Xét xử Huỳnh Ngọc Sĩ về tội "nhận hối lộ"

15/10/2010 08:44 GMT+7

* Ba nhân chứng người Nhật vắng mặt (TNO) Chiều nay 15.10, phiên tòa sơ thẩm xét xử Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án (BQLDA) Đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP.HCM về tội "nhận hối lộ", tiếp tục với phần xét hỏi. >> Truy tố Huỳnh Ngọc Sĩ ở khung hình phạt có mức án tử hình >> Huỳnh Ngọc Sĩ lãnh án 3 năm tù >> Kết luận điều tra việc nhận hối lộ của ông Huỳnh Ngọc Sĩ

* Lúc 8 giờ sáng nay 15.10, TAND TP.HCM đã khai mạc phiên tòa sơ thẩm xét xử Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án (BQLDA) Đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP.HCM về tội "nhận hối lộ".

Khoảng 7 giờ 45 phút sáng nay, chiếc xe áp giải ông Huỳnh Ngọc Sĩ và ông Lê Quả, nguyên Phó giám đốc BQLDA Đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP.HCM đến tòa.


Huỳnh Ngọc Sĩ được đưa vào phòng xét xử sáng 15.10 - Ảnh: Viên An

Đông đảo phóng viên báo đài đã chờ sẵn trước tòa từ 7 giờ sáng để đưa tin về phiên xét xử này.

Đến 8 giờ, phiên tòa khai mạc. Chủ tọa là thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt. Ngoài ra, HĐXX còn có thẩm phán Phạm Thị Bạch Huệ và ba Hội thẩm nhân dân.

Đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa gồm: ông Trần Ngọc Quang và bà Nguyễn Thị Bích Liên.

Ba luật sư bào chữa cho Huỳnh Ngọc Sĩ là Phan Trung Hoài, Trần Văn Tạo và Phạm Công Út.

Tòa cũng đã triệu tập 13 nhân chứng. Trong đó, có 10 người nguyên là cán bộ, nhân viên của BQLDA Đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP.HCM và những đơn vị có liên quan; ba người Nhật là cựu quan chức của Công ty PCI Nhật Bản (Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương Nhật Bản).

Tuy nhiên, trong phiên xử sáng nay, cả ba nhân chứng người Nhật đều vắng mặt.

Phía luật sư của Huỳnh Ngọc Sĩ cho rằng, các nhân chứng có mặt không đầy đủ, đặc biệt là ba nhân chứng quan trọng người Nhật, nên yêu cầu tòa triệu tập đầy đủ các nhân chứng.

Nhưng tòa cho rằng, do các nhân chứng người Nhật đã có lời khai nên tòa sẽ công bố lời khai của nhân chứng trước tòa chứ không nhất thiết phải triệu tập nhân chứng. Chính vì thế, phiên xét xử vẫn tiếp tục diễn ra.

Sau phần thủ tục. Tòa tiến hành phần xét hỏi.


Huỳnh Ngọc Sĩ được dẫn vào phòng xét xử - Ảnh: Diệp Đức Minh

Bà Nguyễn Thị Bích Liên, đại diện Viện KSND TP.HCM, giữ quyền công tố, đã đọc bản cáo trạng truy tố Huỳnh Ngọc Sĩ.

Cáo trạng nêu rõ: Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Dự án Đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP.HCM có tổng mức đầu tư là 14.026 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản là 9.606,98 tỉ đồng, vốn đối ứng của VN là 4.419,02 tỉ đồng.

Tháng 1.2001, BQLDA có thư mời năm công ty tham gia đấu thầu, trong đó có Công ty PCI, một doanh nghiệp có trụ sở chính tại Tokyo (Nhật Bản) hoạt động trong lĩnh vực tư vấn xây dựng trên phạm vi toàn cầu.

Khi biết Nhật Bản sẽ cho VN vay vốn ODA đầu tư xây dựng đại lộ Đông Tây, các quan chức PCI xác định phải đưa hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ nhằm được tạo điều kiện thuận lợi khi đàm phán, thương thảo ký kết hợp đồng của gói thầu tư vấn thiết kế; được chấp thuận các điều khoản có lợi, trong đó có việc không bị hạ thấp lương chuyên gia tư vấn nước ngoài; được tạm ứng và thanh toán nhanh chóng; được chỉ định gói thầu tư vấn giám sát thi công đại lộ Đông Tây...

Theo lời khai của các cựu quan chức PCI, tổng cộng PCI đã bảy lần đưa tiền cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ. Theo các tài liệu mà cơ quan điều tra thu thập được, Viện KSND Tối cao đã đủ cơ sở truy tố ra tòa xét xử ông Sĩ về một lần nhận khoản tiền 262.000 USD (tương đương hơn 4 tỉ đồng).

Theo đó, Viện KSND TP.HCM đề nghị truy tố Huỳnh Ngọc Sĩ về tội “nhận hối lộ” theo Khoản 4, Điều 279 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt cao nhất là tử hình.


