'Xí' dự án rồi bỏ hoang

04/09/2017 07:40 GMT+7

Không chỉ đất ở các khu đô thị mới bỏ hoang mà những dự án lớn ngay tại khu trung tâm 930 ha của TP.HCM được ví như những khu đất vàng, kim cương nhưng bỏ hoang hoặc đem cho thuê làm nơi giữ xe, quán nhậu...

Dự án để cỏ mọc
Ngay đầu hẻm 1078 vào khu dân cư Lập Phúc, xã Phước Kiển, H.Nhà Bè (TP.HCM) là khu đất rộng hàng chục héc ta do Công ty Sadeco làm chủ đầu tư. Dự án này đã san lấp mặt bằng khá chỉn chu, một con đường nhựa lớn chạy dọc khu đất nối từ đường Lê Văn Lương vào tận sâu bên trong khu dân cư Lập Phúc cũng đã được xây dựng. Khu đất có vị trí đẹp, nhưng bị bỏ hoang hàng chục năm nay, cây cỏ mọc um tùm. Để đi vào được khu dân cư Lập Phúc, người dân phải đi qua dự án này. Tuy nhiên, do quá hoang vắng cộng với việc cây cỏ mọc um tùm ở hai bên đường, nên người dân ở khu dân cư Lập Phúc phải thu tiền cư dân để thuê cắt cỏ, dọn dẹp.
Cách đó không xa là dự án rộng khoảng 300 ha của Tập đoàn GS (Hàn Quốc) nằm dọc đường Nguyễn Hữu Thọ, được bao bọc bởi một hàng rào khá kiên cố nhưng mấy năm nay án binh bất động dù gần như đã san lấp gọn gàng. Theo một lãnh đạo của UBND H.Nhà Bè, đến năm 2020 ở huyện này không còn đất nông nghiệp, hầu hết đất đã có quy hoạch là khu đô thị, khu dân cư. Điều đó đồng nghĩa với việc phần lớn diện tích đất ở địa phương này đã có chủ, nhưng thực tế đến nay đa phần diện tích đất ở H.Nhà Bè vẫn trong tình trạng hoang hóa.
Chạy dọc hai bên đường Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh) là những khu đất rộng mênh mông, trống trải không một bóng nhà nhưng hàng chục năm nay không thấy dự án nào khởi động dù hầu hết đã có chủ. Bà Vân, một hộ dân có đất nằm trong khu đô thị nam TP rộng hơn 2.000 ha chạy dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh, cho biết dự án đã có chủ trương thu hồi đất từ hơn 20 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa đền bù xong. 20 năm nay, người dân khu này cũng không làm được gì. “Doanh nghiệp “xí” đất để đó, không làm gì, cũng không đền bù cho dân. Người dân cũng chỉ để hoang không làm được gì, kể cả việc trồng trọt, xây dựng nhà cửa, khốn khổ mấy chục năm nay. Nếu làm thì đền bù cho dân đi, còn không nữa trả đất lại cho dân chứ không thể xí đất mãi như vậy được”, bà Vân bức xúc.
Đất vàng làm bãi giữ xe
Ngay tại trung tâm TP.HCM, hàng loạt khu đất vàng dù có chủ đầu tư rồi nhưng cũng chỉ để đó, cho thuê làm bãi giữ xe. Điển hình là khu đất rộng gần 5.000 m2 ở địa chỉ số 8 - 12 Lê Duẩn (Q.1). Với
3 mặt tiền đường Lê Duẩn, Hai Bà Trưng và Nguyễn Văn Chiêm, mặt còn lại giáp tòa nhà Diamond Plaza, có thể nói khu đất này có vị trí đắc địa bậc nhất hiện nay tại TP.HCM. Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, khu đất này được phê duyệt làm trung tâm thương mại - khách sạn quốc tế Lavenue Crown, với 3 khu chức năng là căn hộ cao cấp, khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại, do Công ty CP đầu tư Lavenue thực hiện, nhưng mấy năm nay vẫn chưa triển khai, chỉ cho thuê làm bãi giữ xe ô tô. Hay khu số 117 - 119 Nguyễn Huệ (Q.1) rộng gần 3.000 m2 được cấp phép làm cao ốc BIDV Tower, do Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV) làm chủ đầu tư mấy năm nay cũng chỉ rào chắn lại để làm... bãi đậu xe. Theo tính toán của giới kinh doanh địa ốc, với mức giá khoảng 1 tỉ đồng/m2, khu đất này giá trị lên tới vài ngàn tỉ đồng...
