Xét xử ‘bầu’ Kiên: Đề nghị xem xét trách nhiệm các cá nhân trong Ngân hàng Nhà nước

28/05/2014 12:42 GMT+7

(TNO) Sáng ngày 28.5, trong phần tranh luận của mình, luật sư Hoàng Đôn Hùng đề nghị HĐXX khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” để xem xét trách nhiệm từng cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước vì ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn chậm.

>> Luật sư bào chữa cho ‘bầu’ Kiên: Cơ quan điều tra đã hình sự hóa hợp đồng dân sự
>> Xét xử ‘bầu’ Kiên: Thẩm vấn đại diện Vietinbank
>> Xét xử vụ ‘bầu’ Kiên: Nguyên tổng giám đốc ACB đổ trách nhiệm cho kế toán trưởng
>> Người đàn bà quyền lực của ‘bầu’ Kiên đứng trước Tòa

Luật sư Hoàng Đôn Hùng thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, là một trong bốn luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên. Sáng nay luật sư Hùng đứng trước tòa bào chữa cho Nguyễn Đức Kiên về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Kinh doanh trái phép”.

Xét xử ‘bầu’ Kiên: Đề nghị xem xét trách nhiệm các cá nhân trong Ngân hàng Nhà nước
Luật sư Hoàng Đôn Hùng - Ảnh: Hà An 

Mở đầu phần tranh luận của mình, luật sư Hùng đã đưa ra hàng loạt văn bản. Theo luật sư Hùng đây chính là chứng cứ để bào chữa cho hành vi “Kinh doanh trái phép”. Đó là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn có đầu tư góp vốn vào các ngân hàng khác, như: PNJ là cổ đông của Ngân hàng Đông Á, SJC là cổ đông Ngân hàng Eximbank…

Tiếp đó, luật sư Hùng tóm tắt nội dung cuộc họp HĐQT của ACB vào ngày 2.11.2009 về chủ trương thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đã họp và thống nhất cấp hạn mức 700 tỉ đồng đầu tư chứng khoán. Theo luật sư Hùng, chủ trương trên thuộc phạm vi của Ngân hàng ACB để thực hiện mục tiêu kinh doanh, phù hợp với lợi ích cổ đông.

Luật sư Hoàng Đôn Hùng còn xuất trình các giấy đăng ký kinh doanh của 5 công ty do bị cáo Kiên là người đại diện trước pháp luật.

Tranh luận về mối quan hệ giữa các ngân hàng, như ACB và KienLongbank, ACB và VietBank, luật sư Hùng nêu quan điểm đây đều là mối quan hệ liên ngân hàng bình thường. Còn mối quan hệ mua bán trái phiếu giữa KienLongbank, VietBank, ACB, ACBI và ACI Hà Nội cũng là việc đầu tư bình thường của các tổ chức. Việc ACB xem xét hỗ trợ vốn cho các ngân hàng này mua trái phiếu cũng chỉ là hoạt động hỗ trợ vốn bình thường. Và nếu không có nguồn vốn này thì VietBank cũng vẫn có thể dùng nguồn khác để mua.

Về kết luận của đại diện Viện Kiểm sát: thời điểm thống nhất chủ trương uỷ thác gửi tiền là trái với đối tượng uỷ thác. Luật sư Hùng đã tranh luận và đưa ra quan điểm, kết luận này trái với kết luận của Ngân hàng Nhà nước. Việc uỷ thác gửi tiền của Ngân hàng ACB không vi phạm Điều 106 Luật Tổ chức Tín dụng 2010. Trên thực tế thời điểm đó chưa có văn bản nào định nghĩa sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng trong phần tranh luận, luật sư Hùng còn cho biết, việc gọi tên vụ án xử Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm là “đại án tham những” là không đúng.

“Việc cơ quan tố tụng xác định vụ án này là “đại án tham nhũng” là không đúng bản chất vụ việc. Trong vụ án không hề có hành vi tham nhũng. Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân. Bị cáo Kiên và các đồng phạm không hề trục lợi cá nhân”, luật sư Hùng nêu quan điểm trước tòa.

Kết thúc phần tranh luận của mình, luật sư Hoàng Đôn Hùng đề nghị Hội đồng xét xử khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” để xem xét trách nhiệm từng cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước vì ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn chậm.

Hà An – Hoàng Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.