Xét xử vụ 'gây thất thoát gần 70 tỉ đồng ở công ty mía đường Tây Ninh'

20/05/2016 10:00 GMT+7

Tổng lãnh sự quán Trung Quốc có công hàm thông báo không có thông tin đăng ký của Công ty Xi Lai Phúc và Công ty Guo Qi Do Li cũng không có bất kỳ giao dịch nào với Công ty mía đường Tây Ninh.

TAND tỉnh Tây Ninh vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh.
Theo cáo trạng, từ ngày 7.12.2009 đến ngày 27.8.2012, Nguyễn Xuân Danh (47 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng kinh doanh - thương mại) và Nguyễn Thị Phúc (54 tuổi, nguyên Kế toán trưởng, Trưởng phòng Kế toán tài chính) đã tham mưu cho Trần Cảnh Lạc (62 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc) ký 50 hợp đồng xuất khẩu tinh bột khoai mì, gạo... sang Trung Quốc (TQ). Lạc không trực tiếp hoặc cử người làm việc với đối tác mà thông qua Đinh Thị Thảo (54 tuổi, ngụ Lạng Sơn) để thương thảo hợp đồng, xuất khẩu bán hàng hóa cho Công ty Xi Lai Phúc và Công ty Gui Qi Do Li (đều của TQ).
Đối với hành vi của Đinh Thị Thảo, hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tây Ninh tách riêng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Sau khi nhận hàng, Thảo thanh toán chậm hoặc kéo dài thời gian thanh toán không đúng hợp đồng nhưng Lạc vẫn tiếp tục ký tiếp 5 hợp đồng xuất khẩu (4.000 tấn tinh bột mì và 2.270 tấn gạo) trị giá 61 tỉ đồng nhưng Thảo chỉ trả được 6 tỉ đồng. Sau khi có tranh chấp, Tổng lãnh sự quán TQ tại TP.HCM có công hàm thông báo không có thông tin đăng ký của Công ty Xi Lai Phúc và Công ty Guo Qi Do Li cũng không có bất kỳ giao dịch nào với Công ty mía đường Tây Ninh. Theo kết luận giám định tài chính về thiệt hại tài sản Nhà nước của Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh xác định tổng thiệt hại gần 70 tỉ đồng.
Sau 2 ngày xét xử (ngày 17 và 18.5), đại diện Viện KSND tỉnh Tây Ninh giữ quyền công tố trước tòa đã đề nghị HĐXX xử phạt Trần Cảnh Lạc mức án 10-12 năm tù giam; Nguyễn Xuân Danh 8-10 năm tù và Nguyễn Thị Phúc 5-6 năm tù cùng về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tranh cãi gay gắt
Quá trình thẩm vấn tại phiên tòa bị cáo Lạc, Danh và Phúc đều không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã cáo buộc.
Trong phần luận tội, đại diện của Viện KSND tỉnh Tây Ninh nhận định trong quá trình kinh doanh các bị cáo đã cố ý làm trái các quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi khi ký kết hợp đồng các bị cáo không xác thực tư cách của đối tác, ký khống nhiều hồ sơ nhằm hợp thức hóa việc làm sai trái đã làm gây thiệt hại tài sản Nhà nước gần 70 tỉ đồng. Vị đại diện cũng khẳng định, các bị cáo đã làm ăn trực tiếp với Thảo chứ không có công ty TQ nào. Bởi Tổng Lãnh sự quán TQ đã có công hàm thông báo Công ty Xi Lai Phúc không tồn tại và Công ty Guo Qi Do Li không hề giao dịch với Công ty mía đường về 2 hợp đồng mua bán gạo. Khi vụ án đang trong giai đoạn xử lý thông tin tố cáo tội phạm thì các bị cáo đã khởi kiện ra Trung tâm trọng tài quốc tế để hòng chạy tội.
Ngay sau đó, 8 vị luật sư bào chữa cho 3 bị cáo đã có những tranh luận gay gắt với đại diện Viện KSND. Tất cả đều cùng đề nghị HĐXX tuyên bố 3 bị cáo không phạm tội vì họ không có hành vi, động cơ, mục đích phạm tội, vụ lợi cá nhân và không gây ra hậu quả nghiêm trọng nào. Các luật đều cho rằng, bị cáo Lạc ký hợp đồng bán trả chậm là sự thỏa thuận tự nguyện dựa trên lịch sử thanh toán và uy tín thương mại chưa từng xảy ra rủi ro, điều nay không trái quy tắc hoạt động thương mại.
Đáng chú ý, Luật sư Trần Văn Tạo (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng về nguyên tắc tố tụng, cùng một hành vi không được xử lý 2 lần. Trong đó, số tiền Xi Lai Phúc còn nợ 35 tỉ đồng đã được Trung tâm trọng tài quốc tế ra phán quyết và đến nay vẫn còn hiệu lực thi hành và cơ quan tố tụng không có quyền phủ nhận quyết định này. Do vậy, số tiền này đã được xử lý nhưng các bị cáo vẫn bị truy tố, xử lý hình sự là vi phạm tố tụng.
Theo dự kiến vào ngày 23.5, Tòa sẽ tuyên án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.