Ký quỹ, đánh thuế dự án không triển khai
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP, trong tổng số 509 dự án, công trình được cấp phép xây dựng và phê duyệt dự án từ năm 2004 đến 2014 thì chỉ riêng tại khu trung tâm TP 930 ha (Q.1, Q.3) có đến 53 dự án. Trong số 53 dự án này có 44 dự án chậm triển khai, 30 dự án chưa khởi công xây dựng nhưng giấy phép xây dựng đã hết hiệu lực và 14 dự án đã triển khai thi công nhưng ngưng lại và hiện được tận dụng cho thuê làm bãi đậu xe, quán ăn, buôn bán...
Dự án để hoang không chỉ gây lãng phí trong khai thác sử dụng tài nguyên đất đai khu trung tâm mà còn làm xấu bộ mặt TP. Sở Xây dựng cho biết khi làm việc, hầu hết các chủ đầu tư dẫn nguyên nhân là do tình hình kinh doanh bất động sản tại TP những năm qua không được thuận lợi, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Dự án đã khởi công đang xây dựng thì bị kéo dài tiến độ hoặc thi công rề rà, cầm chừng. Không ít chủ đầu tư khó khăn về tài chính, khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, một số thì vay vốn với lãi suất quá cao, không "kham" nổi...
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, cho biết hằng tháng Sở nhận được rất nhiều đơn thư cầu cứu của người dân vì dự án treo. Người dân bức xúc, hỏi bao giờ thực hiện nhưng Sở không thể nào trả lời được. Nguyên nhân để xảy ra tình trạng dự án treo kéo dài gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến người dân và cả nhà nước, theo ông Toàn là do khâu tổ chức thực hiện quy hoạch còn yếu khiến nhiều quy hoạch, dự án để lâu mà không triển khai.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhìn nhận có những dự án được giao nhiều năm rồi nhưng chủ đầu tư không chịu triển khai mà để cỏ mọc um tùm. Nhiều khu vực thấy toàn đất trống nhưng hỏi ra thì chỗ nào cũng có chủ hết rồi nhưng không thấy ai triển khai làm. Ông Phong đã chỉ mặt hàng loạt dự án, chủ đầu tư như thế. Điển hình như dự án của Công ty kinh doanh và phát triển nhà Phú Nhuận có quy mô 174 ha tại Q.2 được giao từ nhiều năm nay nhưng không triển khai. Hay tại H.Cần Giờ rất nhiều doanh nghiệp cũng về đó “xí” đất rồi để hoang. Do đó, ông Phong cho biết tới đây sẽ siết chặt và yêu cầu nhà đầu tư phải ký quỹ. Nếu chủ đầu tư không thực hiện thì coi như mất và giao đất cho nhà đầu tư khác.
Lãnh đạo một công ty bất động sản đồng tình với quan điểm trên của lãnh đạo UBND TP khi cho biết ở nước ngoài không có tình trạng “xí” đất rồi để hoang như ở VN, bởi chính phủ đánh thuế rất nặng đối với những dự án kiểu đó. Điển hình như ở Singapore, dự án bỏ hoang, lãng phí sẽ bị đánh thuế. Không những vậy, chính phủ buộc chủ đất phải tiến hành san lấp mặt bằng để công ty cây xanh sẽ trồng cây xanh lên đó và chủ đầu tư phải trả tiền cho khoản này. Điều này khiến các chủ đầu tư phải lên kế hoạch phát triển các quỹ đất, làm dự án rất thận trọng, không có chuyện được giao đất rồi để đó cho cỏ mọc hoang hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.