vận tải, Xây dựng, Thủy lợi… Phân khúc 16 - 18 có nguồn tuyển khá dồi dào và đây là điều kiện tốt cho các ngành nghề ít hấp dẫn hơn của các trường tốp giữa. Ngay cả nhóm từ 14 - 16 điểm cũng sẽ có khả năng tiếp cận được một số ít ngành của các trường này.
PGS Hoàng Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội, cho biết điểm sàn vào trường năm nay tùy theo tổ hợp môn thi. Trong khi khối A chỉ là 15 điểm thì khối D là 16 và khối C là 17. “Phổ điểm giữa khối C và khối D chênh nhau rất nhiều, nên TS khối D thiệt thòi nếu điểm sàn và điểm chuẩn xét tương đương nhau”, PGS Tuấn giải thích.
Đưa điểm sàn quá thấp có thể bị ngừng tuyển sinh
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, đối với một số trường đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào quá thấp, Bộ đã trao đổi lại và những trường này đã nâng mức điểm sàn lên. Tuy nhiên, nếu sau 19.7, những trường này vẫn tiếp tục đưa ra mức điểm sàn thấp để chiêu sinh thì Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra, thanh tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường, nếu thấy không đảm bảo sẽ yêu cầu giảm chỉ tiêu, thậm chí ngừng tuyển sinh.
“Đề thi năm nay có tính phân loại cao hơn, điểm ưu tiên khu vực ảnh hưởng tới 83% TS hưởng điểm này đã giảm xuống phân nửa. Cho nên điểm đầu vào năm nay chắc chắn thấp hơn so với năm ngoái”, bà Phụng chia sẻ.

Điểm sàn khối trường quân đội từ 15
Ban Tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng vừa đưa ra thông báo về mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ quân sự năm 2018 của 18 đơn vị thuộc Bộ.
Đơn vị có ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển cao nhất là Học viện Kỹ thuật quân sự (khối A và A1): 22 điểm với nữ miền Bắc, 20 điểm với nam miền Bắc. TS miền Nam thấp hơn 1 điểm. Điểm sàn của Học viện Quân y là 20. Học viện Khoa học quân sự: Các khối A và A1 là 17; các khối D1, D2, D4 nam là 17, nữ là 21.
Còn các trường sĩ quan, mức sàn từ 15 đến 17.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch công bố điểm sàn xét tuyển. Trong đó 3 ngành nhận hồ sơ từ 18 điểm trở lên gồm: y khoa, răng-hàm-mặt và dược học. Các ngành còn lại từ 16 điểm.
Điểm sàn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM từ 16 -19. Những ngành nhận hồ sơ từ mức 19 điểm đều là ngành “nóng” như: ngôn ngữ Anh, quan hệ quốc tế, Hàn Quốc học, báo chí… Ngược lại có những ngành chỉ xét từ 16 điểm như: giáo dục học, ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Tây Ban Nha, ngôn ngữ Italia, triết học, lịch sử...
Quý Hiên - Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.