(TNO) Lễ khai mạc SEA Games 27 rất thành công, từ tổng thể âm thanh, ánh sáng đến từng chi tiết cụ thể của các tiểu mục. Hay từ kỹ thuật đến nghệ thuật, có tính sáng tạo pha lẫn thái độ tự tin của những người trong cuộc.
>> Lễ khai mạc SEA Games 27: Bữa tiệc rực rỡ sắc màu
>> SEA Games 2015 bỏ nhiều môn thế mạnh của VN
>> Choáng với các công trình của SEA Games 2013
|
Pháo hoa là một ví dụ cho sự tự tin của một Myanmar chỉ mới tổ chức SEA Games lần đầu tiên sau 44 thập kỷ. Vâng, pháo hoa thì ai cũng có, nên thoạt nghe thì quá đơn giản. Nhưng những màn pháo hoa ngắn gọn và rực rỡ trong lễ khai mạc vẫn có một sức hút riêng không thể phủ nhận.
Người ta sẽ không trình diễn một tiết mục như vậy nếu không thật sự tự tin về sự thành công của nó.
Nhạc dân tộc của Myanmar rất đặc sắc. Phần diễu hành còn có cả tí sáng tạo, với hình ảnh các cô gái xinh "múa gậy" khá lạ mắt. Tóm lại, khai mạc SEA Games như thế là hay rồi.
Thế còn bản thân SEA Games? Suốt những ngày qua, từ các trang mạng xã hội hoặc nơi trà dư tửu hậu đến cả mặt báo, cụm từ "hội làng", "ao làng" được nhắc đến khá nhiều. Như thể đến hẹn lại lên, mỗi khi SEA Games nhộn nhịp, người ta lại dùng những cụm từ ấy để chỉ trích. Cực đoan một tí, có người còn bảo: bỏ quách SEA Games cho rồi!
Đấy chỉ là một cách nói. Nhưng thật ra, các nhà tổ chức SEA Games quả đã bỏ đi một phần vô cùng quan trọng của SEA Games rồi, và đấy là sai lầm lớn. Sai lầm ấy: giải bóng đá nam SEA Games từ năm 2001 trở thành giải bóng đá ở độ tuổi U.23, theo "khuyến cáo" của AFC.
Sở dĩ IOC và FIFA phải thỏa thuận với nhau về cái cơ cấu "U.23 + 3" của bóng đá nam ở Olympic chẳng qua là để Olympic và World Cup - 2 sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh - cùng tiếp tục phát triển thay vì đụng chạm, che khuất nhau.
Cũng bởi, IOC và FIFA đều có cái "lý" riêng của mình, nên mới phải thỏa thuận như thế. Còn trong khu vực Đông Nam Á vốn đã mang tiếng "ao làng" về trình độ chuyên môn, một giải bóng đá đỉnh cao mang lại niềm vui cho hơn 600 triệu dân trong khu vực đâu có "đụng chạm" đến giải đấu nào!
Các cầu thủ xuất sắc nhất trong khu vực, và người hâm mộ, bỗng bị tước đi một giải đấu vừa hấp dẫn, vừa quan trọng. Giải vô địch AFF không thể thay thế cho giải bóng đá SEA Games "xịn", nếu không muốn nói là chính AFF Cup đã nhanh chóng trở nên èo uột.
Tính chất đỉnh cao (tức các đội tuyển quốc gia so tài với nhau) cộng với bầu không khí chung của một đại hội thể thao khu vực làm cho giải bóng đá SEA Games thời Kiartisak, Netipong, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Kurniawan Yulianto, Fandi Ahmad hấp dẫn đến một mức độ mà AFF Cup chắc chắn không bao giờ có được.
Nếu... bỏ SEA Games, hàng ngàn VĐV chuyên nghiệp trong khu vực Đông Nam Á sẽ tranh tài ở đâu? Người hâm mộ thể thao trong khu vực sẽ còn gì để xem, ngoài một tỷ lệ cực thấp các VĐV nổi trội tranh tài ở đẳng cấp châu Á hoặc thế giới? Đời sống thể thao trong khu vực sẽ đi về đâu?
Bản thân đấu trường SEA Games rất quý. Còn cách tổ chức ra sao, làm sao dẹp "bệnh thành tích", để bỏ "lệ làng", để nâng chất chuyên môn cho đấu trường này, đấy lại là chuyện khác.
Ngũ Viên
Bình luận (0)