Xét xử đại án Gang thép Thái Nguyên: Luật sư đề nghị đổi tội danh cho một số bị cáo

Lê Quân
Lê Quân
17/04/2021 05:40 GMT+7

Tại phiên xét xử đại án Gang thép Thái Nguyên, một số luật sư cho rằng các bị cáo không cố ý thực hiện hành vi sai phạm, đồng thời đề nghị HĐXX xem xét đổi tội danh.

Sáng 16.4, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm 19 bị cáo trong vụ thất thoát 830 tỉ đồng ngân sách tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên.

Cựu Chủ tịch HĐQT VNS than án “hơi nặng”

Nêu quan điểm bào chữa chung cho các bị cáo, một số luật sư cho rằng các bị cáo không cố ý thực hiện hành vi sai phạm, đồng thời đề nghị HĐXX đánh giá hành vi phạm tội và xem xét đổi tội danh đối với các bị cáo từ tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" sang tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Cụ thể, với trường hợp bị cáo Mai Văn Tinh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty thép Việt Nam (VNS), tại bản luận tội VKS đã đề nghị tuyên phạt bị cáo này mức án 6 - 7 năm tù do gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước. Bản luận tội thể hiện, VNS là cấp quyết định đầu tư, còn Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (TISCO) là chủ đầu tư dự án. Khi nhà thầu Tập đoàn khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm thỏa thuận, bị cáo Mai Văn Tinh cùng với Trần Trọng Mừng (cựu Tổng giám đốc TISCO, bị đề nghị mức án 10 - 11 năm tù) đã không xem xét, chỉ đạo dừng, chấm dứt hợp đồng để thu hồi tiền tạm ứng và báo cáo việc hủy đấu thầu. 2 bị cáo này bị quy kết đã thực hiện đàm phán với MCC trái quy định pháp luật về đầu tư, vi phạm hợp đồng EPC, khiến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh lãi vay và tăng chi phí đầu tư, gây thất thoát hơn 830 tỉ đồng. Với vai trò Chủ tịch HĐQT VNS, bị cáo Tinh được xác định là đồng phạm tích cực.
Đối đáp với quan điểm luận tội của VKS, bị cáo Tinh thừa nhận một phần trách nhiệm trong việc khiến TISCO gây ra hậu quả thiệt hại tài sản của nhà nước. Tuy nhiên, bị cáo này cho rằng mức án đại diện VKS đề nghị 6 - 7 năm tù dành cho mình là “hơi nặng”.
Theo bị cáo Tinh, ở thời điểm hợp đồng EPC được ký với Tập đoàn MCC, bị cáo đã cùng các bị cáo khác và nhiều cán bộ, nhân viên VNS và TISCO mong muốn tìm ra các giải pháp để dự án đạt hiệu quả cao, hoàn thành tiến độ. Phương án đưa ra được xin ý kiến cấp trên phê duyệt. Sau đó, giao phương án phê duyệt cho Tổng giám đốc TISCO thực hiện nên bản thân chỉ phải chịu trách nhiệm liên đới.
Bào chữa cho bị cáo Tinh, luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, khẳng định chủ thể tham gia trực tiếp dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 là TISCO và Tập đoàn MCC theo hình thức hợp đồng EPC. Khi hợp đồng bị gián đoạn thì trách nhiệm thuộc 2 đơn vị này.
Về cáo buộc của VKS là bị cáo Tinh chỉ đạo đàm phán với MCC dù biết nhà thầu vi phạm hợp đồng EPC, luật sư Trương Anh Tú viện dẫn một số văn bản chỉ đạo của VNS, trong đó có văn bản nêu: “HĐQT VNS chỉ đạo thành lập đoàn đàm phán để xem xét một số phát sinh về giá vật liệu xây dựng”, và cho rằng thân chủ của mình nhận chỉ đạo từ cấp trên, chứ không tự quyết định.

Đề nghị thay đổi tội danh

Về quy kết cho rằng bị cáo Tinh chấp thuận cho Tổng công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON, thuộc Bộ Công thương) làm nhà thầu phụ, luật sư Trương Anh Tú tiếp tục viện dẫn Văn bản số 4320 của Bộ Công thương, trong đó có nội dung: “Bộ giới thiệu VINAINCON và khẳng định đây là doanh nghiệp thuộc Bộ, có năng lực và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công xây lắp”. Theo luật sư Tú, từ cơ sở này, HĐQT VNS mới có văn bản đồng ý chủ trương chấp nhận nhà thầu phụ. Nhắc lại trong kết luận về dự án, Thanh tra Chính phủ đã xác định việc Bộ Công thương giới thiệu và đề nghị VNS, TISCO chấp thuận cho VINAINCON làm thầu phụ là không đúng thẩm quyền, luật sư Tú đề nghị HĐXX xem xét việc chuyển tội danh truy tố bị cáo Tinh từ “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” sang “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Khi luận tội bị cáo Đặng Thúc Kháng, cựu Trưởng ban Kiểm soát VNS, đại diện VKS xác định bị cáo Kháng có vai trò là người thực hành, đã cho ý kiến nhất trí, ký kiểm soát một số văn bản, tờ trình của VNS để Chủ tịch HĐQT VNS ký đề nghị Chính phủ chấp thuận chọn VINAINCON làm nhà thầu phụ được thực hiện phần C dưới hình thức hợp đồng theo đơn giá, điều chỉnh chi phí phần C. Tuy nhiên, bào chữa cho bị cáo Đặng Thúc Kháng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Đoàn luật sư Hà Nội, cho rằng các bị cáo không có dấu hiệu đồng phạm trong vụ án này, vì các bị cáo chỉ quyết tâm thực hiện dự án theo chủ trương của cấp trên.

Nguyên nhân không phải do việc lựa chọn VINAINCON?

Tương tự, bào chữa cho bị cáo Đậu Văn Hùng, cựu thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VNS, luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn luật sư Hà Nội, cũng nêu quan điểm: bị cáo Hùng và các bị cáo trong vụ án không vi phạm pháp luật trong việc ký các văn bản đề nghị được tăng chi phí phần C của Hợp đồng EPC số 01. Bởi các điều kiện để được điều chỉnh giá trị của hợp đồng này là những thay đổi về chính sách tiền lương của nhà nước, giá nguyên vật liệu và tỷ giá hối đoái có biến động lớn.
Theo luật sư này, thời điểm bị cáo Hùng ký các tờ trình xin điều chỉnh chi phí phần C thì tiền lương tăng 20% so với năm 2007, giá nhiều loại vật tư trên thị trường thế giới tăng đột biến và tỷ giá USD tăng hơn 5%. Việc xin điều chỉnh chi phí đã được TISCO và VNS xin ý kiến, các bộ, ngành đã đề xuất và Chính phủ đã đồng ý.
Đồng thời, khi phân tích về năng lực của thầu phụ VINAINCON, luật sư Thu đánh giá, nhà thầu này đã được chủ đầu tư, tổng thầu MCC thẩm định đủ năng lực để thực hiện phần C của hợp đồng EPC. Do vậy, nguyên nhân khiến dự án bị dừng thực hiện, chậm tiến độ, gây thiệt hại lớn không phải do việc lựa chọn VINAINCON từ phía chủ đầu tư TISCO. Từ lập luận trên, luật sư Thu đề nghị HĐXX xem xét thay đổi tội danh đối với bị cáo Hùng từ “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” sang tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 

Xét xử đại án thất thoát hơn 830 tỉ ở Gang thép Thái Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.