Xét xử vụ Nguyễn Lâm Thái: Các bị cáo lại “đòi” xử lý công bằng

18/04/2008 00:02 GMT+7

Hôm qua, Hội đồng xét xử tiếp tục thẩm vấn nguyên cán bộ bưu điện các tỉnh Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Bạc Liêu. Các bị cáo tiếp tục xin được giám định lại giá và xử lý giống các bưu điện khác cho công bằng.

Vợ tranh thủ bào chữa cho chồng

Theo đề nghị của luật sư Phan Trung Hoài, Hội đồng xét xử đặc cách cho gọi bà Trần Ánh Hồng - vợ bị cáo Ngô Quang Thạch (nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Cần Thơ) ra tòa trả lời thẩm vấn: Số tiền khắc phục hậu quả mà bà Hồng nộp là từ đâu và có đề xuất gì? Bất ngờ, bà Hồng đọc một bài phát biểu chuẩn bị từ trước để bào chữa cho chồng: "Thưa quý tòa, chồng tôi có gần 40 năm cống hiến cho Đảng, Nhà nước, là một người cha mẫu mực, người chồng thủy chung, người cán bộ liêm khiết...", rồi tự kết luận: "Vì vậy, là người vợ, tôi bảo đảm chồng mình không phạm tội". Khi được nhắc nhở trả lời vào trọng tâm bà Hồng nói: "Nghe chồng tôi nói nếu giá cao cũng chỉ cao 5 - 10% gì thôi nhưng khi nhận thông báo gửi về tôi tá hỏa vì số tiền là 2 tỉ mấy. 1,2 tỉ đồng nộp cho cơ quan điều tra là do bạn bè, gia đình và cả nhân viên bưu điện chung tay góp...".

Sốt ruột, cả luật sư và chủ tọa phiên tòa buộc phải cắt lời, tuy nhiên bà Hồng vẫn xin "cho tôi nói thêm một tí", rồi không đợi cho phép bà tiếp tục: "Tôi xin Hội đồng xét xử thông cảm cho sai phạm của chồng tôi, dù con số thiệt hại của vụ án này có lớn đến cỡ nào nhưng cũng không lớn hơn danh dự của chồng tôi đã tạo dựng bao năm nay..." (!).

"Không muốn ảnh méc lại cấp trên"

Cáo trạng truy tố Phạm Minh Quang (nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Cà Mau) đã trực tiếp giao dịch ký 11 hợp đồng với 5 công ty "con" của Nguyễn Lâm Thái trị giá hơn 2,7 tỉ đồng gây thiệt hại hơn 2,1 tỉ đồng. Giống như các bưu điện tỉnh khác, Quang cho rằng có sai phạm nhưng chỉ là hành chính, đề nghị xem xét lại về cách tính thiệt hại vì "thấy giám định thiệt hại không ổn". Chủ tọa hỏi: "Tất cả các giao dịch đều đàm phán với Thái nhưng chỉ có một hợp đồng ký với Nguyễn Lâm Thái, còn lại ký với người khác, bị cáo giải thích sao về điều này?". "Hợp đồng ký sẵn, bị cáo không để ý đến người ký kết, bị cáo có cái nhầm ở chỗ đó", Quang đáp. Vị công tố truy tiếp: "Tại sao cấp dưới báo cáo các hợp đồng ký kết có sai phạm mà vẫn ký?". Quang không giải thích được.

Tương tự, Phạm Chương (nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Đồng Nai) bị truy tố vì đã ký tổng cộng 8 hợp đồng kinh tế mua sắm trực tiếp với 2 công ty "con" của Nguyễn Lâm Thái tổng trị giá hơn 2,4 tỉ đồng, gây thiệt hại gần 2 tỉ đồng cũng cho rằng truy tố không thỏa đáng. Chương nói: "Tôi được ủy quyền quyết định ký hợp đồng đến 3 tỉ đồng, các loại vật tư mua của Thái là loại chuyên dùng, vì muốn bảo đảm an toàn, an ninh cho ngành bưu điện Đồng Nai nên thấy việc mua là đúng". Vị hội thẩm hỏi lại: "Việc mua sắm trực tiếp là đúng hay sai?". Chương thú nhận có sai sót. "Tại sao cùng ngày ký  nhiều quyết định, ký xé lẻ thiết bị với một đối tác?". Chương đáp: "Vì địa điểm khác nhau nên phải ký như thế". Hội thẩm: "Trong hồ sơ Thái khai có đến tận nhà đưa 100 triệu đồng, có hay không?". Chương nói: "Không".

Lê Quang Trung (nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Bạc Liêu) - bị truy tố vì ký 7 hợp đồng với các công ty của Nguyễn Lâm Thái, có tổng trị giá hơn 1,6 tỉ đồng, gây thiệt hại hơn 1,3 tỉ đồng - cho biết lý do làm ăn với Thái: "Các mặt hàng Thái bán, Bưu điện Bạc Liêu cũng có nhu cầu nhưng quỹ đầu tư hạn chế nên tôi thường xuyên từ chối, thậm chí "trốn" không muốn tiếp xúc. Nhưng không biết bằng cách nào ảnh vẫn lọt qua cổng bảo vệ vào phòng tôi (!). Thấy Thái có quan hệ rộng với lãnh đạo VNPT nên phải ký vì không muốn ảnh về méc (mách - NV) lại cấp trên". Tiện thể, Trung nghẹn ngào nói thêm: "Cha của bị cáo 10 năm làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Minh Hải (cũ). Tôi có đưa hồ sơ nhờ ông xem, ông nói không thấy có dấu hiệu cố ý làm trái".

Hôm nay (18.4) tòa tiếp tục làm việc, chiều cùng ngày sẽ có buổi họp báo về vụ án.

L.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.