Xét xử vụ thâu tóm đất vàng tại Đà Nẵng: Làm rõ con số hơn 22.000 tỉ đồng thiệt hại

Lê Quân
Lê Quân
06/01/2020 05:16 GMT+7

Hôm qua (5.1), TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử sơ thẩm 21 bị cáo vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nhà, đất công gây thiệt hại hơn 22.000 tỉ đồng , xảy ra tại TP.Đà Nẵng.

Trả lời trước tòa, bị cáo Phan Văn Anh Vũ cho rằng không gây thiệt hại 22.000 tỉ đồng qua chuyển nhượng 22 nhà đất công sản và 7 dự án bất động sản tại TP.Đà Nẵng như cáo trạng quy kết. Bị cáo lập luận rằng việc tính thiệt hại căn cứ giá trị bất động sản thời điểm 2018 là không hợp lý, vì giao dịch đã diễn ra từ gần chục năm trước. Thậm chí, bị cáo này còn đề nghị xử lý nghiêm những người giám định giá đất do làm sai luật.
Trong phần xét hỏi, trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (bào chữa cho Phan Văn Anh Vũ): bằng cách nào bị cáo nhận được dự án 29 ha, UBND TP giao cho công ty 29 ha này đã là đất sạch hay chưa, bị cáo Vũ nói CTCP xây dựng 79 nhận diện tích đất trên dựa trên văn bản đề nghị của Công ty Daewon gửi UBND TP.Đà Nẵng để liên doanh. Theo bị cáo Vũ, Sở TN-MT TP.Đà Nẵng cũng như bị cáo Văn Hữu Chiến, cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, trả lời tại phiên tòa hôm trước là chưa chính xác, bởi thời điểm giao không phải là đất sạch. Sau khi nhận đất chưa thể triển khai dự án do khi nhận xong thì Cơ quan CSĐT và Thanh tra Chính phủ đã có văn bản tiến hành thanh tra dự án. “Tôi hoàn toàn bế tắc khi triển khai dự án dù trả xong tiền, đã 3 lần gửi văn bản đến UBND TP.Đà Nẵng xin được lấy lại số tiền ban đầu”, bị cáo Vũ nói trước tòa.
Trả lời về việc vì sao thành lập 5 công ty (trong đó có CTCP xây dựng 79, CTCP xây dựng Bắc Nam 79 do bị cáo Vũ làm chủ tịch HĐQT; 3 công ty còn lại bị cáo góp vốn theo quy định của pháp luật), bị cáo Vũ trình bày việc thành lập các công ty, tham gia vào các công ty mục đích duy nhất là để kinh doanh bất động sản; để thuận lợi cho việc vay ngân hàng, chứ không phải để luồn lách trốn thế. “Hai nhiệm kỳ lãnh đạo TP.Đà Nẵng trước đây đã có rất nhiều bằng khen, giấy khen cho tôi. Pháp luật thì chỉ có một, tại sao các lãnh đạo thời kỳ trước khen tôi, ủng hộ tôi mà đến nay lại mang tôi ra xét xử trước tòa? Tôi rất đau đớn về việc này!”, bị cáo Vũ nói.
Xét xử vụ thâu tóm đất vàng tại Đà Nẵng: Làm rõ con số hơn 22.000 tỉ đồng thiệt hại

Dự án 29 ha thuộc khu đô thị quốc tế Đa Phước có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, bị cáo buộc gây thiệt hại khoảng 11.200 tỉ đồng

Ảnh: Hoàng Sơn

Cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng nói gì việc giao 29 ha ở Đa Phước?

Tại phiên tòa, nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh vấn đề giám định giá đất, xác định 29 ha đất ở khu đô thị mới quốc tế Đa Phước là đất sạch hay chưa sạch đối với đại diện Cơ quan CSĐT, giám định viên của Bộ TN-MT, các bị cáo Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng,…
Bị cáo Trần Văn Minh cho rằng cách tính thiệt hại lên tới hơn 11.000 tỉ đồng ở dự án 29 ha khu đô thị mới quốc tế Đa Phước là không đúng. Bởi vì, khi CTCP Xây dựng 79 của bị cáo Vũ tiếp nhận thì chưa phải là đất sạch, chỉ là mặt nước biển, dưới là đáy biển nên không cần qua đấu giá. Trong khi đó, việc xác định thiệt hại căn cứ giá ở thời điểm khởi tố vụ án là tháng 4.2018, lúc này dự án đã được san lấp, là không phù hợp. Theo bị cáo Minh, khu đất này được giao năm 2011 theo thỏa thuận đã ký giữa Đà Nẵng và Công ty Daewon (Hàn Quốc) là đúng luật Đầu tư. “Đất đó là ông Vũ đổ làm kè, cơ sở hạ tầng, còn nhà nước chỉ có mặt nước thôi. Đó là đất ô nhiễm, mặt nước chúng tôi vẫn thu tiền mà quy chúng tôi gây thất thoát?”, bị cáo Minh phân trần.
Theo cáo trạng, cơ quan tố tụng áp dụng cách tính thiệt hại bằng việc lấy giá trị theo thị trường bất động sản ở thời điểm khởi tố vụ án trừ đi giá trị tài sản tại thời điểm giao cho công ty của Phan Văn Anh Vũ. Đơn cử, dự án 29 ha đất ở khu đô thị mới quốc tế Đa Phước, năm 2011, bị cáo Vũ nộp cho UBND TP.Đà Nẵng là 87 tỉ đồng. Giá trị thị trường ở thời điểm khởi tố vụ án là gần 11.300 tỉ đồng, nên thiệt hại được xác định là hơn 11.200 tỉ đồng. Theo cách tính này, giá trị của khu đất sau gần 8 năm đã tăng lên nhiều lần.
Nhiều câu hỏi được đặt ra cho đại diện Hội đồng Định giá tố tụng T.Ư nhưng được trả lời là không phải cơ quan xác định hậu quả thiệt hại vụ án, đồng thời không có chuyên môn này… Khi nhiều luật sư bày tỏ muốn được đặt câu hỏi với giám định viên, HĐXX cho rằng những nội dung đó sẽ được Viện KSND đối đáp ở phần tranh luận.
Theo thông báo của HĐXX, phiên tòa sẽ nghỉ ngày 6.1 và trở lại làm việc vào ngày 7.1 với phần tranh luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.