Xét xử vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình: Sửa điểm vì nghĩ đã có lãnh đạo 'chống lưng'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/05/2020 07:00 GMT+7

Bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn khai thực hiện việc mở niêm phong, sửa nâng điểm cho 145 bài thi là được nói... đã có lãnh đạo 'chống lưng'.

Bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn, nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí Sở GD-ĐT Hòa Bình, khai thực hiện việc mở niêm phong, sửa nâng điểm cho 145 bài thi là do Đỗ Mạnh Tuấn, nguyên Phó hiệu trưởng Trường nội trú THCS - THPT H.Lạc Thủy (Hòa Bình) khẳng định đã có lãnh đạo “chống lưng”.

“Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật !”

Sáng 13.5, TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục xét xử 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình. Tại tòa, bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn khai thời điểm bắt đầu chấm thi, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn đã nhiều lần dụ dỗ để mình yên tâm với việc nâng điểm cho thí sinh. "Anh Tuấn đưa cho tôi cả danh sách, nói: “Đây xem đi, có cả phòng PA83 (Phòng An ninh chính trị nội bộ - PV) tỉnh, lo gì”. Ý nói là có chống lưng. Tôi nhìn sang thì thấy có chữ Chất (bị cáo Khương Ngọc Chất, nguyên Trưởng phòng PA83 Công an tỉnh Hòa Bình - PV) nên sau đó mới làm theo”, bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn khai.
Bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn cũng khẳng định, trong một lần bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn rủ rê, thuyết phục, 2 người đã cãi nhau ngay tại phòng làm việc. Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn khi đó đã nói: "Bây giờ vào đây rồi không làm không được" và khẳng định đã có lãnh đạo “chống lưng” nên cứ yên tâm.
Bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn còn khai, ngoài lý do bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn khẳng định có người chống lưng, thì việc mình tham gia cùng Đỗ Mạnh Tuấn trực tiếp sửa, nâng điểm các bài thi trắc nghiệm cho các thí sinh là do 2 người thân thiết từ trước đó. Chính bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn là người đã giới thiệu bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn về làm chuyên viên tại Phòng Khảo thí thay cho mình khi được điều về làm Phó hiệu trưởng Trường nội trú THCS - THPT H.Lạc Thủy. Theo cáo trạng, vào các ngày 30.6 - 3.7 (thời gian chấm thi trắc nghiệm), chính bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn là 2 người đã dùng chìa khóa do bị cáo Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT Hòa Bình, đưa để mở khóa vào phòng chấm thi trắc nghiệm, trực tiếp sửa, nâng điểm 145 bài thi của 58 thí sinh theo danh sách do ông Vinh cung cấp từ trước.
Trong khi đó, khai trước tòa, bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, nguyên Trưởng phòng Khảo thí (phụ trách tổ chấm thi môn tự luận), khẳng định đã nhận danh sách mã phách kèm theo mức điểm yêu cầu, ghi chú mối quan hệ do bị cáo Nguyễn Quang Vinh chuyển thông qua thanh tra viên Sở GD-ĐT là Phạm Trung Thành, sau đó chuyển cho các tổ trưởng tổ chấm thi yêu cầu các giám khảo chấm theo mức điểm yêu cầu của 20 bài thi. Bị cáo Liên cho rằng mình không có động cơ vụ lợi cá nhân, cũng không được hứa hẹn bất cứ quyền lợi gì khi chỉ đạo cán bộ chấm thi nâng điểm mà chỉ vì nể nang, nghĩ rằng các trường hợp nhờ là “quan hệ lãnh đạo”. Khi HĐXX truy vấn vì sao biết sai mà vẫn làm, bị cáo Liên nói có nhiều trường hợp gian lận, mình không làm theo sẽ khó. “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”, bị cáo Liên nói trước tòa.

“Cháu bị nâng điểm”

Cũng tại phiên tòa, bị cáo Hồ Chúc, nguyên giáo viên Trường THPT Thanh Hà, bị cáo buộc đưa hối lộ cho bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn 300 triệu để nâng điểm cho 2 thí sinh của người quen, khẳng định mình chỉ chuyển bọc tiền đựng trong túi ni lông mà gia đình 2 thí sinh đưa cho ông Đỗ Mạnh Tuấn tại quán cà phê, chứ không biết là bên trong có bao nhiêu tiền. Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn cũng xác nhận nhận bọc tiền từ ông Hồ Chúc, đêm về mở ra xem thì thấy có 300 triệu gồm 6 tập tiền mệnh giá 500.000 đồng.
Tuy nhiên, được xét hỏi với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cả 2 phụ huynh thí sinh được bị cáo Chúc nhờ ông Đỗ Mạnh Tuấn nâng điểm đều khẳng định không đưa tiền cho ông Chúc, cũng không nhờ ông Chúc nâng điểm, mà chỉ nhờ xem điểm hộ cho con mình. “Tôi khẳng định là không có việc đến nhà anh Chúc gửi tiền cảm ơn”, bà Trần Thị Liên (phụ huynh học sinh Đ.T.G, 1 trong 2 thí sinh mà bị cáo Hồ Chúc nhờ ông Đỗ Mạnh Tuấn nâng điểm - PV) khai tại tòa. Theo bà Liên, sau khi Bộ GD-ĐT chấm thẩm định thì mới biết con mình được nâng điểm, còn trước đó, sau khi đi thi về thì con nói làm bài tốt và cũng rất tin tưởng con.
Cũng được xét hỏi với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan, bà Trần Thị Thúy Phương (phụ huynh của thí sinh L.P.N, 1 trong 8 thí sinh mà bị cáo Lê Thị Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, tỉnh Hòa Bình, chuyển thông tin để nhờ bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn nâng điểm - PV), liên tục khẳng định gia đình không nhờ, không có nhu cầu, không chạy, không mua điểm cho con mình. Gia đình chỉ biết con được nâng điểm khi cơ quan điều tra thông báo. “Cháu bị nâng điểm”, bà Phương quả quyết, và đề nghị cơ quan pháp luật thu thập chứng cứ làm sáng tỏ sự việc, sớm trả lại danh dự cho gia đình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.