Xét xử đại án Huyền Như: Tiền còn trong tài khoản, Vietinbank có trả lại?

22/01/2014 14:05 GMT+7

(TNO) Sáng 22.1, các ý kiến tranh luận vẫn tiếp tục xoay quanh vấn đề trách nhiệm của Vietinbank và thiệt hại trong vụ án này thuộc về ai?

(TNO) Sáng 22.1, xét xử đại án Huỳnh Thị Huỳnh Như, đại diện Viện KSND TP.HCM, thừa ủy quyền của Viện KSND Tối cao giữ quyền công tố tại tòa, đã tranh luận lần 3 với quan điểm của tất cả các luật sư. Đồng thời, các luật sư đã tiến hành tranh luận lần 3 với quan điểm buộc tội của VKS.

>> Xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Viện KSND cho rằng Vietinbank không phải bồi thường
>> Xét xử đại án Huyền Như: Căng thẳng quanh trách nhiệm của Vietinbank
>> Xét xử 'đại án' Huyền Như: Quy tội Huyền Như để 'giải thoát' Vietinbank?


Bị cáo Huyền Như (đi sau, áo trắng, đeo kính) sau phiên xử sáng 22.1

Các ý kiến tranh luận vẫn tiếp tục xoay quanh vấn đề trách nhiệm của Vietinbank trong vụ án và thiệt hại trong vụ án này thuộc về ai.

"Đã chiếm đoạt" nhưng... tiền vẫn còn

Theo cáo trạng, từ 8.10.2010 đến 27.9.2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã huy động của Ngân hàng Á châu (ACB) 718,9 tỉ đồng (do 19 nhân viên của ACB đứng tên trên hợp đồng). Sau đó, Như chuyển số tiền từ trong tài khoản của 17 người sang thẻ tiết kiệm làm tài sản đảm bảo cho hợp đồng vay tài sản. Như giả chữ ký của 17 người này, làm hồ sơ giả, thế chấp lại cho Ngân hàng cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) vay hơn 500 tỉ đồng và làm giả lệnh chi rút hơn 81 tỉ đồng. Ngoài ra, Như giả mạo 2 nhân viên khác mở tài khoản nhận 50 tỉ rồi làm giả lệnh chi chuyển khoản số tiền này đi. Từ đó, cáo trạng kết luận Như chiếm đoạt 718,9 tỉ đồng của ACB.

Trong phần tranh luận ngày 21.1, luật sư Lưu Văn Tám cho rằng VKS đã truy tố oan cho Như khi cáo buộc Như chiếm đoạt của ACB 718,9 tỉ đồng, khi mà Vietinbank vừa có xác nhận hiện đang giữ 950 triệu đồng trong tài khoản của ông Phạm Công Hoàng (1 trong số 19 nhân viên ACB nói trên).

Theo luật sư Tám đây là tình tiết mới mà đại diện VKS không cập nhật.

Về điểm này, đại diện VKS sáng nay cho rằng đây không phải là tình tiết mới mà trong hồ sơ vụ án đã thể hiện. Theo đó, ngoài Phạm Công Hoàng được thông báo về số dư, thì tài khoản của 16 nhân viên khác của ACB cũng vẫn còn tiền. VKS cũng cho rằng hồ sơ vụ án thể hiện cho đến thời điểm vụ án được khởi tố, tài khoản của 17 nhân viên ACB vẫn còn 21 tỉ đồng.

Theo đại diện VKS, sở dĩ cáo trạng và cơ quan điều tra kết luận rằng Huyền Như đã chiếm đoạt 718,9 tỉ đồng vì Như nhắm đến chiếm đoạt tiền của ACB ngay từ đầu, khi tiền chuyển vào tài khoản của những nhân viên này ở Vietinbank là đã thoát khỏi sự quản lý của ACB và hành vi chiếm đoạt của Như hoàn thành.

Còn số tiền 21 tỉ đồng còn lại là do hành vi của Như bị phát hiện, Như chưa rút được. Việc không chiếm đoạt được hết hoàn toàn do nguyên nhân khách quan, ngoài ý muốn của Như.

Không đồng ý với quan điểm này của VKS, luật sư Lưu Văn Tám đưa ra những lập luận mà ông khẳng định là mâu thuẫn không thể giải thích nổi nếu theo lập luận của VKS.

Theo luật sư Tám, vị công tố thừa nhận hậu quả trong vụ án này là Như chiếm đoạt 718,9 tỉ đồng của ACB nhưng cũng thừa nhận còn 21 tỉ đồng bao gồm 950 triệu đồng của ông Phạm Công Hoàng. Nếu quy kết số tiền Như chiếm đoạt 718,9 tỉ đồng này thì cơ quan công tố chưa điều chỉnh trừ 21 tỉ đồng còn lại. Nếu trừ đi, con số Như chiếm đoạt chỉ có 697 tỉ đồng (làm tròn số).