Huỳnh Ngọc Sĩ trước vành móng ngựa - Ảnh: Diệp Đức Minh

Tuy nhiên, trước tòa sáng nay, Huỳnh Ngọc Sĩ đã phản bác toàn bộ nội dung trong cáo trạng, kể cả nội dung truy tố về tội nhận hối lộ.

Theo Huỳnh Ngọc Sĩ, những điều cáo trạng nêu ra “chỉ là những lời khai của PCI, không có căn cứ, chứng cứ… ”.

Huỳnh Ngọc Sĩ cho rằng mình chưa bao giờ tiếp riêng bất cứ quan chức nào của PCI và không nhận hối lộ. “Do hợp tác của hai bên nên tôi và các quan chức PCI tất nhiên có thường xuyên tiếp xúc với nhau nhưng là tiếp xúc bình thường chính thức trên quan hệ công việc”, Huỳnh Ngọc Sĩ nói.

HĐXX đã xét hỏi bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ về việc đã chọn nhà thầu như thế nào? Và tại sao gói thầu tư vấn giám sát không qua đấu thầu mà chỉ định thầu và đơn vị thắng là PCI?

Theo Huỳnh Ngọc Sĩ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đấu thầu nước ngoài, còn phương thức đấu thầu thì không nêu rõ. Vì vậy dự án có hai gói thầu là tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát. Gói thầu tư vấn thiết kế có đấu thầu. Tư vấn giám sát chỉ định thầu vì nếu đấu thầu thì phải mất từ 6-12 tháng và sẽ không đảm bảo tiến độ dự án.

Phần xét hỏi sáng nay của tòa cũng xoay quanh vấn đề Huỳnh Ngọc Sĩ trả lương cho chuyên gia tư vấn nước ngoài cao hơn quy định và thanh toán các hợp đồng cho PCI khi chưa có biên bản nghiệm thu khối lượng công việc của từng giai đoạn.

Theo cáo trạng: Mức lương trả cho chuyên gia tư vấn nước ngoài được ký kết trong biên bản thỏa thuận ngày 28.10.1999 giữa Ngân hàng JBIC và Chính phủ Việt Nam là 2,5 triệu yen/tháng/người. Thế nhưng, thực tế Huỳnh Ngọc Sĩ đã ký hợp đồng tư vấn thiết kế với PCI với mức lương trả cho các chuyên gia tư vấn nước ngoài ở mức thấp nhất là 2,523 triệu yen/tháng/người và người nhận mức lương cao nhất 3,279 triệu yen/tháng.

Khi được HĐXX hỏi về “việc trả lương cho chuyên gia tư vấn nước ngoài cao hơn quy định làm lợi cho ai?” thì Sĩ vòng vo và một mực khẳng định là mình không sai.

Để làm rõ vấn đề, HĐXX hỏi Huỳnh Ngọc Sĩ: “Ai là người ký hợp đồng?” thì Sĩ thừa nhận “Tôi là người ký tất cả các hợp đồng”.

Là nhân chứng trong phiên xử, Lê Quả, nguyên Phó giám đốc BQLDA Đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP.HCM cũng vòng vo và nói “Tôi không trả lời câu hỏi này trước tòa”.

Trước sự không thừa nhận của bị cáo và không trả lời của nhân chứng, HĐXX đã công bố lời khai của Lê Quả trong quá trình điều tra. Trong đó, Lê Quả thừa nhận Huỳnh Ngọc Sĩ có nhiều ưu ái cho PCI và khẳng định trách nhiệm của những sự “ưu ái” sai quy định này “trước hết là của Giám đốc BQLDA”, tức là Huỳnh Ngọc Sĩ.


Lê Quả, nguyên Phó giám đốc BQLDA Đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP.HCM, là nhân chứng trong phiên xử Huỳnh Ngọc Sĩ - Ảnh: Diệp Đức Minh

Mặt khác, làm chứng trước tòa, ông Nguyễn Văn Thanh, Kế toán trưởng BQLDA (thời gian ông Sĩ làm việc) khẳng định Huỳnh Ngọc Sĩ đã chi trả lương cho các chuyên gia tư vấn người nước ngoài không đúng biên bản ngày 28.10.1999 và việc này có lợi cho PCI.

Cũng như việc trả lương, Huỳnh Ngọc Sĩ cũng không thừa nhận hành vi sai phạm của mình trong việc tạm ứng và thanh toán cho PCI.

Trong khi đó, được gọi lên làm chứng trước tòa, Nguyễn Văn Thanh khẳng định: Theo các quy định của Bộ Tài chính thì phải có biên bản nghiệm thu từng giai đoạn của gói thầu rồi mới ký thanh toán. Nhưng chỉ có lần thứ nhất là làm đúng quy định, các lần thanh toán thứ hai, thứ ba với PCI thì ông Sĩ không làm đúng mà ký thanh toán khi chưa có biên bản nghiệm thu.

Tòa tạm nghỉ vào lúc 11 giờ 30 phút và sẽ tiếp tục phần xét hỏi vào chiều nay.

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.