Xóa bỏ mọi ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước

30/10/2011 02:18 GMT+7

Lo ngại trước tình trạng vốn nhà nước bị thất thoát, lãng phí thông qua việc duy trì những tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, ĐBQH khi thảo luận về tình hình KT - XH tại nghị trường những ngày qua đề nghị đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa (CPH) các TĐ, doanh nghiệp (DN) lớn; giảm thiểu bảo lãnh vốn vay cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thậm chí phải tính đến phá sản những TĐ làm ăn thua lỗ.

Chuyển TĐ nhà nước sang TĐ tư nhân

Dẫn lại số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư mới đây về việc DNNN chiếm một lượng vốn lớn trong nền kinh tế nhưng đóng góp hiệu quả kinh tế khiêm tốn, hằng năm có khoảng 12% DNNN bị thua lỗ với mức thua lỗ bình quân gấp 12 lần so với DN ngoài khu vực nhà nước, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng “đẩy mạnh tiến trình CPH DNNN là nhiệm vụ cấp bách hiện nay để sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách và ổn định điều hành vĩ mô”.

Cần báo cáo danh sách TĐ được bảo lãnh vay vốn

Chính phủ cần có giải pháp để quản lý tốt các DN, đặc biệt là các DN được Chính phủ bảo lãnh vay vốn. Theo báo cáo của Chính phủ, số bảo lãnh vay của các DN năm 2011 là 412.000 tỉ đồng, năm 2012 dự kiến là 532.000 tỉ đồng, với khoản tiền lớn như vậy nếu DN làm ăn thua thiệt hoặc phá sản, đương nhiên Nhà nước phải trả thay. Vì vậy, tôi đề nghị hằng năm Chính phủ có báo cáo danh sách các DN, các TĐ được bảo lãnh vay để QH và cử tri cùng giám sát hoạt động của các DN này.

(ĐB Trương Thị Huệ - Thái Nguyên)

Để làm được điều này, bà Tuyết lưu ý ngoài việc thực hiện tái cấu trúc đồng bộ quyết liệt cả 3 lĩnh vực trọng tâm là DNNN, đầu tư công và khu vực ngân hàng, QH cần nghiên cứu hình thức pháp lý đủ mạnh để thực thi nhiệm vụ này trong thời gian tới; cân nhắc ban hành một nghị quyết về tái cơ cấu nền kinh tế, bởi “tái cấu trúc có thể ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều nhóm, nhiều đối tượng và bộ, ngành”.

Góp thêm giải pháp về vấn đề này, ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) ngoài việc bày tỏ quan điểm “Chính phủ cần giảm thiểu tối đa bảo lãnh tín dụng cho DNNN”, đã đề nghị phải tập trung vào 2 vấn đề khi tiến hành tái cơ cấu DNNN. Đó là khẩn trương đánh giá rà soát lại một cách toàn diện các TĐ, TCT, DNNN thua lỗ để kịp thời xử lý vốn, tài sản, nợ của DN, buộc các DN phải tập trung vào kinh doanh các ngành nghề chính; nghiên cứu chuyển một số TĐ, TCT làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả sang TĐ tư nhân, trên cơ sở số liệu báo cáo của thanh tra nhà nước về những TĐ bị thua lỗ.

ĐB Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) ủng hộ giải pháp trên và đề xuất thêm: Với những DNNN làm ăn thua lỗ nhiều năm, không hiệu quả thì “tốt nhất đã đến lúc phải tính đến việc công bố phá sản và lựa chọn các TĐ có khả năng phát huy thế mạnh thay thế”. Theo ĐB Trường: “Bài học Vinashin cho ta thấy quả bóng lăn từ bộ này sang bộ khác, cuối cùng lại lăn đến chân của chính phủ. Do vậy, cần phải thành lập một ủy ban tương đương với bộ để giúp Chính phủ quản lý, điều hành các TĐ kinh tế, TCT nhà nước một cách hiệu quả”.

Lập môi trường cạnh tranh bình đẳng

Góp thêm tiếng nói vào việc thực thi nhiệm vụ tái cấu trúc khu vực DNNN, trong bản kiến nghị về tái cấu trúc kinh tế vừa gửi tới ĐBQH cuối tuần qua, Ủy ban Kinh tế của QH cũng đã đề xuất 6 biện pháp cấp bách cho vấn đề này. 

Theo đó, để tái cấu trúc khu vực DNNN, Nhà nước không nên sử dụng DNNN như một công cụ điều tiết vĩ mô, điều tiết thị trường hay thực hiện chính sách xã hội. “Muốn cải cách triệt để, cần thay đổi quan điểm vai trò then chốt của khu vực này”, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.


Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) - Ảnh: Ngọc Thắng

Ngoài đề xuất tiến tới “thành lập cơ quan cấp bộ chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu một cách chuyên nghiệp, tập trung và thống nhất”, Ủy ban Kinh tế đồng thời kiến nghị phải tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DNNN với các thành phần khác, thực hiện đầy đủ và triệt để các nguyên tắc cơ chế thị trường đối với DNNN, như phải công khai minh bạch thông tin các hoạt động của DNNN với những tiêu chuẩn khắt khe về tình hình sản xuất, tài chính, các mục tiêu kinh doanh, lợi nhuận hằng năm… theo chuẩn mực chung đang áp dụng cho các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam; xóa bỏ mọi ưu đãi cho DNNN về tiếp cận các nguồn tín dụng, quyền kinh doanh, tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiếp cận thông tin (nhất là các thông tin về quy hoạch), tiếp cận các nhà hoạch định chính sách; kiên quyết không “khoanh nợ, giãn nợ” cho bất kỳ DNNN nào, cũng không nhận việc trả nợ, xử lý nợ thay cho DN; tiếp tục lộ trình mở rộng cửa thị trường trong các ngành còn độc quyền nhà nước, để tạo môi trường cạnh tranh cho mọi thành phần kinh tế...

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, trong năm 2012 cần xây dựng kế hoạch thoái vốn và tiến tới chấm dứt kinh doanh các ngành nghề ngoài ngành nghề kinh doanh chính tại các TĐ, TCT nhà nước; tiến hành đánh giá lại vị trí từng TĐ, TCT trong từng ngành cụ thể và giao các TĐ, TCT sứ mệnh trong 10 - 15 năm tới phải phát triển để nằm trong số các DN hàng đầu của khu vực Đông Nam Á hoặc châu Á. Đi liền với đó là đẩy mạnh tiến trình CPH các TĐ.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.