“Đây là con số Như rút ra”, luật sư Tám phân tích theo cáo trạng và lập luận của vị công tố. “Hiện trong tài khoản của 19 nhân viên vẫn còn tiền nhưng còn bao nhiêu thì chưa ai xác định. Thử hỏi nếu những người này cầm sổ đến Vietinbank rút tiền có được hay không khi công tố xác định Như đã chiếm đoạt? Đây là một mâu thuẫn lớn nếu lý giải theo quan điểm của VKS. Phải thống nhất lại là Như trả tiền Vietinbank - Vietinbank trả tiền cho khách hàng thì mới logic, mới giải tỏa được hết mọi mâu thuẫn”, luật sư Tám nói.

Quang cảnh phiên tòa
Quang cảnh phiên tòa

Hồ sơ nhiều không thể đưa hết vào cáo trạng

Về vấn đề có nhiều chi tiết cáo trạng không có, nhưng đến khi tranh luận mới đưa ra, theo vị công tố, là vì hồ sơ của vụ án quá nhiều với nhiều tình tiết không thể đưa hết vào cáo trạng, nên đến khi luận tội mới được đưa ra. Điều này cũng có nghĩa là VKS không thể đưa ra tất cả chứng cứ, nhưng cáo trạng truy buộc các bị cáo là có căn cứ.

Hội đồng xét xử cũng cho biết vụ án này có 71.000 bút lục, trọng lượng nặng 300 kg. Luật sư phải photo một tuần mới hết các tài liệu liên quan đến riêng thân chủ của mình.

Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Lưu Văn Tám cho rằng lập luận như VKS là vi phạm tố tụng. Theo khoản 1, điều 84 Bộ luật Tố tụng hình sự thì những chứng cứ đưa vào vụ án này phải được thẩm vấn tại tòa để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm. Nếu không thẩm vấn tại tòa mà đem ra kết luận là không đúng với quy định của pháp luật, theo luật sư Tám.

Bên cạnh đó, các luật sư khác cũng cho rằng VKS sử dụng lời khai của Huyền Như làm chứng cứ là không phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (Khoản 2 điều 72) vì lời khai này không phù hợp với lời khai của các bị cáo khác và các chứng cứ khác.

Về vấn đề bồi thường thiệt hại, trong khi các luật sư đề nghị áp dụng quy định của Bộ luật dân sự (như pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra, giải quyết hợp đồng vô hiệu…) thì VKS không đồng tình vì cho rằng Luật dân sự chỉ bảo vệ cho các trường hợp giao dịch lành mạnh, đúng pháp luật, còn đây là các giao dịch trái pháp luật, thỏa thuận lãi suất vượt trần không đúng quy định.

Luật sư Tám dẫn chứng điều 28 Bộ luật Tố tụng hình sự đề cập đến giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và việc giải quyết vấn đề bồi thường, thiệt hại phải áp dụng quy phạm pháp luật về dân sự chứ không phải như VKS nói.

Bên cạnh đó, VKS vẫn bảo lưu quan điểm lỗi trong vụ án này là của khách hàng: Bắt đầu từ việc mở tài khoản chưa hợp lệ, giao thẳng quyền định đoạt cho Như, tạo điều kiện để Như khắc dấu giả thực hiện hành vi gian dối.

“Nếu không có khoản lãi suất vượt trần ngoài hợp đồng, nhận tiền ngay thì những người này có giao tiền cho Như không? Thiệt hại là điều hiển nhiên, không đổ trách nhiệm cho Viettinbank không kiểm soát được. Bởi họ đã giao cho Vietinbank cái không có thật thì Vietinbank không thể quản lý được, trong khi các công ty trên chưa thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình”, vị công tố viên lập luận và từ đó giữ nguyên quan điểm truy tố.

Bức xúc trước quan điểm này, luật sư Nguyễn Minh Tâm chỉ trích: "Xu hướng của VKS là bảo vệ cho quyền lợi của Vietinbank nhiều hơn”. Các luật sư khác cũng đồng quan điểm này và cho rằng từ việc bảo vệ cho Vietinbank làm cho vụ án có những mâu thuẫn không thể giải đáp được.

Chiều nay (22.1) phiên tòa tiếp tục tranh luận.

Bài, ảnh: Lê Quang

>> Vụ án Huyền Như: Viện KSND nói 'truy tố đúng người, đúng tội
>> Xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Giới đầu tư nước ngoài quan tâm đến phiên tòa
>> Xét xử ‘đại án’ Huyền Như: Nguyên đơn dân sự làm nóng phiên tòa
>> Xét xử đại án Huyền Như: Căng thẳng quanh trách nhiệm của Vietinbank
>> Xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Lời bào chữa ‘gai góc’ của các luật sư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.