Xóa thế độc quyền ngành điện

05/03/2020 07:43 GMT+7

TS Lê Đăng Doanh đánh giá tinh thần mở cửa cho kinh tế tư nhân tham gia ngành điện của Nghị quyết 55 là phù hợp với diễn biến thực tế, khi các loại hình điện năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Sau nhiều năm mặc định độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân đã chính thức “rộng cửa” tham gia mọi lĩnh vực của ngành điện theo Nghị quyết 55 về định hướng chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, Bộ Chính trị mới ban hành.

Mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân

Cụ thể, theo Nghị quyết 55, đầu tiên, cần đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất với khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới và minh bạch giá mua bán điện.
Khi DN tư nhân có cơ chế tham gia mạnh mẽ, DN nhà nước sẽ phải cải thiện chất lượng dịch vụ, người dân có thêm quyền lựa chọn
TS Lê Đăng Doanh
Quan trọng nhất, phải có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia. Nghị quyết cũng yêu cầu cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp (DN) nhà nước trong lĩnh vực năng lượng. Đồng thời, tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch, xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển ngành điện.
Trả lời Thanh Niên, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho biết sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đang tiếp tục chuyển sang một giai đoạn phát triển mới có những thay đổi về chất, đòi hỏi ngành năng lượng cũng phải có những bước phát triển tương ứng.
Trên tinh thần đó, Nghị quyết 55 đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo toàn diện và sâu sắc, trong đó có 2 quan điểm mang ý nghĩa then chốt: Thứ nhất là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, vừa là tiền đề, vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội. Ưu tiên phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh. Thứ hai, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế.

Cạnh tranh, giá điện có thể sẽ giảm

Thực tế mấy năm trở lại đây, năng lượng tái tạo phát triển mạnh, thậm chí nhiều thời điểm phát triển nóng. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp trong tổng công suất của điện gió, điện mặt trời... vẫn rất nhỏ. Chưa kể việc phát triển không đồng bộ giữa sản lượng và hệ thống truyền tải dẫn đến tình trạng nhiều dự án phải giảm công suất vì thiếu đường truyền.
Đại diện Tập đoàn Trung Nam, một trong những doanh quan tâm đến dự án nhà máy điện mặt trời quy mô công suất 450 MW tại xã Phước Minh (H.Thuận Nam, Ninh Thuận), cho biết ngoài dự án này, tập đoàn cũng đề xuất tỉnh Ninh Thuận cho đầu tư đường dây truyền tải 500 kV mạch kép dài 15,5 km.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, thông tin đường dây truyền tải do EVN đầu tư đang hoạt động đúng công suất, không thể đủ truyền tải thêm nếu nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động. Trong khi đó, để có thể xây dựng thêm 1 đường dây truyền tải khoảng 20 km, ước tính EVN sẽ phải mất khoảng 5 - 6 năm trong trường hợp mọi thủ tục đều thuận lợi. Do đó nếu không có đường dây, nhà máy hoàn thành sẽ vẫn phải tiếp tục nằm đợi.
“Đường truyền tải điện xưa nay vẫn được coi là vùng cấm, độc quyền nhà nước, DN có điều kiện cũng không thể làm được. Do đó các nhà đầu tư rất hào hứng khi Nghị quyết 55 ra đời. Bộ Chính trị đã nói rất rõ là bỏ độc quyền, bỏ các rào cản bất hợp lý để xã hội hóa cho tư nhân đầu tư vào truyền tải. Hy vọng Chính phủ sẽ sớm có những cơ chế cụ thể, đi vào thực tế để giải tỏa nút thắt cho điện năng lượng tái tạo”, ông Tiến nói.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, đánh giá tinh thần mở cửa cho kinh tế tư nhân tham gia ngành điện của Nghị quyết 55 là phù hợp với diễn biến thực tế, khi các loại hình điện năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Bởi cuộc bùng nổ năng lượng sạch tại Việt Nam ghi nhận đóng góp rất lớn của các DN tư nhân nhưng chủ yếu chỉ đầu tư sản xuất điện, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vẫn nắm khâu tiếp nhận và truyền tải. Sự phát triển không đồng bộ, không thống nhất gây khó khăn cho cả hai bên.
Không chỉ DN tư nhân bị lúng túng mà EVN cũng chịu áp lực. Do đó Chính phủ cần cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 55 bằng những chính sách, cơ chế cụ thể để mau chóng tháo gỡ các nút thắt, để DN tư nhân tiếp cận sâu, rộng hơn vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt với các nguồn năng lượng nhiều tiềm năng như điện mặt trời, điện gió.
“Khi DN tư nhân có cơ chế tham gia mạnh mẽ, DN nhà nước sẽ phải cải thiện chất lượng dịch vụ, người dân có thêm quyền lựa chọn. Đặc biệt nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển sẽ đảm bảo tăng nguồn cung điện phát triển bền vững, có thể góp phần giảm giá điện”, TS Lê Đăng Doanh nhận định.
Phải nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh.
Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.
Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng, minh bạch trong ngành năng lượng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.