Xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái: Mua hàng giá cao vì bị cấp trên ép?

15/04/2008 00:13 GMT+7

Hôm qua (14.4), trong phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái, các bị cáo nguyên là giám đốc bưu điện khai rằng, họ phải mua hàng của Nguyễn Lâm Thái với giá cao là do bị cấp trên ép.

Bồi dưỡng cán bộ thuế bao nhiêu?

Trước tòa, bị cáo Lê Thanh Hùng, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần thương mại xây dựng và quảng cáo Tam Thanh, khai đã thành lập 4 công ty, trong đó thuê người làm giám đốc 3 công ty, trả lương 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Cáo trạng truy tố Hùng đã mua bán hóa đơn thu lợi bất chính hơn 1 tỉ đồng, Hùng nói chưa nhận hết số tiền này vì Nguyễn Lâm Thái vẫn còn thiếu nợ 190 triệu đồng.

Trả lời luật sư Nguyễn Đặng Quang hôm qua, bị cáo Nguyễn Lâm Thái nói việc các giám đốc bưu điện căn cứ vào các văn bản của Trung tâm thẩm định giá để ký hợp đồng mua hàng của mình "là do các anh ấy nhiều việc quá nên mắc chút quan liêu, không xem kỹ dòng chữ: văn bản này chỉ có tính chất tham khảo".

Hùng thừa nhận có vi phạm pháp luật nhưng nói rằng "phạm tội trốn thuế thì phù hợp hơn" là tội "lưu hành các giấy tờ có giá giả". Để có thể thực hiện hành vi này, phần lớn là do sự tiếp tay của Trương Hồng Khoa, nguyên cán bộ Chi cục Thuế Q.Đống Đa, Hà Nội. Vị chủ tọa hỏi: "Khi làm thủ tục mua hóa đơn lần đầu có chi phí gì cho Khoa không?". Hùng khai: "Tất cả chi phí đó không có hóa đơn chứng từ nên khi bị cáo khai ở cơ quan điều tra không được ghi nhận, nhưng hằng tháng nộp báo cáo thuế bị cáo đều phải bồi dưỡng cho Khoa từ 500.000 đến 1 triệu đồng". Hùng nói tiếp: "Không chỉ riêng bị cáo mà doanh nghiệp nào cũng phải làm thế".

Khi được tòa hỏi vấn đề này, bị cáo Khoa khai có bán cho Hùng một dàn âm thanh trị giá khoảng 35 triệu đồng chứ không thừa nhận có nhận tiền bạc gì khác của Hùng. 

"Chỉ thẩm định, không chịu trách nhiệm"

Làm rõ nhóm tội "thiếu trách nhiệm...", Hội đồng xét xử đã xét hỏi bị cáo Nguyễn Văn Thức, nguyên Giám đốc Trung tâm thẩm định giá - Bộ Tài chính, và Nguyễn Thị Tuyết Lan, nguyên chuyên viên trung tâm này. Cả hai bị cáo đều thừa nhận hành vi thiếu trách nhiệm, tuy nhiên nại lý do rằng hành vi của họ "chỉ gián tiếp gây thất thoát tiền của Nhà nước". Thức khai, khi các công ty của Nguyễn Lâm Thái gửi công văn đến xin cung cấp giá, do không đủ điều kiện ký hợp đồng thẩm định giá nên Thức chuyển sang dạng cung cấp thông tin giá tham khảo. Nhưng dựa vào những văn bản cung cấp "tham khảo" đó, Nguyễn Lâm Thái đã ký hàng loạt hợp đồng bán thiết bị cho bưu điện các tỉnh với giá cao hơn giá thị trường, kiếm lời hàng tỉ đồng từ tiền của Nhà nước.

Vị thẩm phán hỏi Thức: "Việc ký, phát hành các văn bản này không có hợp đồng có đúng với pháp lệnh thẩm định giá?". Sau một hồi vòng vo, Thức đáp: "Không đúng". Thức giải thích: "Văn bản thẩm định giá chỉ trả lời cho người có yêu cầu thẩm định giá. Chúng tôi không chịu trách nhiệm khi người khác xem thông tin giá này. Những ai sử dụng văn bản cung cấp thông tin giá để tiêu tiền của ngân sách Nhà nước thì tự chịu trách nhiệm".

"Làm nhanh để rút quân"

Trong ngày làm việc hôm qua, Hội đồng xét xử cũng đã thẩm vấn xong nhóm các bị cáo nguyên là cán bộ hai bưu điện An Giang và Ninh Thuận, bị truy tố tội "cố ý làm trái...". Hầu hết các bị cáo này đều nhận có sai sót trong khi ký hợp đồng mua vật tư, hàng hóa của Nguyễn Lâm Thái, nhưng bào chữa rằng "chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự", vì việc ký kết hợp đồng là do "chủ trương của VNPT và căn cứ vào văn bản thẩm định giá của Trung tâm thẩm định giá - Bộ Tài chính".

Khi chủ tọa đề cập đến trách nhiệm cá nhân, các bị cáo bắt đầu đổ lỗi cho nhau. Bị cáo Nguyễn Hoàng Nhân, nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Ninh Thuận, khai: "Các anh em đổ lỗi cho tôi thì tôi chịu thôi. Việc lắp đặt trước, ký hợp đồng sau vì camera lắp đặt rất nhanh, trong 1 ngày làm luôn cho 2-3 hợp đồng và "lính" của anh Thái ở xa, làm nhanh để rút quân. Năm nào VNPT cũng duyệt quyết toán, không "stop" chúng tôi về giá cả thiết bị vật tư mua cao. Nếu bác một cái thì chúng tôi đâu dám ký tiếp nữa".

Bị cáo Nhân so bì: "Có 38 bưu điện có sai phạm tương tự, nhưng chỉ có 12 bưu điện bị truy tố nên tôi đề nghị được xử lý giống 26 bưu điện không bị truy cứu trách nhiệm còn lại. Mong tòa thực hiện đúng văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xử lý hành chính". Khi được hỏi vì sao cấp dưới kiến nghị dừng ký hợp đồng với Nguyễn Lâm Thái vì có nhiều bất ổn mà vẫn tiếp tục ký, bị cáo Nhân nói: "Bị "ép", bị áp lực. Thấy Thái trưng ra catalogue có hình ảnh quan chức lãnh đạo, rồi Thái điện thoại cho các "sếp" ở VNPT với vẻ rất thâm tình nên không thể từ chối".

Sáng thứ tư 16.4, phiên tòa tiếp tục.

 L.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.